Ảnh: AP
Các đám cháy rừng bùng phát hôm 8/8 tại Hawaii, Mỹ là thảm họa thiên nhiên có số người thương vong cao nhất ghi nhận được tại nơi này kể từ năm 1960. Theo thông tin mới nhất, số người thiệt mạng hiện đã lên tới 89 người. Các chuyên gia đã phân tích và chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến trận cháy rừng tại Hawaii gây thiệt hại nghiêm trọng đến vậy cả về người và của.
Rất khó nhận ra đây là thị trấn lịch sử Lahaina trên đảo Maui thuộc Hawaii, Mỹ - địa điểm thu hút nhiều khách du lịch mỗi năm. Giờ đây, nhiều nơi trong thị trấn chỉ còn là tro tàn hoặc những đống gạch vụn bốc khói.
Các chuyên gia về thời tiết và cứu hỏa cho biết, mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng trên đảo Maui xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố mà trước tiên phải kể đến tình trạng khô hạn, thảm thực vật xâm lấn và tính dễ bị tổn thương đặc biệt do địa hình bờ biển phía tây của Maui.
Ông Craig Clements - Chuyên gia khí tượng cho biết: "Maui đang ở trong đợt hạn hán nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cao hơn cả California. Gió to, lửa càng có điều kiện lan nhanh với sức hủy hoại vô cùng lớn".
Chính quyền đảo Maui cho biết thêm rằng các đám cháy ở thành phố Lahaina vẫn còn đang cháy âm ỉ, nhưng nhìn chung đã được khống chế khoảng 85% - Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, sự hiện diện ngày càng nhiều của các loại cỏ xâm lấn, rất dễ bắt cháy trên đảo đã làm tăng thêm mức độ rủi ro và thiệt hại khi xảy ra cháy rừng. Địa hình cũng là yếu tố góp phần tăng thêm tính nghiêm trọng của thảm họa lần này.
"Địa hình bờ biển phía tây của Maui có một đặc điểm dễ bị tổn thương, phần đó của Maui có một dãy núi rất dốc, gió thổi từ phía đông bắc rất mạnh, một khi xảy ra cháy rừng, tình hình chỉ càng tồi tệ hơn", ông Craig Clements nói.
Bốn ngày sau thảm họa, hiện vẫn chưa rõ người dân ở đây có nhận được bất cứ cảnh báo nào trước khi ngọn lửa lan vào nhà. Nhiều người sống sót cho biết, họ không nghe thấy bất kỳ tiếng còi cảnh báo nào và chỉ nhận ra mình đang gặp nguy hiểm khi nhìn thấy khói bốc lên và nghe thấy các tiếng nổ gần đó.
Trong khi đó, cơ quan quản lý thảm họa Hawaii cho biết thời điểm đó, các cảnh báo khẩn cấp đã được gửi qua điện thoại di động, ti vi và đài phát thanh. Tuy nhiên, không rõ liệu những cảnh báo đó có kịp thời đến được với người dân hay không do tình trạng mất điện và mất sóng di động trên diện rộng.
Thảm họa cháy rừng ở Hawaii đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của. Cây đa cổ thụ mang tính biểu tượng ở Hawaii cũng không ngoại lệ, tuy nhiên, việc nó vẫn đứng vững đã phần nào mang lại hy vọng cho người dân Hawaii về sự trụ vững và phục hồi.