Lương mới đi làm chỉ vài triệu mà đã bị bố mẹ bắt trả hết sinh hoạt phí, người trẻ đăng đàn tranh luận gay gắt

Tiền lương và áp lực của bạn trẻ mới ra trường

Cứ tưởng nhân vật chính sẽ được tất cả mọi người đồng cảm thì trái lại, câu chuyện này đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi gay gắt với nhiều ý kiến trái chiều rất đáng suy ngẫm xoay quanh chữ "hiếu" thời nay.

Tiền bạc vốn là một vấn đề nhạy cảm, nó không chỉ gây nên những bất hòa bên ngoài xã hội, giữa người với người mà còn khiến cho bao mối quan hệ trong gia đình lâm vào tình cảnh vỡ tan thảng thốt. Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây.

Chuyện kể về một bạn vừa ra trường và mới chập chững đi làm với mức lương vài đồng bạc. Tuy nhiên, bố mẹ của bạn lại lên danh sách cho hàng loạt chi phí mà bạn bắt buộc phải chi cho gia đình hàng tháng, điều này khiến cho bạn bị áp lực khủng khiếp.

Trong lúc buồn bã và tuyệt vọng nhất về vấn đề lương bổng, chữ "hiếu" và mối quan hệ giữa mình với bố mẹ, bạn đã đăng đàn chia sẻ trong một hội nhóm có rất đông thành viên trên mạng xã hội.

Bạn cho biết, chi tiêu cá nhân còn phải tằn tiện ăn uống, xăng xe cũng chỉ vỏn vẹn 2 triệu. Áo quần, túi xách, giày dép càng không dám mua. Hàng tháng, người bạn này cũng phụ nhà chi phí sinh hoạt.

Thế nhưng mâu thuẫn xảy đến khi bạn cảm thấy bố mẹ đang bòn tiền mình. “Bố mẹ mình ai cũng có tiền trăm triệu để ngân hàng. Nhưng nhất quyết không chịu chi, có tiệc tùng gì cũng bảo mình chi là phải nhiều mới đáng mặt và tự hào. Bố mẹ mình muốn tự hào bao nhiêu em càng tằn tiện bấy nhiêu.”, bạn viết.

Bạn trẻ này cũng chưa bao giờ dám bỏ ra 500 nghìn để mua 1 đôi giày nào, nhưng sẵn sàng chi cho ba đi mua giày. Tuy nhiên, người ba lại trách móc: "500 nghìn có đủ đâu, tao phải bỏ thêm 200 nghìn nữa mới đủ đó". 

Sau khi giãi bày tâm sự, người bạn khẩn thiết xin một lời khuyên từ cộng đồng mạng: “Mình nên làm gì để bố mẹ có thể hiểu mình hơn đây. Đừng suốt ngày gặp mình là đòi tiền nữa".

Câu chuyện sau khi được đăng đàn không bao lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Tuy nhiên, cứ tưởng nhân vật chính sẽ được tất cả mọi người đồng cảm nhưng trái lại, câu chuyện của bạn đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi gay gắt với nhiều ý kiến trái chiều rất đáng suy ngẫm.

2 luồng ý kiến đáng suy ngẫm

Một bên cho rằng, nhân vật chính của câu chuyện thật tệ bạc với gia đình vì không hiếu thuận với bố mẹ. Bố mẹ nuôi mình ăn học nên vóc nên hình, bây giờ đã đủ lông đủ cánh lao mình vào cuộc đời mà cũng khe khắt với họ vài triệu đồng.

Một bạn nêu ý kiến: "Bố mẹ đẻ ra mình, thì mình phải có trách nhiệm. Đừng có vì mấy đồng tiền mà kêu ca trách bố mẹ bạn ơi. Hãy hiếu thuận khi còn có thể, bản thân mình sống khổ một chút không sao, đừng để sau này họ đi rồi mới hối tiếc".

Một bạn khác thì nói: "Sau này bạn có con bạn sẽ biết, ngày xưa ba mẹ bạn ăn không dám ăn, quần áo toàn mặc đồ cũ, giày dép là thứ xa xỉ, tháng nào cũng tốn hết 1 nửa lương chỉ để chi cho bạn. Làm ơn nhớ về những ngày đó mà trả ơn, trả hiếu đi chứ than thở cái gì".

Thêm một ý kiến nữa: "Ông bà gửi tiền ngân hàng để làm gì? Nuôi bạn đi làm là bao nhiêu tuổi rồi? Mới đi làm được 2 tháng mà giống như 20 năm ấy nhỉ. Nếu áp lực quá thì xin ra ở riêng đi. Đúng là bố mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày".

Trong khi đó, bên còn lại lại cho rằng, là bậc phụ huynh đáng lẽ phải yêu thương và thấu hiểu con mình. Đừng sinh con ra chỉ để xem đó như một món đầu tư cho tương lai, cũng đừng vì mục đích "để sau này có người phụng dưỡng". Hãy để con báo hiếu từ chính những mong muốn và sâu trong trái tim mình. Đòi hỏi chỉ gây thêm áp lực và khiến con bị rơi vào tuyệt vọng mà thôi.

"Mẹ mình nói: 'Đưa con đến với cuộc đời này là sự lựa chọn của mẹ, không phải của con, nên nuôi nấng con là nghĩa vụ của mẹ, cần con hạnh phúc mạnh khỏe là được'...", một ý kiến trái chiều luồng ý kiến thứ nhất. Tài khoản này cho rằng, mấy người có cái tư tưởng đẻ con ra xong kể công thì nên xem lại, chưa chắc đưa trẻ nó muốn đến với thế giới này, ở đó còn bắt nó gánh thêm nhiều sức nặng trên vai. Còn chuyện phụ giúp nuôi gia đình là bản thân tự biết, liệu cơm gắp mắm không phải đòi, đặt nặng đồng tiền lên đầu con cái là không hề đúng.

Một bạn cũng tán đồng: "Mấy bạn thạc sĩ kỹ sư học hành đủ cả mà biết đọc bài à? Bạn đó mới ra trường lương 5 - 6 triệu/tháng, bạn cũng có cuộc sống riêng bạn bè phải chi tiêu riêng chứ có phải cuộc sống như robot đâu. Báo đáp cha mẹ thì trước tiên nó phải sống để tạo sự nghiệp, đằng này ba mẹ có phải thiếu thốn gì đâu".

Thêm một ý kiến đồng tình: " Đi làm kiếm tiền trước tiên tự nuôi được bản thân không để ba mẹ lo nữa đó mới là cái hiếu đầu tiên dành cho ba mẹ. Còn chuyện lo lắng lại cho ba mẹ trước tiên là lo cái cách sống để ba mẹ yên lòng. Cái để ba mẹ tự hào là mình nên người. Chứ chả phải mang tiền về nhà là có hiếu là lo cho ba mẹ đâu. Đừng ở đó nói nó tính toán. Như nó đi rồi hiểu".

Quả thật, chỉ từ một tâm sự mà dân mạng đã rất tốn công phản hồi khi chia sẻ hàng loạt các bình luận dài với nhiều ý kiến hay ho. Suy nghĩ cho cùng, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, những bình luận bên trên không hẳn là sai và cũng không hẳn là đúng. Cái quan trọng nhất là tự bản thân mỗi người phải tìm được lời giải từ trong chính gia đình của mình.

Khi gặp bất đồng với gia đình trong một vấn đề nào đó, chúng ta nên ngồi lại để đối thoại và tìm cách chia sẻ cho bố mẹ về những gì mình khúc mắc, khó chịu trong lòng. Như đã nói ở trên, tiền bạc là thứ nhạy cảm vừa có thể tạo dựng, cũng vừa có thể phá hủy đi những mỗi quan hệ xung quanh. Vậy nên tuyệt đối phải cẩn trọng, đừng để vài triệu đồng mà khiến cả nhà xa cách lẫn nhau. 

Theo Helino.vn


* Nội dung liên quan: