Mâu thuẫn vợ chồng giữa những ngày giãn cách xã hội, chuyện nhỏ hóa chuyện lớn

Chỉ vì khó khăn về kinh tế, bất đồng quan điểm mà mâu thuẫn vợ chồng dù nhỏ dễ thành lớn trong những ngày giãn cách xã hội vì COVID-19. Theo chuyên gia, hạnh phúc dễ "lung lay" khi không kịp hóa giải.

Chuyện nhỏ cũng dễ thành mâu thuẫn

Theo thông tin của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), từ đầu năm đến nay số cuộc gọi đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ tăng 130%. Số cuộc gọi đến đường dây nóng 1900969680 trong 6 tháng đầu năm để tư vấn tăng 140%, số ca bạo hành gia đình liên hệ tăng 51%; số lượng nạn nhân được Ngôi nhà bình yên hỗ trợ cũng tăng 110% với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, cuộc sống của nhiều gia đình đang bị ảnh hưởng, không chỉ về mặt kinh tế mà cả tình cảm vợ chồng.

Chị Cao Ngọc Anh, 26 tuổi ở Hà Nội cho biết, chị rất ít khi phàn nàn cuộc sống hôn nhân cho tới khi hai vợ chồng phải nghỉ dịch giãn cách ở nhà. Theo chia sẻ của chị, vợ chồng chị vừa mở cửa hàng ăn thì dịch COVID-19 ập tới, thành phố thực hiện giãn cách nên phải đóng cửa. Kinh doanh đình trệ, mất đi nguồn thu nhập trong khi đó ở nhà vẫn phải chi đủ thứ, cộng thêm khoản nợ mà vợ chồng vay để mở cửa hàng nên càng bí hơn. Áp lực kinh tế, vợ chồng thường xuyên mặt nặng mày mẹ, lời qua tiếng lại. Mua cái gì, ăn uống thế nào rồi kèm con học sao… tưởng chừng là việc thường nhật nhưng giờ đôi khi lại là việc mà vợ chồng tranh cãi. Đôi khi chỉ vì một điều rất nhỏ, chồng chị cũng cáu, quát vợ con.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo (Hà Nội) phải nghỉ bán hàng vì dịch. Chồng chị làm ở nhà nước với mức thu nhập trung bình, đợt này lại bị cắt giảm thêm. Cuộc sống vốn khó khăn, giờ lại càng khó khi thắt chặt chi tiêu, kéo theo nhiều vấn đề. Hai vợ chồng đối diện với nhau thời gian dài, bắt đầu nhận ra những thói xấu mà trước kia chưa bộc lộ. Từ những chuyện vụn vặn như chưa kịp gấp quần áo hay vắt quả cam uống xong chưa kịp đổ, cũng trở thành ngòi nổ cho cuộc cãi vã. Đang mang bầu, chị Thảo vì thế mà ảnh hưởng tâm lý.

Mâu thuẫn vợ chồng giữa những ngày giãn cách xã hội, chuyện nhỏ hóa chuyện lớn - 1

Hạnh phúc dễ "lung lay" khi mâu thuẫn không kịp hóa giải

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho hay, bước vào cuộc sống hôn nhân, không chỉ trách nhiệm mà hai vợ chồng phải điều chỉnh hàng loạt thói quen để phù hợp với bạn đời và gia đình mới. Ngay ở giai đoạn "hậu trăng mật", nếu như vợ chồng không điều chỉnh thì cũng dễ xảy ra cãi vã, mâu thuẫn…

Hơn nữa, hiện dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng kéo theo nhiều vấn đề về việc làm, kinh tế và cả đời sống hạnh phúc của mỗi gia đình. Khó khăn về kinh tế, bí bách trong cuộc sống, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội nhiều cặp vợ chồng gần như 24/7 ở nhà khó tránh khỏi sự khắc khẩu, tranh luận không đáng có. Họ bị stress bởi áp lực tài chính, công việc…, mâu thuẫn càng dễ xảy ra. Khi mâu thuẫn không kịp hóa giải, hạnh phúc dễ "lung lay".

Nhiều người nghĩ rằng, giai đoạn mới cưới của vợ chồng son sẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất nhưng giai đoạn này cũng là "nguy hiểm" với các cặp đôi. Theo các chuyên gia tâm lý, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh, các cặp vợ chồng son càng cần lưu ý tránh những mâu thuẫn.

Bởi khi sống chung sẽ xuất hiện những điều khác biệt mà trước đây giai đoạn yêu nhau cả hai chưa nhìn thấy hoặc dễ dàng bỏ qua. Cộng thêm áp lực điều chỉnh thói quen chi tiêu, chăm lo đời sống hàng ngày trong thời điểm giãn cách… vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Những tranh cãi thường nhật nếu tích tụ lâu dài dễ dẫn tới điều đáng tiếc. Đã có nghiên cứu chỉ ra, tình trạng ly hôn ở giới trẻ ngày càng tăng và không vượt qua được mốc 5 năm đầu tiên.

Chuyên gia khuyên, mọi người cần có biện pháp để thích nghi với cuộc sống khi có những thay đổi ngoài dự kiến. Mỗi người cần hạ "cái tôi" xuống, cần thay đổi những thói quen xấu, thông cảm với nhau trong cuộc sống vì trên đời chẳng có ai hợp nhau hoàn toàn và cũng chẳng ai giống ai tuyệt đối. Hãy yêu thương, chia sẻ cảm thông nhau thì mọi việc sẽ hóa giải.

Kỹ năng giải quyết tốt mâu thuẫn vợ chồng

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để giải quyết tốt mâu thuẫn vợ chồng thì đòi hỏi cả hai phía phải biết cố gắng, nhìn nhận nhau. Theo đó:

- Biết chấp nhận sự khác biệt về tính cách của nhau chứ đừng nên cố gắng "thuần hóa" người mình yêu.

- Biết tổ chức cuộc sống gia đình, theo đó hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn, người vợ chủ động kéo chồng gần hơn, nên đề nghị chồng cùng tham gia một số việc nhà khi anh ta chưa tự giác làm…

- Trong mọi cuộc tranh cãi cần biết thỏa hiệp và thỏa hiệp đúng lúc. Mọi người đừng chỉ nên chăm chăm nhìn tiêu cực về đối phương mà giành chiến thắng cho bản thân. Khi mâu thuẫn không ai là tuyệt đối đúng và ngược lại tuyệt đối sai.

- Biết đặt mình vào vị trí của người khác để tôn trọng, quan tâm, chia sẻ và biết tha thứ, nhường nhịn.

- Biết bày tỏ và kiên nhẫn lắng nghe chứ đừng để sự bực tức quá lâu chỉ làm mâu thuẫn thêm trầm trọng. Vợ chồng cần chân tình, thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ, khúc mắc của mình với bạn đời để hiểu nhau hơn, thấy được mặt tốt của nhau từ đó cùng nhau tiến bộ.

- Khi mâu thuẫn đừng nâng cao quan điểm, đem chuyện cũ nói đi nói lại để đay nghiến đối phương.