Vợ chồng tôi làm thuê ở xa, có cô con gái năm nay 7 tuổi. Vì cuộc sống vẫn chưa ổn định, áp lực tài chính nhiều nên chúng tôi chưa muốn có thêm đứa thứ 2. Thế nhưng, mẹ chồng không hiểu điều đó, liên tục thúc giục tôi sinh con.
Khi cưới nhau, bố mẹ chồng hứa sẽ mua nhà nên chồng tôi đưa hết thu nhập của mình cho ông bà. Mua nhà là chuyện lớn, họ nói nếu muốn cải tạo nhà cũ hay mua nhà mới đều được. Họ sẽ ủng hộ quyết định của chúng tôi.
Thấy bố mẹ chồng nói cũng có lý nên tôi không còn quá bận tâm chuyện nhà cửa nữa. Sau khi kết hôn, bố mẹ chồng cũng chẳng nhắc chuyện mua nhà nhưng lại yêu cầu chồng tôi mỗi tháng gửi về 7 triệu đồng. Họ nói rằng, em chồng sắp kết hôn, chú ấy cần được giúp đỡ, phận anh chị trong nhà chẳng nhẽ lại không giúp em mình.
Chồng tôi sợ vợ giận nên chưa bao giờ nói với tôi chuyện này. Đến khi tôi đối chiếu tài khoản thì phát hiện anh ấy có rất ít tiền tiết kiệm, lúc này sự việc mới lộ ra. Từ đó, tôi cấm anh gửi tiền về cho gia đình nữa. 2 vợ chồng cũng vì chuyện này mà cãi nhau một trận, anh ấy vẫn gửi tiền về nhà nhưng giảm xuống còn 3 triệu.
Khi em chồng lấy vợ, bố mẹ chồng mua cho em ấy một căn nhà nhỏ trên thành phố. Nghe thấy vậy tôi cảm thấy rất khó chịu nhưng mẹ chồng giải thích rằng, em dâu tôi làm giáo viên, cần có một nơi thoải mái để dạy học trò.
Thì ra trong suy nghĩ của mẹ chồng, khả năng của con dâu cũng ảnh hưởng đến cách bà đối xử. Tôi tự hỏi, nếu tôi nhất quyết đòi mua nhà trước khi cưới, liệu bà ấy có tiền để làm vậy không. Nghĩ đến việc chồng mình gửi tiền về cho gia đình suốt bao năm, tôi không khỏi chạnh lòng.
Tôi hiểu thái độ của mẹ chồng, cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào họ, cuộc sống sau này phụ thuộc vào bản thân, phải dốc toàn lực cho gia đình. Tôi cũng tranh thủ làm thêm một số việc bên ngoài. Vì sống xa bố mẹ chồng nên 2 bên cũng không xảy ra quá nhiều mâu thuẫn, tôi xem đó là điều may mắn.
Sau một năm bận rộn, chúng tôi đưa con gái về quê ăn Tết, hào phóng biếu mẹ chồng 10 triệu. Chúng tôi cũng mua thêm rất nhiều đồ mang về. Em dâu lúc đó cũng về, dắt theo đứa con trai 3 tuổi. 2 chị em chơi đùa với nhau ngoài sân, khá vui vẻ.
Lúc này, mẹ chồng lấy ra 2 bao lì xì, một cái trông có vẻ dày dành cho cháu gái, một cái mỏng hơn một chút cho cháu trai. Bà cố tình nhét vào túi 2 đứa trẻ rồi dặn về nhà hẵng mở ra.
2 đứa trẻ vâng dạ rồi ra ngồi ngoài sân ăn hạt dưa giữa không khí ấm áp, vui vẻ ngày Tết. Một lúc sau, con gái tôi chạy vào nhà, đưa bao lì xì cho tôi, khi mở ra trong đó toàn là tờ 20.000 đồng, nhìn rất dày nhưng thực chất chỉ có 700 nghìn đồng. Thế nhưng, bao lì xì của cháu trai lại chứa toàn tờ mệnh giá 200.000 đồng, đoán sơ cũng phải hơn 3 triệu. Con gái tôi đã học về tiền ở trường nên hỏi luôn bà nội tại sao lại có sự khác biệt với nhau như vậy, còn nói “có phải bà thương cháu trai hơn cháu gái đúng không”.
Mẹ chồng tôi lúc đó rất ngượng ngùng, xấu hổ, có lẽ bà không ngờ 2 đứa trẻ mở bao lì xì ra rồi còn ngồi tính với nhau. Không khí vui vẻ lúc đó phút chốc tan tành mây khói, đến đây tôi mới hiểu được con người thực sự của mẹ chồng.
Dù 2 vợ chồng tôi có đối xử tốt với bà bao nhiêu, mọi thứ cũng đều vô nghĩa khi gia đình người em vừa có vợ là giáo viên, vừa sinh được cháu trai. Sau đó, tôi với chồng đành viện cớ có việc đột xuất cần quay về thành phố sớm. Có lẽ anh ấy cũng thất vọng không kém tôi khi chứng kiến cảnh bố mẹ mình đối xử với cháu như vậy.