Gần một năm trước, tôi lên xe hoa về nhà chồng trong sự tủi nhục, dè bỉu của bàn dân thiên hạ. Tất cả chỉ vì tôi trót "ăn cơm trước kẻng". Ở một làng quê vẫn nặng tư tưởng cổ hủ, phong kiến thời xưa, việc chưa chồng mà chửa của tôi vẫn bị đem ra bàn tán, mỉa mai. Nhất là khi bố mẹ người yêu tôi từ chối tổ chức đám cưới, mọi chuyện càng trở nên căng thẳng.
Vì không muốn con gái phải làm mẹ đơn thân hoặc tìm đến bước đường cùng là bỏ đi đứa bé, bố mẹ tôi phải đến "xin" nhà trai tổ chức lễ cưới. Ông bà nói không cần sính lễ, không cần tổ chức cưới hỏi hoành tráng, chỉ cần con gái có một danh phận là đủ.
Thời điểm ấy, tôi rất bất ngờ khi người yêu tỏ ra khá dửng dưng với chuyện cưới xin, thậm chí là không muốn cưới. Nhưng vì quá lụy tình nên tôi chấp nhận tủi nhục, chấp nhận là kẻ đeo bám người yêu. Tôi làm tất cả vì muốn cho con một gia đình hoàn chỉnh, được xã hội công nhận.
Đám cưới diễn ra vô cùng sơ sài. Mọi người trong gia đình nhà chồng còn mặt nặng mày nhẹ với nhà tôi ngay trong khi cử hành hôn lễ. Bố mẹ tôi dù đau lòng, thương con nhưng đành nuốt nước mắt chịu đựng.
Sau khi cưới, chúng tôi sống chung cùng bố mẹ chồng và hai cô em chồng. Dù nhà đông người nhưng ngày qua ngày, tôi sống lầm lũi như một kẻ cô đơn trong nhà chồng. Tôi luôn cố gắng làm thân với mọi người trong nhà nhưng đổi lại vẫn là thái độ thờ ơ đến lạnh người.
Cả gia đình nhà chồng chỉ quan tâm đến đứa con trong bụng tôi là trai hay gái và bao giờ tôi sinh cháu ra cho họ. Còn lại sức khỏe của tôi, sức khỏe của em bé như thế nào, không ai hỏi thăm lấy một câu.
Tôi biết mọi người trong nhà chồng không thích mình nhưng vẫn kiên trì, cố gắng giữ đúng đạo dâu con trong nhà. Thời điểm ấy, tôi vẫn ngây thơ nghĩ rằng, chỉ cần chồng quan tâm, yêu thương mẹ con tôi thì cho dù cả thế giới có quay lưng, tôi cũng chấp nhận.
Thế nhưng, tôi đã lầm. Anh ta cũng chẳng khác gì bố mẹ mình cả. Từ ngày về sống chung, chồng tôi đi biền biệt từ sáng đến tối mới về. Anh ta còn không thèm đụng đến người vợ. Đôi khi tôi cảm giác, chúng tôi như hai người dưng chứ không hề là cặp đôi đã từng yêu nhau.
Nhiều lúc tủi khổ, tôi chỉ biết tâm sự với đứa con trong bụng cho nhẹ lòng. Thỉnh thoảng tôi gọi điện về cho mẹ đẻ để lấy động lực tiếp tục cuộc sống. Bà lúc nào cũng động viên tôi đừng suy nghĩ nhiều, cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi cho mẹ khỏe, con khỏe.
Thế nhưng, cuộc đời thật nghiệt ngã. Mẹ tôi đã bỏ tôi đi sau một cơn đột quỵ trong đêm. Nghe tin dữ, tôi chết lặng, trời đất như sụp đổ.
Khi nỗi đau mất mẹ chưa nguôi, tôi bàng hoàng phát hiện đứa con trong bụng không còn đạp nữa. Và khi nghe bác sĩ thông báo tôi bị lưu thai, tôi sốc đến ngất đi.
Cảm giác mất đi máu mủ ruột rà luôn là cảm giác đau đớn nhất. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ngay sau khi đứa con trong bụng không còn nữa, tôi phải đối mặt với sự hắt hủi, đổ lỗi đến từ cả gia đình nhà chồng.
Mẹ chồng chì chiết tôi chuyện không biết giữ gìn khiến cháu bà bị lưu. Thậm chí bà còn bóng gió nói do tôi về chịu tang mẹ đẻ nên mới dẫn đến cơ sự như vậy.
Mẹ chồng đã vậy, chồng tôi còn quá đáng hơn. Anh ta không một lời an ủi vợ, ngược lại còn lộ rõ là con người bạc tình bạc nghĩa đến ghê người.
"Đám cưới này diễn ra là vì đứa con. Giờ nó đã mất, đồng nghĩa giữa chúng ta không còn ràng buộc gì nữa. Chia tay đi. Coi như giải thoát cho cả hai".
Câu nói của chồng khiến tôi đau thấu tận tâm can. Tôi không ngờ anh ta lại có thể thốt ra câu ấy trong khi tôi đang chồng chất nỗi đau, cả thể xác lẫn tinh thần như này.
Mẹ mất, con mất, chồng bội bạc đòi chia tay, tôi như rơi xuống vực sâu của sự đau đớn. Tôi đã làm gì sai để cuộc đời đối xử tàn nhẫn với tôi như vậy?