Các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào mùa mưa, nước lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp nên đất ven sông bị “mất chân”, dẫn đến nạn sạt lở.
Những ngày qua, tại TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng,… liên tiếp xảy ra sạt lở đất bờ sông, cuốn trôi nhiều căn nhà của người dân, uy hiếp đường giao thông huyết mạch. Nhiều tuyến đường bê tông, bờ bao kết hợp tuyến giao thông nông thôn bỗng bị chia cắt sau cơn há miệng của... “hà bá”.
Sạt lở nhiều nơi
Những ngày này, nhiều người dân ở một số xã của huyện Kế Sách và huyện Long Phú (Sóc Trăng) lo lắng vì tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của bà con. Ông Phạm Hải Hoàng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết, trên địa bàn ấp Hòa Thành vừa xảy ra vụ sạt lở tuyến đê bao khiến 2 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông, một căn còn lại cũng đang bị đe dọa, thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng.
Ông Lê Ngọc Lâm (69 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Thành), kể chỉ trong vòng một tuần (từ 21 đến 27-7), hai căn nhà của gia đình ông bị trôi xuống sông. Trong đó có một căn nhà sàn diện tích 75m², một nhà kho khoảng 120m2, ước thiệt hại trên 500 triệu đồng.
“Vụ sạt lở xảy ra bất ngờ, người trong gia đình chỉ kịp chạy lấy người, còn tài sản, đồ đạc bị cuốn trôi hết. Thuê thợ lặn chỉ lấy được mấy tấm tôn. Còn căn nhà thứ 3 thì cũng đang bị đe dọa sạt lở nên gia đình đang cho tháo dỡ, không dám ở trong nhà nữa. Trên nền nhà cũ hiện nay là hố nước rất sâu, chiều dài khoảng 20m, rộng khoảng 12m, nguy cơ sạt lở vẫn còn đe dọa không chỉ với gia đình tôi mà với nhiều hộ ở khu vực này”, ông Lâm lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết vụ sạt lở khu vực nhà ông Lâm đã nuốt luôn một đoạn đường giao thông nông thôn trong khu vực khiến cho cả ngàn hộ dân bị “bít lối đi”, bị cô lập hoàn toàn vì đây là tuyến lộ nông thôn độc đạo, huyết mạch để người dân đi lại với các địa phương khác.
Theo chính quyền địa phương, tình trạng sạt lở vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều đoạn đê bao tiếp tục bị nhấn chìm xuống sông. Sau khi xảy ra sạt lở, xã đã báo cáo về Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách. Đồng thời, đề nghị ngành chức năng sớm khắc phục bờ bao bị sạt lở, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất.
UBND tỉnh An Giang vừa ban bố tình trạng khẩn cấp trên tuyến QL91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Trong 2 ngày 27 và 28-7 vừa qua, đoạn đường trên xuất hiện nhiều vết nứt dài 30m, nguy cơ QL91 bị sụp xuống sông Hậu bất cứ lúc nào.
Đến sáng 29-7, vết nứt tiếp tục mở rộng từ 1,5cm đến 3cm. Ngành chức năng tỉnh An Giang xác định do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu dẫn đến rạn nứt. Hai căn nhà và hai quán trong khu vực có vết nứt đã được tháo dỡ, di dời.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các thành phố, huyện, thị xã theo dõi sát diễn biến sạt lở, kịp thời di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho nguời, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở. Các lực lượng chức năng phối hợp các đon vị, bố trí lực luợng trực canh theo dõi chạt chẽ diễn biến sạt lở.
Ngành chức năng TP Cần Thơ cũng kiến nghịTổng Cục đường bộ khảo sát có hướng xử lý đoạn kè sạt lở, đảm bảo an toàn QL80 sau khi sạt lở bờ sông tại ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh. Đoạn sạt lở dài hơn 40m, dọc theo QL80 đã làm sụp 2 căn nhà của người dân, 2 căn sụp một phần và căn còn lại có dấu hiệu rạn nứt. Như Báo CAND đã thông tin ban đầu, trước khi xảy ra sạt lở, ngày 28-7, người dân phát hiện nền nhà có nhiều vết nứt.
Chính quyền địa phương khảo sát, yêu cầu người dân di dời, tháo dỡ tài sản đến nơi an toàn. Cũng tại ấp Vĩnh Lân, vào tháng 4-2019, xảy ra sạt lở dài 35m, cuốn trôi 4 căn nhà nằm liền kề nhau. Hai vụ sạt lở, gây thiệt hại về tài sản hơn 2 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra 20 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 400m, gây ảnh hưởng và làm sụp hàng chục căn nhà; ước thiệt hại tài sản gần 15 tỷ đồng. Toàn thành phố có khoảng 200 điểm sạt lở, trong đó 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh giao Sở NN&PTNT phối hợp cùng địa phương khảo sát tổng thể tuyến kênh Cái Sắn, lập kế hoạch, dự toán khắc phục sạt lở trình UBND thành phố xem xét và tranh thủ sự hỗ trợ của bộ, ngành trung ương.
Tại Đồng Tháp, tính đến tháng 6-2019, có hơn 18km kênh nội đồng bị sạt lở. Việc sạt lở các tuyến sông, kênh nội đồng gây ảnh hưởng, chia cắt nhiều tuyến giao thông nông thôn, việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Dọc theo tuyến kênh Cả Dầu, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, hàng trăm mét đường nông thôn sụp lún. Gần đây nhất, 20 m đường bêtông rộng 2,5m kênh Cả Dầu sụp xuống sông, người dân phải sử dụng cây gỗ bắt cầu tạm đi lại. Liên tục trong các ngày 20-5 và 19-6, tại huyện Lai Vung xảy sạt lở đường giao thông nông thôn tại xã Long Hậu và xã Mỹ Thơ, làm sụp hơn 50 m đường, ăn sâu vào đất liền từ 3,5 đến 7m.
Sạt lở đất bờ sông, chia cắt giao thông nông thôn ở Đồng Tháp.
Hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng
Tỉnh Đồng Tháp còn hơn 6.000 hộ dân sống trong vành đai sạt lở từ 0-60m, cần phải di dời, trong đó hơn 3.500 hộ dân đang sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm từ 0-30m. Số lượng điểm sạt lở ngày càng tăng, mỗi năm tỉnh Đồng Tháp mất khoảng 30-50ha đất. Chỉ tính dọc theo sông Tiền và sông Hậu có 21 xã, phường bị sạt lở, với 85 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 29km. Tính đến tháng 6-2019, sạt lở gây thiệt hại kinh tế gần 50 tỷ đồng. Mới đây, vào rạng sáng 15-7, bờ sông Nha Mân đoạn cầu Lò Heo đến đình Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành có 5 căn nhà của người dân sụt lún, chìm dưới nước và 7 căn nhà khác buộc phải di dời.
Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, nguyên nhân sạt lở chủ yếu do tác động dòng chảy, hoạt động của con người, như: Khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá và nuôi thuỷ sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ.
Sáu tháng đầu năm 2019, tỉnh An Giang xảy ra 12 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 1.089m, ảnh hưởng 68 căn nhà, ước thiệt khoảng 3,3 tỷ đồng. Kết quả quan trắc của Sở TN&MT cho thấy, toàn tỉnh có 51 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và ba đoạn ở mức độ nhẹ đe dọa hơn 20.000 hộ dân.
Vụ sạt lở bờ sông Hậu đoạn thuộc địa bàn xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) vào ngày 9-7 vừa qua làm cho 27 hộ dân rơi vào cảnh có nhà nhưng thành “vô gia cư”, với chiều dài sạt lở 150m, ăn sâu vào đất liền 6m. Ông Phạm Thành Long (SN 1956), có nhà cách điểm sạt lở hơn 50m nhưng phải dọn đến tá túc nhà người quen. “Rồi cuộc sống mới, nơi ở mới sẽ bắt đầu. Nhưng làm sao không tiếc cho được, căn nhà đó là tài sản tích góp nhiều năn, nơi thờ cúng tổ tiên, chôn nhau cắt rốn, tình làng nghĩa xóm - giờ bị hà bá nuốt chửng nên rất đau lòng”, ông Long nói. Chung cảnh ngộ, 10 hộ dân bị ảnh hưởng của vụ sạt lở đê Bắc Kênh Xáng tại xã Tân An, thị xã Tân Châu vào ngày 18-6 và 19-7 vừa qua cũng phải di dời khẩn cấp...
Ông Phan Hải Hoàng Tâm cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn xã Xuân Hòa có 7 đoạn đê bao bị sạt lở, có nhiều đoạn bị sạt lở từ 40-60m. Xã đang khẩn trương khảo sát, hỗ trợ, giúp dân khắc phục có nhà cửa bị thiệt hại. Đồng thời, kiến nghị các quan chức năng của tỉnh sớm khắc phục các đoạn đê bao bị sạt lở, chia cắt. Nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa lo lắng vì tuyến đê bao bị sạt lở đe dọa đến vườn cây ăn trái của xã vì những đoạn đê bao bị sạt lở này có nguy cơ làm nước mặn có thể tràn vào. Tại xã Song Phụng, huyện Long Phú, tình trạng sạt lở ở một số tuyến đường cặp bờ sông cũng có diễn phức tạp. Nhiều đoạn sạt lở lấn sâu vào đất liền khiến nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực này lo lắng.