Mồ hôi, nước mắt và máu: Tập thể bị lãng quên đằng sau những công trình tỷ đô của World Cup

32 đội bóng với những ngôi sao hàng đầu hành tinh; những sân vận động hào nhoáng tỷ đô; giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh... Nhưng đằng sau tấm phông nền hào nhoáng đó là gì?

Shambhu Chaudhary nhận chiếc điện thoại và nhìn thật lâu người đàn ông trong ảnh. Ông ta mặc một bộ đồ tối màu và đứng dưới ánh nắng rực rỡ ở trung tâm của một công trình xây dựng khổng lồ. Lúc đầu, Chaudhary không nhận ra người đàn ông đó. Nhưng anh nhận ra địa điểm chụp ngay lập tức.

"Lusail", Chaudhary nói, đó là tên cơ sở trị giá 1 tỷ đô la hào nhoáng, là tâm điểm của World Cup Qatar. "Tôi đã xây dựng sân vận động đó", Chaudhary, 44 tuổi, có lẽ sẽ không xem các trận đấu của World Cup sẽ diễn ra trong tháng này và tháng tới tại Lusail, khi sân vận động mà anh góp công xây dựng sẽ thu hút các cầu thủ ngôi sao, người nổi tiếng toàn cầu, nguyên thủ quốc gia và hơn một tỷ khán giả truyền hình vào chung kết 18/12.

Mồ hôi, nước mắt và máu: Tập thể bị lãng quên đằng sau những công trình tỷ đô của World Cup - Ảnh 1.

Công nhân xây dựng ở Doha, Qatar vào tháng 6. Một số kiếm được mức lương ít hơn 330 đô la/tháng nhưng còn bị trả chậm hoặc thiếu sót.

Tuy nhiên, chẳng điều nào trong số đó có thể xảy ra nếu không nhờ hàng trăm nghìn người như anh: những người lao động nhập cư là động cơ chính trong công việc liên tục và nguy hiểm trong sức nóng thiêu đốt của Vịnh Ba Tư, góp công cho kỳ quan World Cup đầu tiên ở thế giới Ả Rập, trị giá tới 220 tỷ đô.

World Cup 2022 không phải là lý do cho hàng loạt hy sinh và mồ hôi, xương máu của vô số người lao động - thực ra, nó chỉ là cơ hội để người ta nhìn vào tận mắt hiện trạng đó - vốn đã diễn ra suốt một thập kỷ qua cùng quá trình "thay da đổi thịt" của nước chủ nhà World Cup.

"Đội quân" góp công cho giải bóng đá lịch sử này quá đông và đến từ nhiều nơi khác nhau tới mức gần như không thể đếm được chính xác số người. Hơn nữa, hàng ngàn cái tên ra đi trong các tai nạn lao động hoặc lý do khác có lẽ cũng sẽ rơi vào dĩ vãng.

Các tổ chức nhân quyền đã đưa ra con số tử vong lên tới hàng nghìn người. Trong khi đó, con số chính thức của các nhà tổ chức Qatar - sau khi cẩn thận giới hạn số ca tử vong đối với các dự án liên quan trực tiếp đến giải đấu - là 37, và chỉ có 3 nếu chỉ tính các vụ tai nạn tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, mỗi cuộc đời đều có một câu chuyện. Chaudhary nhìn lại bức ảnh. "Tôi đã nhìn thấy khuôn mặt của ông ta trước đây - ông ta ở vị trí rất cao, rất quan trọng", Chaudhary nói, giơ hai tay lên trên đầu.

Sau đó, anh cuối cùng cũng nhận ra Gianni Infantino, chủ tịch FIFA, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế. Infantino đã gây chú ý vào tháng 5 khi ông phát biểu rằng những người đã xây dựng các sân vận động cho World Cup nên cảm thấy "phẩm giá và lòng tự hào" về công việc của họ.

Mồ hôi, nước mắt và máu: Tập thể bị lãng quên đằng sau những công trình tỷ đô của World Cup - Ảnh 2.

Chủ tịch FIFA ở sân vận động Lusail.

Chaudhary nhún vai. Với anh, sân vận động chỉ là một công trình bình thường, một công việc bình thường.

"Đối với tôi", anh nói, "công việc và tiền bạc quan trọng hơn bóng đá".

"Động cơ" cho guồng máy quần quật

Nằm kẹt giữa các siêu cường khu vực như Ấn Độ và Trung Quốc, Nepal là một quốc gia có ngành công nghiệp nhỏ nhưng sở hữu lực lượng lao động đông đảo và hăng hái cho World Cup năm nay. Kể từ năm 1994, khi dữ liệu về lao động xuất khẩu được ghi lại ở Nepal, chính phủ ước tính đã có tới con số tương đương 25% dân số di cư ra nước ngoài để làm việc.

Lao động xuất khẩu rất quan trọng đối với nền kinh tế của Nepal đến nỗi không chỉ có một mà có đến hai cơ quan chính phủ chuyên trách về vấn đề di cư. Krishna Prasad Bhusal, phát ngôn viên của một trong số đó, Cục Việc làm Nước ngoài, cho biết 650.000 người Nepal đã ký hợp đồng lao động nước ngoài chỉ trong năm ngoái. Theo số liệu của chính phủ, lượng kiều hối họ gửi về nước chiếm 1/4 thu nhập quốc dân của đất nước, tỷ lệ cao thứ 7 trên thế giới. Ông nói, công việc của người di cư "sẽ quan trọng trong nhiều năm nữa".

Tuy nhiên, Nepal cũng đã phải trả cái giá khá đắt cho xuất khẩu lao động. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Nepal, khoảng 2.100 công nhân nước ngoài đã chết ở Qatar kể từ năm 2010. Nhưng đây không phải địa điểm duy nhất - 3.500 người khác đã mất mạng ở Malaysia, gần 3.000 ở Ả Rập Saudi và ít nhất 1.000 ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Những công nhân này phải chống chọi với một loạt bệnh tật như đau tim sớm và các vấn đề về sức khỏe không rõ nguyên nhân liên quan đến nắng nóng mà quan chức địa phương mô tả là "không thích nghi với môi trường". Cũng đã có một số vụ tự tử đáng báo động trong thập kỷ qua, với gần 200 vụ được ghi nhận trong số những người lao động nhập cư người Nepal ở Qatar.

Bishwa Raj Dawadi, một bác sĩ trong ủy ban kiểm tra giấy chứng tử và thương tật của lao động nhập cư cho Bộ Lao động, đã nhận thấy một xu hướng đáng lo sợ khác: những người lao động trẻ bị suy thận sau khi trở về từ vùng Vịnh. Ông cho biết nhiều người trở về làng của họ mà không được điều trị theo yêu cầu; nhiều người chết trong vòng 2 năm sau khi trở về nhà.

Một thực trạng khác là đa phần nạn nhân là nam giới từ 20 đến 45 tuổi và tất cả đều phải trải qua quy trình khám sức khỏe của chính phủ trước khi được cấp phép làm việc tại nước ngoài, và tất cả trong số họ đều có sức khỏe đạt chuẩn trước khi đi. Nhưng lạ là, khi trở về trong những cỗ quan tài, nhiều người bị xếp vào nguyên nhân tử vong tự nhiên dù không có cuộc khám nghiệm tử thi nào.

Mồ hôi, nước mắt và máu: Tập thể bị lãng quên đằng sau những công trình tỷ đô của World Cup - Ảnh 3.

Chaudhary bên số thuốc anh phải dùng kể từ khi mắc chứng chóng mặt do làm việc dưới cái nóng cực đoan. Anh cho biết với mỗi ngày nghỉ ốm, người lao động bị phạt 2 ngày công.

Chaudhary, một người đàn ông to lớn với bộ ria mép thưa, đi ra sau nhà để lấy một chiếc túi. Anh thò tay vào trong đó và lấy ra một lọ hình vuông chứa những viên nang màu cam và trắng. Chúng là một phần của chế độ thuốc bắt buộc anh phải uống hàng ngày sau khi bị chóng mặt và ngã quỵ lúc làm việc dưới ánh nắng sa mạc.

Ảnh hưởng sức khỏe không phải vấn đề duy nhất

Ngoài vấn đề sức khỏe, người dân Nepal có ước mong xuất khẩu lao động còn đối diện nguy cơ lừa đảo và cả chi phí cao ngất ngưởng hay cạnh tranh cho các vị trí tuyển dụng.

Ở Kathmandu, Krishna Magar cho biết anh đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh gay gắt để giành được vị trí nhân viên bảo vệ tại World Cup trong 2 tháng. Anh được thông báo về thị thực và các chuyến bay sẽ do người thuê lo liệu, nhưng khi anh chuẩn bị khởi hành, một đại lý tuyển dụng người Nepal đột nhiên đòi 1/4 trong số 1.000 đô la mà anh mong đợi kiếm được.

Magar cho biết nhà tuyển dụng hứa hẹn mức lương 550 đô/tháng, cung cấp 3 bữa ăn miễn phí mỗi ngày, kèm tiện nghi, giặt là, di chuyển và tất cả các chi phí xuất nhập cảnh.

Mồ hôi, nước mắt và máu: Tập thể bị lãng quên đằng sau những công trình tỷ đô của World Cup - Ảnh 4.

Người xuất cảnh ở sân bay Kathmandu, Nepal. Hàng nghìn lao động tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài mỗi năm.

Magar vô cùng tức giận. "Họ đang đe dọa hủy thị thực của tôi", anh nói khi đứng bên ngoài văn phòng di trú, nơi hàng ngày có rất nhiều người muốn di cư đầy hy vọng đến nộp đơn khiếu nại. Nhưng quá cần làm việc và không còn nhiều thời gian, anh hy vọng việc thu hút sự chú ý đến trường hợp của mình sẽ giúp anh được đến Qatar đúng như mong đợi.

Các quan chức World Cup trong nhiều năm đã bị chỉ trích gay gắt về cách đối xử với người lao động nhập cư, cả ở Qatar và ở quê hương của người lao động. Đáp lại, họ cho rằng mình đã cải thiện điều kiện lao động. Họ thiết lập mức lương tối thiểu ($275 mỗi tháng) và bãi bỏ hệ thống trừng phạt gọi là kafala cho phép người sử dụng lao động giữ hộ chiếu của người lao động, khiến họ không thể rời khỏi đất nước hoặc thay đổi công việc mà không được phép.

Những người chỉ trích lập luận rằng các thay đổi lớn nhất của Qatar chỉ diễn ra sau khi phần lớn công trình đã được hoàn thành hoặc chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp cho các dự án World Cup và việc thực thi đó vẫn còn chắp vá.

Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng bởi lao động nhập cư vẫn không biết về cải cách lao động của Qatar hoặc các biện pháp bảo vệ mới dành cho họ.

Tệ hơn, theo New York Times ghi nhận, nhiều lao động bị các công ty môi giới buộc phải nói dối về điều kiện làm việc trong video ghi hình làm bằng chứng chống lại họ. Một người nhập cư làm công việc bảo vệ ở Abu Dhabi cho biết họ phải khẳng định trong video là mình chỉ cần trả mức phí hợp pháp tương đương 75 đô la, còn sự thật thì tồi tệ hơn nhiều.

Anh này và nhiều người trong nhóm thoải mái tiết lộ rằng họ được huấn luyện để nói dối các quan chức di trú về mức phí trên, trong khi thực tế phải trả ít nhất 30 lần số tiền đó.