Việc đi xem mặt để tiến tới hôn nhân không còn là điều xa lạ ở đất nước thiếu nữ, thừa nam như Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đi xem mặt hàng chục người chỉ trong một ngày thì quả thực là thú vị. Điều này đã xảy ra với một cô gái ở Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam.
Được biết, cô gái họ Chu (23 tuổi), hiện đang làm việc ở tỉnh Thâm Quyến, tranh thủ về quê vào dịp cuối tuần. Vừa về đến nhà cô gái đã được bố mẹ đưa đi vòng quanh làng để xem mặt... 20 người.
Người dân nơi đây cho biết, ở chỗ họ, mỗi lần đi xem mặt vài chục người là chuyện bình thường do tình trạng các hộ gia đình nam thừa nữ thiếu ở làng này khá nhiều.
Trả lời báo chí, Chu cho biết bạn bè cô đa số đã có người yêu ngay hoặc làm việc tại quê nhà. "Các bạn đã kết hôn từ lâu, tôi là người duy nhất còn độc thân. Thực ra cũng chẳng phải điều gì quá cao siêu, cứ đi gặp rồi nói chuyện với nhau thế thôi".
Đoạn clip hiện đang thu hút vô số sự chú ý của cộng đồng mạng. Hầu hết mọi người đều bày tỏ sự thích thú:
- "Không khác gì Hoàng đế tuyển phi tần, cảm giác thật cao giá!";
- "Có thể bảo mấy người kia xếp thành hàng rồi đi gặp luôn một thể không?";
- "Như thế này thì sao mà nhớ hết được nhỉ? Nghĩ tới cảnh một ngày phải xem mắt hơn 20 lần đã thấy sợ rồi"...
Những người trẻ lười yêu đương tại Trung Quốc
Yêu đương, kết hôn đang trở thành gánh nặng với nhiều người trẻ Trung Quốc. Càng bị người lớn thúc ép xem mắt, họ càng có xu hướng chống đối hôn nhân.
Trong báo cáo về tâm lý xã hội của giới trẻ Trung Quốc vào năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết người tham gia khảo sát vẫn khao khát có một mối quan hệ lãng mạn nhưng chỉ số ít bày tỏ điều đó.
Mức độ sẵn sàng kết hôn của người trẻ thấp hơn nhiều so với con số mong muốn tình yêu, China Daily đưa tin.
Giới trẻ Trung Quốc không mặn mà với chuyện kết hôn như các thế hệ trước. Ảnh minh họa
Dữ liệu của Sina Weibo cho thấy trong số 5.492 người trả lời, 16,4% đang tìm kiếm "nửa kia", trong khi chỉ 0,6% nói rõ họ không có ý định hẹn hò với ai và 3,4% thể hiện thái độ tích cực với hôn nhân.
Ngoài ra, thống kê còn chỉ ra rằng những người tốt nghiệp cử nhân hoặc thạc sĩ sẵn sàng cho chuyện tình cảm và kết hôn cao hơn nhóm có bằng cấp thấp.
Điều này tương ứng với tình hình tài chính của họ khi trình độ học vấn có thể mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, giúp chi trả các chi phí liên quan đến việc duy trì mối quan hệ lãng mạn và hôn nhân lành mạnh.
"Yêu táo bạo nhưng kết hôn thận trọng" đang trở thành xu hướng phổ biến, phản ảnh phần nào suy nghĩ của giới trẻ ở đất nước tỷ dân.
Mặt khác, với một số người, lập gia đình đồng nghĩa với nhiều trách nhiệm và gánh nặng tài chính nặng nề hơn. Các quan niệm về hôn nhân truyền thống đang mâu thuẫn với các giá trị cá nhân mà giới trẻ theo đuổi.
Một trong những nguyên nhân khiến nhóm nhân khẩu học này không muốn yêu đương, kết hôn là sự bất bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân, dẫn đến các vụ bạo lực gia đình.
Số đông người trẻ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho rằng lấy vợ, lấy chồng là lựa chọn của mỗi cá nhân chứ không phải kỳ vọng của xã hội.
Càng bị người lớn thúc ép xem mắt, tuân theo các phong tục truyền thống, họ càng muốn chống đối.
Ngoài ra, khi đề cập đến bất công của mình, cả hai giới đều nghĩ rằng họ chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, việc phóng chiếu ngoại hình, tính cách của thần tượng lên yêu cầu tìm bạn đời cũng có thể khiến nhiều người không muốn kết hôn cho đến khi tìm được mẫu người đáp ứng các tiêu chí này.
Theo một phân tích qua hàng triệu bình luận trên nền tảng Bilibili, nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi cũng bày tỏ sự mơ hồ về các mối quan hệ lãng mạn và kết hôn. Chẳng hạn, họ thích những câu cửa miệng như "Thật thú vị khi xem người khác yêu đương hơn là tự mình làm điều đó".