Một hoa hậu bật khóc: "Y tá bảo tôi phải bình tĩnh, chồng tôi đã chết rồi"

"Tôi không chấp nhận được sự thật, cố chạy ra bảo rằng chồng tôi vẫn còn nóng, tại sao lại ngừng hô hấp nhân tạo, phải làm thêm" - vợ Đức Tiến chia sẻ.

Mới đây, tại chương trình Nhà có khách, Hoa hậu Bình Phương đã bật khóc nức nở chia sẻ về khoảnh khắc tới viện nhận tin chồng qua đời.

Cô nói: "Anh Đức Tiến mất lúc 11h20, trong khi 11h30 tôi mới tới được bệnh viện, tức là chồng tôi mất khi hai vợ chồng chưa kịp gặp nhau.

Một hoa hậu bật khóc:

Bình Phương bật khóc khi chia sẻ về khoảnh khắc tới viện nhận tin chồng qua đời

Lúc tôi tới bệnh viện, cô y tá dẫn tôi đi một đường vòng lạ lắm, không lên phòng bệnh mà tới một khu vực vắng vẻ toàn giường trống. Cô y tá bảo bạn tôi dẫn bé Mèo ra cái giường trống kia ngồi chơi.

Sau đó, cô y tá nói với tôi: 'Bạn phải thật bình tĩnh, đứng vững. Chồng bạn đã chết rồi'.

Ở Mỹ không như Việt Nam, họ không nói giảm nói tránh sang mất rồi, qua đời rồi mà dùng đúng từ 'died', tức là chết.

Tôi nghe xong không khóc nổi vì quá sốc. Tôi bảo cô y tá: 'Không, đó không phải chồng tôi. Ở đây thiếu gì người Việt, đâu phải chỉ có mình chồng tôi'.

Cô y tá giải thích thêm là họ đã tiến hành hô hấp nhân tạo suốt một tiếng rưỡi nhưng không được. Họ đã giật mạch tới 6 lần và tiêm thuốc vào thẳng tim anh Tiến nhưng không thể nào cứu vãn được.

Tôi vẫn không tin, cứ bảo rằng đó không phải chồng tôi vì chồng tôi vừa đến, xe cấp cứu còn ở ngoài, sao lại hô hấp nhân tạo hơn một tiếng được.

Một hoa hậu bật khóc:

Đức Tiến mất khi hai vợ chồng anh chưa kịp gặp nhau

Tôi bảo cô y tá dẫn tôi tới gặp anh Tiến. Trên đường đi, tôi tưởng tượng trong đầu là tới một phòng bệnh có nhiều người đang cấp cứu nhưng tới chỉ có một mình anh Tiến đang nằm, ống hô hấp nhân tạo vẫn còn y nguyên.

Tôi không chấp nhận được sự thật, cố chạy ra bảo rằng chồng tôi vẫn còn nóng, tại sao lại ngừng hô hấp nhân tạo, phải làm thêm. Họ nói rằng đã làm hết sức có thể, không thể hơn được nữa. Khi họ tới nhà cấp cứu cho anh Tiến, anh đã không còn nhịp tim nữa rồi.

Họ phải làm hô hấp nhân tạo trên đường đến bệnh viện, tới viện rồi vẫn làm nhưng không thể cứu vãn được nên mới quyết định dừng. Đó là quyết định vô cùng khó khăn với họ. Có tới hai bác sĩ đã giúp anh Tiến ngày hôm đó. Tới khi ấy, tôi mới chấp nhận sự thật.

Sau khi chấp nhận sự thật, tôi mới cầm điện thoại lên gọi điện cho mọi người. Người đầu tiên tôi gọi là mẹ anh Tiến. Tôi vừa gọi vừa khóc".