Tính đến cuối ngày 9-8, mưa lũ ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã làm 10 người chết; hàng trăm ngôi nhà bị ngập; nhiều diện tích lúa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết do ảnh hưởng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ đêm 8-8 và cả ngày 9-8, mưa to tiếp tục xảy ra trên diện rộng từ các tỉnh Tây Nguyên đến Nam Bộ gây ngập lụt, sạt lở khắp nơi.
Thiệt hại nặng
Lúc 0 giờ ngày 9-8, hàng trăm người lưu thông trên Quốc lộ 20 từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về TP HCM và ngược lại bị kẹt trên đèo Bảo Lộc do sạt lở nghiêm trọng ở 6 vị trí. Tại một điểm sạt lở, một xe khách 45 chỗ và một ôtô 7 chỗ trong lúc di chuyển đã bị đất đá trên cao ập xuống, đẩy 2 xe xuống taluy âm. Thời điểm gặp nạn, trên xe khách có 22 hành khách, trong đó 4 người bị thương. Lực lượng công an, CSGT, cứu hộ - cứu nạn cùng phương tiện được huy động đến khắc phục sạt lở. Theo ông Cù Tuấn Nghĩa, Phó Phòng CSGT tỉnh Lâm Đồng, Quốc lộ 20 bị chia cắt hoàn toàn, giao thông hướng từ TP HCM lên TP Đà Lạt ùn tắc kéo dài hơn 25 km. Đến 18 giờ cùng ngày, tuyến đường huyết mạch này mới được khôi phục.
Trong khi đó, tình hình lũ lụt xảy ra trên địa bàn Lâm Đồng gây thiệt hại cho tỉnh này. Tính đến 17 giờ ngày 9-8, toàn tỉnh có khoảng 1.500 căn nhà bị ngập; khoảng 3.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Tại tỉnh Đồng Nai, đến chiều 9-8, sau những cơn mưa lớn liên tục mấy ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn sông Đồng Nai tiếp tục đổ về gây ngập lụt nghiêm trọng ở các huyện Tân Phú, Định Quán và Nam Cát Tiên.
Tại các xã thuộc 2 huyện Tân Phú và Định Quán, hàng trăm ngôi nhà cùng vườn tược, đường sá chìm trong biển nước. Ở các xã Tà Lài (huyện Nam Cát Tiên), Núi Tượng (huyện Tân Phú)..., nhiều nhà dân bị cô lập hoàn toàn. Ông Võ Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho biết do nước lên cao khiến đường sá trong huyện bị ngập có nơi sâu hơn 1 m, nhiều khu vực bị cô lập. Tại huyện Định Quán, nước lũ lên quá nhanh gây ngập 3 xã Phú Vinh, Phú Tân và Thanh Sơn. Trong đó, xã Phú Vinh có 32 nhà bị ngập sâu; 1 chiếc phà, 8 bè cá bị nước lũ cuốn trôi; 780 tấn cá bè bị chết; 15 ha bưởi và xoài ngập úng.
Người dân huyện Phú Quốc di dời tài sản qua vùng ngập nước Ảnh: Hoàng Tuấn
Tại tỉnh Bình Phước, nhiều khu vực thuộc huyện Bù Đăng bị nước lũ chia cắt; nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi; cây trồng bị tàn phá. Riêng tại xã Phú Sơn, mưa lũ làm 3 căn nhà bị sập một phần, cuốn trôi khoảng 23 ha cây trồng các loại, làm chết 1 con trâu, 2 ao cá bị ngập. Cầu treo Sơn Lang trị giá 3,5 tỉ đồng bị nước lũ cuốn phăng. Ước tổng thiệt hại ở địa phương này hơn 8 tỉ đồng.
Các tỉnh ĐBSCL cũng bị nước ngập hoành hành trong những ngày qua. Đáng chú ý nhất là huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) từ chiều tối 8 đến tối 9-8, huyện đảo này tiếp tục diễn ra mưa rất to kéo dài nhiều giờ liền, gây ngập nặng. UBND huyện Phú Quốc đã huy động lực lượng công an huyện, Lữ đoàn 950, Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Huyện đội, Biên phòng ra quân giúp dân di dời đồ đạc, người và phương tiện đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc, tính đến ngày 9-8, mưa lũ đã làm ngập 6.714 nhà; 10 căn nhà tốc mái và 2 căn nhà bị sập; tổng thiệt hại ước tính gần 100 tỉ đồng. Còn theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã làm 10 người chết và 1 người mất tích.
Hợp quy luật
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết dự báo hôm nay (10-8), khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa, trong đó các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước có mưa to; từ ngày 11-8 có xu hướng giảm dần.
Phân tích tình hình mưa lũ dồn dập trong những ngày qua ở Tây Nguyên, Nam Bộ, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết nguyên nhân là từ ngày 6-8, một vùng áp thấp trên dải hội tụ nhiệt đới khu vực Đông Bắc biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiết đới, gió mùa Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh thêm nên gây mưa to trên diện rộng ở các khu vực này. Lượng mưa đo được trong đêm 6-8 đến ngày 7-8 ở khu vực phía Nam Tây Nguyên phổ biến là 80-130 mm. Riêng khu vực Eakmat và TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) xấp xỉ 225 mm; tỉnh Đắk Nông 214 mm.
Sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc Ảnh: Đình thi
Theo TS Lâm, thời gian tháng 7, tháng 8 là cao điểm của gió mùa Tây Nam trên khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương nói chung, biển Đông và Việt Nam nói riêng. Đây chính là cao điểm mùa mưa ở Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Do đó, việc mưa lớn trên diện rộng xuất hiện ở 2 khu vực này khá phù hợp với quy luật khí hậu. Tuy nhiên, với cường độ mưa lớn như trong những ngày vừa qua ở Nam Tây Nguyên là khá hiếm gặp. Chính lượng mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn như trên đã gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở và ngập úng khá nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên.
Về mưa lũ bất thường ở Phú Quốc, TS Lâm nói thêm nguyên nhân trực tiếp là do hoạt động rất mạnh của gió mùa Tây Nam. Theo đó, gió mùa hoạt động mạnh ở Úc, thổi vượt qua xích đạo làm cho gió mùa Tây Nam ở khu vực Việt Nam, biển Đông liên tục mạnh trong thời gian vừa qua, gây ra mưa to đến rất to trên diện rộng ở Tây Nguyên, Nam Bộ và đặc biệt là khu vực đảo Phú Quốc.
Nhận định về tình hình mưa, lũ và thời tiết ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong những ngày tới, ông Lâm cho rằng mưa lớn những ngày qua đã đạt đỉnh. Dự báo trong 2-3 ngày tới, ở Tây Nguyên tiếp tục có mưa nhưng cường độ không lớn như những ngày qua. Từ ngày 11-8, mưa sẽ giảm dần rồi chấm dứt khi gió mùa Tây Nam đang có xu hướng yếu dần.
"Hiện lũ trên sông Đồng Nai dao động ở mức cao, tình trạng ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên và tỉnh Đồng Nai vẫn duy trì, sau đó giảm dần. Vẫn còn nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai" - ông Lâm cảnh báo.
ĐBSCL: Khẩn trương khắc phục sạt lở
Các tỉnh ĐBSCL những ngày qua liên tục hứng chịu mưa to gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, công trình thủy lợi. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính 32 tỉ đồng. UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khẩn cấp hỗ trợ hơn 73,8 tỉ đồng phục vụ công tác gia cố đê và di dời dân cư vùng nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng triều cường, nước biển dâng. Trong đó, tỉnh cần hơn 23 tỉ đồng để khắc phục ngay 2.100 m đê sạt lở nghiêm trọng; trên 35 tỉ đồng để xử lý những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây với chiều dài 5.447m; 15 tỉ đồng để bơm đất, tạo bãi, phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn từ Kinh Mới - Đá Bạc, Ngọn Tiểu Dừa với chiều dài 7.000 m.
Tỉnh Kiên Giang vừa đề xuất trung ương cấp gần 265 tỉ đồng để xử lý cấp bách 4 đoạn bờ biển đã bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài hơn 11 km tại các huyện An Minh, An Biên từ nguồn ODA và địa phương. Ngoài ra, Kiên Giang cũng đã đề xuất nguồn kinh phí 1.678 tỉ đồng để tiếp tục xử lý 5 đoạn bờ biển cũng bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 67 km còn lại tại các huyện An Minh, An Biên và Hòn Đất để bảo vệ rừng phòng hộ, cơ sở hạ tầng dân sinh.