Đi làm là để khám phá tiềm năng và khẳng định giá trị bản thân
Nguyễn Khánh Huyền, hiện đang là sinh viên năm 3 chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa năm 4 tại Học viện Ngoại giao, chuyên ngành Kinh tế quốc tế. Giống như nhiều bạn sinh viên năm 4 khác, Huyền chọn ở lại Hà Nội và tiếp tục làm công việc tại vị trí Thực tập sinh tại Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) - công việc mà Huyền đã trúng tuyển trong năm học thứ 3 tại Học viện Ngoại giao.
Tại văn phòng công ty, Huyền đảm nhiệm các tác vụ biên tập thông tin từ báo cáo đánh giá và nghiên cứu của các công ty đối tác với IPS (bao gồm DP Hà Nội, IDEA, CDI, CEGORN,....) mang nội dung “thay đổi chính sách áp dụng chuyển đổi số một cách tốt hơn cho nhóm người dễ bị tổn thương”. Thêm vào đó, nữ sinh cũng đảm nhận việc thiết kế các ấn phẩm truyền thông nội bộ và truyền thông dự án, phối hợp với các bộ phận liên quan thực hiện các sản phẩm truyền thông, quay dựng video, sáng tạo nội dung đăng tải trên các nền tảng truyền thông của IPS (Website, Facebook, YouTube, TikTok, LinkedIn, v.v).
Khánh Huyền cùng các anh chị tại IPS.
Đối với Khánh Huyền, “đi thực tập, đi làm sớm là để khám phá tiềm năng và khẳng định giá trị của bản thân”. Cô chia sẻ: “Trong suốt thời gian thực tập, mình đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm khi làm việc thực tế tại môi trường công sở, phát triển những kỹ năng mềm thiết yếu như giao tiếp và đa nhiệm, quản lý thời gian, công việc; sử dụng thành thạo hơn các công cụ hỗ trợ như Microsoft, Adobe,... Môi trường chuyên nghiệp và những thử thách tại IPS đã giúp mình rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy và mở rộng tầm nhìn. Qua từng dự án, từng nhiệm vụ, mình học được cách đối mặt với khó khăn, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và làm việc hiệu quả trong nhóm”. Huyền tin chắc rằng, những kinh nghiệm mà mình có được từ công việc này sẽ giúp cô tự tin hơn, trau dồi khả năng ứng biến linh hoạt và giúp cô tiến gần hơn đến mục tiêu trong sự nghiệp và cuộc sống.
Tích lũy kinh nghiệm “thực chiến” khi còn đang đi học là yếu tố then chốt
Cũng là sinh viên Học viện Ngoại giao nhưng theo học chuyên ngành Truyền thông quốc tế, khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại, Trịnh Thị Xuân Ly (sinh năm 2003) lựa chọn không về quê nghỉ hè dịp này mà đi làm tại một công ty Dược phẩm. Công việc Xuân Ly chịu trách nhiệm chính là xây dựng tư liệu truyền thông, bao gồm xây dựng nội dung kịch bản, book diễn viên và làm việc cùng ekip quay để hoàn thiện các TVC (Television Video Commercials - loại hình quảng cáo bằng video).
Xuân Ly chịu trách nhiệm xây dựng tư liệu truyền thông tại một công ty Dược phẩm.
Trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Xuân Ly chia sẻ: “Động lực lớn nhất khiến mình lựa chọn công việc này chính là những kinh nghiệm thực chiến mà nó mang lại. Mình đã học xong 3 năm chuyên ngành truyền thông về những kiến thức từ cơ bản đến chuyên ngành. Do đó, mình muốn có thêm những trải nghiệm thực tế để có những cái nhìn khách quan, đa chiều nhất về nghề”. Cơ hội được tự làm, tự sai, tự rút kinh nghiệm khi đang là một sinh viên năm 4 là điều rất quan trọng, theo Ly. “Ví dụ như khi thực sự là người chịu trách nhiệm cho 1 set quay TVC, mình mới học được cách giải quyết với những vấn đề ngoài mong muốn, cách quản lý thời gian và điều hành sao cho mọi thứ từ diễn viên đến ekip phối hợp trơn tru và nhịp nhàng nhất”, nữ sinh chia sẻ thêm. Với việc nỗ lực trau dồi kinh nghiệm thực chiến trước thời gian tốt nghiệp, Xuân Ly mong rằng đây sẽ là điểm cộng trong CV để ghi điểm với nhà tuyển dụng sau này.
Làm cùng lúc 2 công việc cũng không phải là điều khó
Trong dịp hè năm nay, Đỗ Lan Anh (sinh viên năm 4 ngành Quốc tế học trường Đại học Hà Nội) tranh thủ làm cùng lúc 2 công việc, vừa đi làm thực tập sinh cho một doanh nghiệp xã hội, vừa làm gia sư 3 môn cho một em học sinh người Hàn Quốc. Hiện tại, cô đang phụ trách đăng tải nội dung trên kênh fanpage của doanh nghiệp với nhiệm vụ chính là viết bài, sáng tạo hình ảnh/ video. Công việc này có thể dành phần lớn thời gian làm online nên Lan Anh có thể sắp xếp thời gian và tiếp tục việc đi dạy gia sư của mình. Đây là một trải nghiệm thực sự thú vị với Lan Anh với lần đầu tiên cô dạy học cho một học sinh ngoại quốc.
Lan Anh tranh thủ làm 2 công việc cùng một lúc trong dịp hè 2024.
Không còn là những gì cô chỉ được thấy trên phim ảnh, khi tiếp xúc với một gia đình người Hàn Quốc, cô có thêm nhiều góc nhìn về văn hóa Hàn. Cô chia sẻ: “Khi dạy cho bạn nhỏ người Hàn, mình có cơ hội được thấy sự áp lực của các bạn học sinh Hàn Quốc, giống hệt như trên phim vậy. Bé học sinh của mình đang chuẩn bị lên lớp 4, nhưng gần như ngày nào em cũng phải học, không phải là gia sư thì là học bóng rổ, học violin, học thiết kế, học người mẫu, … Bé có một góc sách to đùng đủ Việt, Anh, Hàn, mà nhiều quyển là mẹ bé mang từ tận Hàn Quốc sang. Buổi tối học xong tiếng Anh với mình thì mẹ bé sẽ lại dạy bé viết tiếng Hàn, vì bé sang Việt Nam từ 5 hay 6 tuổi nên chưa đi học ở Hàn”.
Đi làm full - time vì đã hoàn thành xong chương trình học
Khác với Khánh Huyền, Xuân ly và Lan Anh, Lê Đức Thắng (21 tuổi) đã có cho mình một công việc toàn thời gian bởi cậu đã hoàn thành xong chương trình học sau 3 năm tại trường Đại học Ngoại thương với chuyên ngành Kinh doanh quốc tế. Hiện tại, Đức Thắng đang làm ở vị trí Sale B2B về ngành công nghệ tại bộ phận kinh doanh cho 1 công ty Cổ phần tích hợp công nghệ. “Nói một cách dễ hiểu là công ty mình cung cấp các giải pháp công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ nói chung, ngành dược, hay ngành làm đẹp,... Các giải pháp đó sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc quản lý khách hàng, phân khúc khách hàng và hỗ trợ marketing tới các tệp khách hàng khác nhau từ đó thì giúp tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp”, Đức Thắng giải thích thêm.
Đức Thắng đang làm ở vị trí Sale B2B sau khi đã hoàn thành chương trình học tại Đại học Ngoại thương.
Mong muốn trở thành một seller (người bán hàng) giỏi, công việc này là bước đệm vững chãi cho Đức Thắng khi mà cậu có thể học hỏi được rất nhiều những kiến thức không chỉ về công nghệ mà còn là kiến thức kinh doanh ở các ngành nghề khác nhau. Không chỉ vậy, cậu còn được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với CEO của công ty cũng như gặp gỡ, giao lưu với những anh, chị là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Bởi thế, Thắng có cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm cả về công việc lẫn trong cuộc sống. Ngoài ra, công việc này cũng đem đến cho cậu bạn một khoản thu nhập tuy không quá lớn nhưng có thể giúp Thắng sống tự lập hơn mà không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ.
Đức Thắng mong muốn sau này sẽ trở thành một seller giỏi.
Sau cùng, Đức Thắng muốn nhắn gửi tới các bạn sinh viên, nhất là các bạn sinh viên năm 4, rằng “Hãy cố gắng kiên trì với công việc mà bạn đã lựa chọn hoặc hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn quan trọng nào đó liên quan đến công việc vì nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng đánh giá cao những nhân sự có khả năng gắn bó lâu dài với một tổ chức, doanh nghiệp hơn”.
Chúc cho các bạn sinh viên năm 4 sẽ “chân cứng đá mềm”, luôn nỗ lực, kiên trì trong công việc và theo đuổi những ước mơ của mình!
Ảnh: NVCC