Nam sinh dân tộc Si La nhà nghèo tới mức bố mẹ không cho học đại học nếu không đỗ trường quân đội

"Bố mẹ em bảo nhà mình không có điều kiện, nếu không đỗ trường quân đội thì bố mẹ không thể cho con đi học các trường đại học được.", nam sinh dân tộc Si La - Lỳ Chà Vự chia sẻ.

Lỳ Chà Vự (dân tộc Si La) là cựu học sinh lớp C7 K44, trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (tỉnh Phú Thọ) gác lại ước mơ đại học vì với số điểm đạt được thì khó có thể có một tấm vé vào Học viện Biên Phòng - Bộ Quốc phòng. Nhưng số điểm ấy nếu với những cánh cổng các trường đại học khác thì hoàn toàn rộng mở.

Hiện nay, dân tộc Si La ở Điện Biên còn rất ít, chỉ còn gần 200 người cư trú tại huyện Mường Nhé và một ít ở Mường Lay. Do điều kiện giao thông cách trở, đời sống của đồng bào Si La còn gặp nhiều khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề phát nương làm rẫy.

Người dân Si La trước đây thường dựng nhà trên núi cao, hạn chế giao lưu, trao đổi với các dân tộc khác, đa số không biết viết chữ, không kết hôn với người dân tộc khác. Cái ăn của cộng đồng này là củ mài, củ nâu, thú rừng nhưng không mắm, không muối.

Lỳ Chà Vự sinh trưởng trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo của dân tộc thiểu số rất ít người (Si La) ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nhà có tới 6 anh chị em, rất khó khăn về kinh tế. Dưới Vự vẫn còn 2 em đang đi học nhưng ở riêng Lỳ Chà Vự luôn có sự lạc quan, vui vẻ và tràn đầy quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng con đường tri thức.

Ảnh 1: Nam sinh dân tộc Si La - We25.vn

Lỳ Chà Vự chụp ảnh kỷ yếu cuối cấp 3.

"Ước mơ của em là vào một trường đại học nhưng khi em đỗ cũng không thể đi học được vì gia đình không có điều kiện để theo học các trường đại học ngoài quân đội nên em đã bỏ lỡ 1 năm đại học để quyết tâm học lại trường dự bị Việt Trì để có thể cố gắng thi đỗ bên trường quân đội. Hình ảnh người chiến sĩ đã để lại trong em nhiều ấn tượng đẹp. Ngày đi học, em say sưa với những bài văn, bài thơ viết về người lính.

Nếu may mắn em vào được thì không phải lo gì về kinh phí học tập và lại có cơ hội rèn luyện sức khỏe và đem sức trẻ đi bảo vệ tổ quốc, nơi cực Tây của Tổ quốc 1 con gà gáy 3 nước nghe thấy. Nhưng năm nay em lại trượt quân đội rồi!", Lỳ Chà Vự chia sẻ.

Trong khi nhiều cô cậu học trò mơ ước thi đỗ đại học thì với Vự, đó không phải là bài toán khó mà vấn đề chính là làm sao để có tiền theo học đại học. "Bố mẹ em bảo nhà mình không có điều kiện nên nếu không đỗ quân đội thì bố mẹ không thể cho con đi học các trường đại học được.", Lỳ Chà Vự bộc bạch.

Gia đình Vự thuộc diện hộ nghèo của bản, không có ngành nghề phụ, nguồn sống của gia đình chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp còn chưa đủ ăn. Vì vậy, Lỳ Chà Vự chỉ có một mong ước là có thể thi đỗ vào một trường đại học thuộc khối ngành quân đội để bớt gánh nặng cho gia đình cùng ước mơ thoát nghèo.

Sau 1 năm tiếp tục ôn thi theo đuổi giấc mơ khoác trên mình bộ quân phục màu xanh biên phòng, Lỳ Chà Vự lần thứ 2 dự thi đại học. Năm nay, Lỳ Chà Vự thi được 2 môn 7 điểm và 1 môn 6,5 điểm nhưng vẫn đi tới quyết định tạm dừng việc học tập với nhiều trăn trở. Vì không đỗ trường quân đội nên hoàn cảnh gia đình không đủ chu cấp việc học hành.

Ảnh 2: Nam sinh dân tộc Si La - We25.vn

Bên dưới còn 2 em ăn học, Vự phải giúp bố mẹ chăm lo gia đình.

"Vì em cũng đã rất cố gắng để thi lại năm nay rồi, dù không đạt điểm cao nhưng em cũng đã tự thân rất cố gắng. Em buồn lắm, cũng muốn được đi học như các bạn nhưng chắc em không thi nữa, em tính đi làm thuê thôi và ở nhà giúp bố mẹ. Vì nếu đi học cho dù em được miễn học phí nhưng em cũng chưa biết làm gì ra tiền để phục vụ cuộc sống nói gì đến chuyện học hành. Bố mẹ em cũng nói nếu học xong đại học cũng sợ không có tiền để xin việc làm.", Lỳ Chà Vự ngậm ngùi chia sẻ.

Gia đình quá nghèo, rất có thể Lỳ Chà Vự sẽ từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học dù có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường đại học khác. Để chuẩn bị cho tương lai và sự nghiệp của mình, tất cả các bạn trẻ đều phải lựa chọn cho mình một nghề thích hợp với bản thân và sẽ có rất nhiều thử thách chông gai, khó khăn đang chờ đợi các bạn trên con đường phía trước.

Theo Giaoduc.net.vn