Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), một nửa trong số 82 tỉnh của Philippines đang bị hạn hán và gần 31 tỉnh khác phải đối mặt tình trạng khô hạn trong tháng 4 và 5 - những tháng nóng nhất trong năm ở nước này cũng như toàn bộ Đông Nam Á.
Trong ngày 26-4, chỉ số nhiệt - nhiệt độ mà con người cảm nhận, kết hợp giữa nhiệt độ không khí và độ ẩm tương đối - đã chạm mốc 42 độ C tại TP Quezon đông dân nhất. Trước đó, hàng ngàn trường học khắp Philippines buộc phải chuyển sang dạy trực tuyến để hạn chế rủi ro sức khỏe cho học sinh, theo báo The Guardian (Anh).
Tại Thái Lan, chính quyền đã thống kê được khoảng 30 người thiệt mạng do sốc nhiệt trong năm nay và cảnh báo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời. Nhu cầu điện tăng vọt, lên mức cao mới vào ngày 22-4 khi người dân tăng cường sử dụng máy lạnh.
Tại thủ đô Bangkok, nhiệt độ lên tới 40,1 độ C ngày 24-4, trong khi một số nơi thậm chí cán mốc chỉ số nhiệt 52 độ C vào ngày 25-4.
Người dân dùng dù, quạt để giải tỏa bớt nắng nóng khi ngồi bên ngoài một nhà thờ ở thủ đô Manila - Philippines ngày 26-4 Ảnh: REUTERS
Tình hình khu vực Nam Á tồi tệ không kém. Bangladesh phải đóng cửa tất cả trường học trong tuần này khi nhiệt độ tăng vọt lên 40-42 độ C ở một số khu vực, làm ảnh hưởng tới khoảng 33 triệu trẻ em.
Ở Ấn Độ, nơi đang diễn ra cuộc tổng tuyển cử khổng lồ kéo dài gần 6 tuần, ủy ban bầu cử đã họp với các quan chức của cơ quan thời tiết để bàn cách giảm thiểu tác động của nắng nóng đối với cử tri. Bộ trưởng Bộ Đường bộ Ấn Độ Nitin Gadkari đã ngất xỉu trong lúc đang phát biểu ngày 24-4 do cái nóng ngột ngạt.
Trong khi đó, dải đất Gaza đang hứng chịu xung đột ở Tây Á đối diện thêm nguy cơ mới khi nhiệt độ dao động quanh mức 40 độ C và có nguy cơ lên trên 50 độ C vào giữa mùa hè sắp tới - theo trang UN News của LHQ.
Cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 25-4 cảnh báo nhiệt độ nóng lên bất ngờ không chỉ bồi thêm khốn khổ cho người dân Gaza mà còn làm dấy lên lo ngại dịch bệnh bùng phát - bao gồm các bệnh truyền nhiễm, bệnh về da, chấy rận - trong bối cảnh thiếu nước sạch và biện pháp xử lý chất thải.
Các nữ cử tri dùng khăn, dù để che nắng khi đi bỏ phiếu tại TP Mathura, bang Uttar Pradesh - Ấn Độ hôm 26-4. Ảnh REUTERS
Nỗi lo tương tự cũng bủa vây Nam Mỹ. Một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về hiện tượng El Nino (CIIFEN - Ecuador) và Cơ quan Khí tượng thủy văn Peru SENAMHI chỉ ra đợt El Nino gần đây mà Nam Mỹ hứng chịu nằm trong số 5 đợt mạnh nhất kể từ năm 1950.
Reuters dẫn lời các nhà nghiên cứu tại cuộc họp báo ngày 25-4 rằng các hiện tượng khí hậu El Nino và La Nina - mang theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ xảy ra thường xuyên và cực đoan hơn trong những năm tới.
Theo Giám đốc CIIFEN Yolanda Gonzalez Hernandez, mô hình khí hậu đã thay đổi rất nhiều và gây ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ đến nền nông nghiệp khu vực Mỹ Latin.
Bà Gonzalez nói nhiệt độ chuyển đổi nhanh hơn giữa các thái cực khi La Nina "soán chỗ" El Nino vào nửa cuối năm nay. "Các kỷ lục cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu về mức độ bất thường về nhiệt độ đều đã bị phá vỡ" - bà nhấn mạnh.
Ngược lại, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Oman vừa phải hứng chịu đợt lũ lụt chưa có tiền lệ.
Theo một báo cáo mới của tổ chức nghiên cứu World Weather Attribution (WWA), lượng phát thải khí nhà kính cao là nguyên nhân khiến lũ lụt ở khắp nơi dữ dội hơn từ 10%-40% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những cơn bão lớn xuất hiện bất thường ở Đông Nam bán đảo Ả Rập đã kết hợp với El Nino.
"Nếu không có năm El Nino thì trời đã không mưa như thế này. Nhưng đồng thời, nếu không vì biến đổi khí hậu thì đã không mưa to như vậy. Cả hai đều là những yếu tố quan trọng góp phần tạo ra sự kiện này" - TS Friederike Otto, chuyên gia của WWA, giải thích.
Gia cầm bị đe dọa
Theo một nghiên cứu vừa đăng trên trang Science Direct, căng thẳng nhiệt là một trong những yếu tố ảnh hưởng vật nuôi nghiêm trọng nhất. Cụ thể, nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia Mỹ chỉ ra quãng thời gian căng thẳng nhiệt 12 ngày có thể làm giảm lượng thức ăn tiêu thụ hằng ngày lên đến 28,58 g trên mỗi cá thể gia cầm, dẫn đến sản lượng trứng giảm 28,8%.
Đối với chất lượng thịt, nghiên cứu khẳng định căng thẳng nhiệt cấp tính ngay trước khi giết mổ có thể gây ra tình trạng thịt nhợt nhạt, kém săn và chảy dịch. Trong khi đó, căng thẳng nhiệt mạn tính làm thịt sẫm màu, cứng và khô. Căng thẳng nhiệt còn làm giảm thời hạn sử dụng lẫn độ an toàn của thực phẩm vì vi khuẩn sinh sôi và phát tán. Trang Asia News Network ngày 25-4 dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Trứng Philippines Francis Uyehara cho biết nhiều nông trại đang gặp khó khăn vì nắng nóng cực đoan khiến vật nuôi "biếng ăn" và làm giảm sản lượng lẫn kích cỡ trứng.
Ngoài nắng nóng, gia cầm còn gặp phải dịch bệnh. "Giá trứng đang tăng mạnh trở lại và ở mức cao kỷ lục tại nhiều quốc gia và khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Nga, Nam Phi, Ấn Độ và Nigeria do những nỗi lo về cúm gia cầm" - chuyên gia Nan-Dirk Mulder của Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) chia sẻ với đài CNBC.
Tại Mỹ, giá một vỉ trứng 12 quả loại A hiện ở ngưỡng 2,41 USD, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 14 triệu con gà đẻ trứng đã chết tại nước này vì cúm gia cầm trong 2 tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số lý do khác ảnh hưởng đến nguồn cung trứng, như nhu cầu tăng.