Ở khu vực Nam và Đông Nam Á, không có gì lạ khi thời tiết thường nóng vào khoảng thời gian này trong năm. Vấn đề là năm nay các khu vực này trải qua nắng nóng bất thường.
Nhiều thành phố và quốc gia đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong những ngày gần đây. Cuối tuần đầu tiên của tháng 5, nhiều địa điểm ở Việt Nam và Lào đã trải qua những ngày nóng nhất từng được ghi nhận. Huyện Tương Dương ở tỉnh Nghệ An ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 44,2 độ C. Mức nhiệt kỷ lục 43,5 độ C được ghi nhận ở thành phố Luang Prabang của Lào.
Một đợt nắng nóng gay gắt bùng phát trên cả vùng rộng lớn của châu Á. Từ Ấn Độ đến Philippines, các quan chức ở nhiều thành phố đã yêu cầu đóng cửa các trường học và kêu gọi người dân địa phương ở nhà và đề phòng các dấu hiệu mệt mỏi do nắng nóng.
Người dân che nắng trước một ngôi đền ở Bangkok hôm 8/5.
Nhiệt độ thiêu đốt làm tan chảy các con đường nhựa ở Bangladesh và nhiều cử tri đã ngất xỉu khi xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu để bỏ phiếu trước cho cuộc bầu cử ở Thái Lan. Nhiệt độ cao dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng, cùng lúc các nhà khoa học và nhà nghiên cứu khí hậu chỉ ra bằng chứng ngày càng rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với hành tinh của chúng ta.
Washington Post ghi nhận, theo một số phép đo, châu Á vừa trải qua tháng 4 nóng nhất được ghi nhận. Nhìn chung, 8 năm qua là 8 năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Các chuyên gia cảnh báo rằng nhiệt độ cao lên sẽ khiến các đợt nắng nóng chết người diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn.
Làn sóng hiện tại đi qua Đông Nam Á có thể liên quan đến một tác động khác có thể xảy ra của biến đổi khí hậu, với sự thay đổi trong chu trình thủy văn dẫn đến lượng mưa bị hạn chế ở khu vực này trong mùa đông. Koh Tieh Yong, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, giải thích với Bloomberg News: "Bởi vì đất khô nóng lên nhanh hơn đất ẩm nên hiện tượng nóng bất thường hình thành một cách tự nhiên khi mùa xuân đến.
Nhiều khu vực tại Đông Nam Á và Nam Á đang trải qua nhiệt độ cao bất thường so với mọi năm. Ảnh chụp ở Kolkata, Ấn Độ.
Nhà khí tượng học Matthew Cappucci, lưu ý rằng nắng nóng bất thường còn có thể gây gia tăng tỷ lệ tử vong do nhiệt ở nhiều vùng tại Đông Nam Á.
Maximiliano Herrera, một nhà sử học khí hậu, vốn theo dõi các hồ sơ nhiệt độ đã viết rằng đợt nắng nóng gần đây là "một trong những sự kiện nắng nóng tàn khốc nhất mà thế giới từng chứng kiến".
"Điềm báo xấu" cho tương lai
Đối với phần lớn thế giới, và đặc biệt là ở nhiều quốc gia ở Châu Á, những tháng nắng nóng này là điềm báo xấu cho những điều sắp xảy ra. Không chỉ nhiệt độ ban ngày phá kỷ lục mà cả các kết quả đo sau khi mặt trời lặn cũng vậy, làm tăng thêm nỗi vất vả của nhiều người dân vào mùa nóng.
Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là một trong những đất nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Nước này đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái, trong khi năm nay lại tiếp tục chứng kiến tháng 2 nóng nhất trong 122 năm. Nhiệt độ gần mức kỷ lục trong những tuần gần đây khiến hàng chục người chết vì điều kiện thời tiết.
Các chuyên gia lo ngại tác động kết hợp của nhiệt độ tăng vọt và khả năng quay trở lại của kiểu khí hậu El Niño có thể gây ra thiệt hại đáng kể.
Người dân dùng ô che nắng trong một ngày nóng bức ở Kuala Lampur, Malaysia vào tháng trước.
Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cao của Ấn Độ đang đẩy dân số của nước này phải vật lộn trong những hoàn cảnh vượt quá ngưỡng "bầu ướt" - tức là ước tính rằng trên 35 độ C, cơ thể con người không còn có thể tự làm mát đầy đủ. Trong những điều kiện này, tổn thương não và suy tim và thận sẽ gia tăng.
Ở những khu vực ngoài châu Á, tình hình cũng không khá hơn là bao. Tháng trước chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục ở cả hai bên eo biển Gibraltar, trong đó Tây Ban Nha phải đối phó với đợt hạn hán có lẽ tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Một đợt hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 50 triệu người trong khu vực.
Cuối cùng, các hiện tượng tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra đang tăng tốc. Một nghiên cứu được công bố hôm 8/5 cho thấy một sông băng lớn ở Greenland đang tan chảy nhanh hơn nhiều so với dự đoán, làm dấy lên suy đoán rằng các dự báo hiện tại về mực nước biển dâng có thể quá khiêm tốn.
"Nhìn chung, nghiên cứu mới một lần nữa nhấn mạnh rằng chúng ta không thực sự biết một trong những hậu quả lớn nhất của biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng do băng tan ở Greenland và Nam Cực - sẽ xảy ra nhanh như thế nào", nhà báo chuyên về biến đổi Chris Mooney nhận định.