Tôi đi bộ sang đường đúng vạch kẻ nhưng người lái xe máy định rẽ phải đã bị bất ngờ, phanh gấp và ngã.
Sử dụng xe máy trong quãng đường gần đã trở thành thói quen của nhiều người. Gia đình nào mỗi cá nhân đều xe máy riêng làm phương tiện di chuyển mọi lúc mọi nơi nên ít khi đi bộ. Mặt khác, nhiều người lo ngại đi bộ không an toàn khi chưa được ưu tiên, các phương tiện không biết nhường nhịn, vỉa hè bị chiến dụng, hạ tầng giao thông thiếu kết nối. Dễ thấy trên đường phố, người đi bộ phải tự mình len lỏi và tránh né các phương tiện giao thông.
Mới đây, tôi và vài người bạn đứng tại ngã tư có vạch kẻ màu trắng dành cho người đi bộ, đợi đèn tín hiệu để qua đường. Khi đèn đỏ bật sáng, các phương tiện đi thẳng đều dừng. Thế là chúng tôi thong thả đi qua đường, bất ngờ chiếc xe máy do một thanh niên điều khiển rẽ phải từ tuyến đường cắt ngang và thắng gấp nên bị ngã.
Tôi bước đến đỡ người thanh niên, dựng xe lên dắt vào lề. Tôi giải thích là chúng tôi đi bộ qua đường đúng vị trí vạch kẻ, khi mà các phương tiện đi thẳng đều dừng. Song, người thanh niên vẫn cứ phân bua rằng anh ta rẽ phải, chứ đâu rẽ trái. Tôi tiếp tục giải thích, dù rẽ phải nhưng đã sai luật vì ở đây không có chỉ dẫn cho phép (thường là bằng mũi tên đèn màu xanh). Sau đó, thanh niên này thấy sai do chạy xe phóng nhanh vượt ẩu.
Có người lo ngại mất an toàn giao thông, đành bỏ thói quen đi bộ. Như anh đồng nghiệp tôi đi làm hàng ngày bằng xe buýt. Nhà anh ở Thủ Đức (TP HCM). Sáng anh đi bộ 300m ra đường Võ Văn Ngân, đón xe buýt số 10 đến vòng xoay Dân Chủ (quận 10), rồi đi bộ qua đường Võ Thị Sáu. Đi thêm 300m theo vòng xoay qua đường Ba Tháng Hai đến cơ quan. Chiều về, anh đi bộ hơn 400m từ cơ quan ra đường Điện Biên Phủ, đón xe buýt số 150 đến ngã tư Thủ Đức rồi đi bộ gần 700m đến nhà.
Nghe anh kể, đi bộ có tiện lợi như rèn luyện sức khỏe, có điều kiện quan sát cuộc sống xung quanh, không phải gởi xe nhưng lại lo mất an toàn. Bởi khi đi qua đường thấy các phương tiện chạy vùn vụt, không biết nhường người đi bộ. Có lần anh đang đi bộ qua đường bị một chiếc xe máy rẽ phải tông vào, cũng may người anh chỉ trầy tróc nhẹ, từ đó anh đã bỏ thói quen đi bộ.
Người đi bộ thường bị yếu thế, dễ tổn thương trước các phương tiện khác, như anh đồng nghiệp và tôi. Từ đó, làm mất dần thói quen đi bộ. Càng ít người đi bộ càng khó thu hút hành khách đi xe buýt là phương tiện công cộng đang được khuyến khích sử dụng thay thế xe máy. Bởi trước khi lên và sau khi xuống xe buýt thường phải đi bộ. Mà không tạo thói quen đi bộ ngay bây giờ, metro sau này là phương tiện vận tải khối lượng lớn cũng khó thu hút hành khách sử dụng.
Theo tôi, không nên cho phép các phương tiện cơ giới rẽ phải khi có đèn đỏ, thay thế tấm biển "đèn đỏ được phép rẽ phải" bằng tấm biển "chú ý nhường đường cho người đi bộ". Tuyên truyền hơn nữa trên các phương tiện đại chúng, vận động đến từng khu phố, giáo dục trong trường học về việc ưu tiên cho người đi bộ đúng luật là rất cần thiết sao cho ai điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều hiểu rằng: chính người đi bộ đã góp phần giảm kẹt xe, là đối tượng tham gia giao thông yếu thế hơn, cần được ưu tiên hơn. Tất nhiên, bên cạnh đó là tăng cường thực thi pháp luật, chế tài đúng mức, xử phạt nghiêm các phương tiện vi phạm gây mất an toàn giao thông.