Thầy Hạnh hiện đang là giáo viên Mỹ thuật, công tác tại trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An) từ năm 2005. Ở trường, ngoài công việc giảng dạy, thầy còn phụ trách thêm mảng an ninh trường học.
Đồng thời, thầy có niềm đam mê dùng phấn màu vẽ tranh và viết chữ trang trí lên bảng, khiến học sinh, cũng như nhiều bạn yêu thích mỹ thuật phải trầm trồ.
Với kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Mỹ thuật, thầy Hạnh dành nhiều thời gian luyện vẽ vì đó là chuyên ngành học đưa thầy gắn bó với sự nghiệp giáo viên. Còn đam mê vẽ trang trí bảng bằng phấn màu, thầy bắt đầu theo đuổi cách đây không lâu. Nó xuất phát từ những cuộc họp lớp, họp phụ huynh mà thầy từng tham dự.
Thầy Nguyễn Trí Hạnh khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi tài vẽ trang trí bảng.
Hoặc cứ mỗi dịp khai giảng, chúc mừng Năm mới, lễ Giáng sinh hay đơn giản là sinh nhật của học sinh trong lớp, thầy lại thực hiện một tác phẩm. Đến nay, thầy lưu giữ hình ảnh của hàng trăm bức tranh trang trí bảng độc đáo do mình vẽ.
Thầy Hạnh lấy ý tưởng sáng tạo từ hoa lá, cây cỏ... để đưa vào tác phẩm của mình
Tuần trước, thầy giáo 8X chụp lại những bức ảnh vẽ trang trí bảng về hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím với chủ đề “Chia tay mùa Hạ” và đăng tải lên mạng xã hội, thu hút hàng trăm lượt chia sẻ. Nhiều người khen tranh đẹp, xúc động khi những ký ức tuổi học trò ùa về. Nhiều thầy cô giáo trong và ngoài trường bày tỏ mong muốn được thầy Hạnh chia sẻ kinh nghiệm vẽ tranh trên bảng.
“Từ chuyên môn mỹ thuật, tôi chọn chất liệu sáng tạo là phấn màu, phấn trắng, bảng xanh, vì muốn chinh phục và trải nghiệm cái mới. Để có thể vẽ trang trí bảng đẹp như bức tranh nghệ thuật, tôi học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, các đồng nghiệp đi trước. Từ đó, tôi tự nghiên cứu để tìm ra lối sáng tạo riêng, để biết cách vẽ thế nào cho giống thật, sinh động, có hồn và đẹp tự nhiên hơn”, thầy Hạnh cho biết.
Theo thầy Hạnh, vẽ trang trí bảng khó nhất là lên ý tưởng về bố cục, màu sắc và đòi hỏi người vẽ phải thật kiên trì, cẩn thận. Với mỗi bức tranh, thầy Hạnh mất cả tiếng hoặc thậm chí 2 - 3 ngày để hoàn thành, tùy thuộc vào độ chi tiết, phức tạp của bức tranh.
“Dù mất thời gian, việc sáng tạo giúp tôi thư giãn sau những giờ dạy căng thẳng. Đồng thời, khi vẽ hoàn chỉnh một tác phẩm, tôi cảm thấy vui và đặc biệt, các bạn học sinh cũng thấy hào hứng. Các bạn thường xem tranh vẽ trang trí bảng và ‘ồ’ lên một cách ngạc nhiên, thích thú và ngưỡng mộ. Đó là cách giúp tôi gắn kết với học sinh. Hơn hết, mỗi tác phẩm là ‘đứa con tinh thần’, tôi mong muốn gửi gắm thông điệp về giá trị thẩm mỹ, giúp học sinh thêm yêu thích bộ môn nghệ thuật vẽ sáng tạo”, thầy Hạnh nói.
Tính đến hiện tại, thầy Trí Hạnh đã gắn bó với bộ môn vẽ trang trí bảng cũng hơn 8 năm. Đam mê tạo ra hạnh phúc, đó là khi thầy đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ trang trí bảng, với chủ đề “Vui buồn chuyện nhà giáo, năm 2022”. “Tham gia cuộc thi, tôi giành được giải thưởng là một chiếc bảng xinh, xịn và trao tặng cho lớp học khó khăn ở trường. Với số tiền nhận được, tôi gửi tặng cho quỹ thiện nguyện”, thầy Hạnh tâm sự.
Khi hoàn thiện tác phẩm vẽ trang trí bảng, thầy Hạnh dùng điện thoại để chụp ảnh, lưu giữ lại các tác phẩm nghệ thuật của mình. Đồng thời, thầy chia sẻ lên mạng xã hội để lan tỏa niềm đam mê đến với mọi người.
Chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đam mê, thầy Hạnh thẳng thắn cho biết, vẽ trang trí bảng từ chất liệu phấn màu cũng là một phân môn trong hội họa. Người vẽ cần am hiểu cấu trúc của mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên, học về bố cục tranh đúng tỷ lệ, cách phối màu đến quy luật gần xa. Từ đó, người vẽ tập trung sáng tạo tác phẩm đa dạng sắc màu, đẹp, sống động hơn.
“Thời gian gần đây, tôi đang thử nghiệm vẽ hoa giấy, vẽ chân dung người trên bảng. Sau những hình vẽ đầu tiên, tôi cũng nhiều lần thất bại, nhưng tôi vẫn tiếp tục kiên trì tìm hiểu, học hỏi và luyện vẽ. Theo tôi, việc khổ công luyện vẽ sẽ mang đến cho bạn bài học về sự kiên trì, từng chút từng chút cố gắng, bạn sẽ thu được quả ngọt”, thầy Hạnh bày tỏ.
Một số tác phẩm vẽ trang trí bảng của thầy Trí Hạnh:
Thầy Hạnh vẽ trang trí bảng chúc mừng Năm mới.
Một tranh vẽ nhân dịp họp phụ huynh.
Tác phẩm chim công thể hiện khả năng vẽ trang trí bảng của thầy Hạnh.
Vẽ trang trí bảng đòi hỏi người vẽ phải thật kiên trì, cẩn thận.