YG Entertainment vừa tuyên bố sẽ không khoan nhượng với những hành vi này: "Chúng tôi sẽ áp dụng hành động pháp lý với những hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng các nghệ sĩ của chúng tôi".
(G)I-dle, NewJeans, Twice, Kwon Eun Bi và BLACKPINK chỉ là một số ít nghệ sĩ là nạn nhân của những kẻ sản xuất phim khiêu dâm deepfake.
"Chúng tôi không thể tiết lộ chi tiết về các vụ việc này vì nó có thể... làm lan rộng hơn nữa. Những vụ việc này được xác định thông qua các hệ thống giám sát nội bộ và bên ngoài, cũng như các báo cáo từ người hâm mộ. Chúng tôi có hướng dẫn để ứng phó với những tội ác như vậy", đại diện một công ty quản lý Kpop cho biết.
Những người nổi tiếng rất dễ bị ảnh hưởng bởi deepfake vì mức độ tiếp xúc với phương tiện truyền thông, đồng nghĩa với việc nhiều hình ảnh của họ có thể dễ dàng bị phát tán.
Các thành viên của BLACKPINK là nạn nhân của deepfake
Theo Jeong Jin Kwon, một luật sư chuyên về các vụ án gian lận khởi nghiệp và AI, việc sử dụng công nghệ deepfake để thao túng và phát tán hình ảnh của các thần tượng Kpop mà không được phép sẽ bị khép vào tội vi phạm thông tin cá nhân và phỉ báng.
Những người của công chúng có thể bị tổn hại đáng kể đến hình ảnh và danh tiếng. "Ngay cả khi không gây ra tổn hại trực tiếp về thể chất, các video được chỉnh sửa mang tính khiêu dâm hoặc kích thích ham muốn tình dục mà không có sự đồng ý đều là vi phạm pháp luật", Jeong cho biết. Nếu những hành động này mang lại lợi ích tài chính cho thủ phạm, có thể áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn.
Xu hướng deepfake
Trong báo cáo có tên "Tình hình deepfake năm 2023" do công ty an ninh mạng Security Hero có trụ sở tại Hoa Kỳ công bố cho thấy các ngôi sao Kpop có nguy cơ rất cao trở thành nạn nhân của deepfake.
Báo cáo đã tìm thấy tổng cộng 95.820 video được đăng trên 10 trang web khiêu dâm deepfake hàng đầu và 85 kênh deepfake trên các nền tảng như YouTube, Vimeo và Dailymotion vào tháng 7 và tháng 8 năm ngoái.
Deepfake đang là một thách thức với Kpop
Theo luật của Hàn Quốc, những cá nhân tham gia biên tập, tổng hợp hoặc xử lý nội dung deepfake phải đối mặt với mức án lên tới 5 năm tù hoặc tiền phạt lên tới 50 triệu won (37.400 USD). Những người phân phối nội dung đó để kiếm lợi nhuận có thể bị kết án tới 7 năm tù.
Những thách thức trong việc thực thi pháp luật
Tuy nhiên, trong số 71 phán quyết về tội phạm deepfake được đưa ra từ năm 2020 đến năm 2023 tại Hàn Quốc, chỉ có 4 trường hợp bị phạt tù. Tệ hơn nữa, hiện tại không có luật nào giải quyết hành vi tải xuống hoặc xem những nội dung này.
"Không có hình phạt nào đối với các hoạt động như mua, lưu trữ hoặc sử dụng video deepfake, nghĩa là hình phạt chỉ áp dụng cho những người tạo hoặc phân phối các video này. Ngay cả việc xem video deepfake cũng là sai về mặt đạo đức", luật sư Kim Ye Eun cho biết.
"Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của xã hội. Cần cho mọi người thấy những rủi ro và trách nhiệm pháp lý liên quan đến deepfake và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực xã hội nhằm ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ", luật sư Jeong Jin Kwon bày tỏ quan điểm.