Bi kịch đau lòng xảy ra tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), một người phụ nữ cao tuổi bị đâm chết tại nhà, thủ phạm chính là chồng của nạn nhân, 61 tuổi. Chuyện chỉ được phát hiện khi người con trai trở về nhà tìm hiểu sự thật.
Theo bản án sơ thẩm, vào ngày xảy ra sự việc, người chồng mang 16 cân đỗ xanh đi làm thịt chay, không rõ vì sao về nhà cân lại chỉ còn 14 cân. Ban đầu vợ ông không phản ứng gì, nhưng đêm đó bà thức dậy và bắt đầu mắng chửi ông đến 4 giờ sáng.
Tình trạng mắng chửi liên tục này kéo dài đến tận hai ngày với những lời lẽ xúc phạm như "ông không phải là người", "ông là đồ súc sinh".
Trong lúc cãi vã, người chồng cầm dao kề vào nách phải của vợ, đe dọa: "Nếu còn chửi nữa, tôi sẽ đâm chết bà". Tuy nhiên, bà vợ vẫn tiếp tục khiêu khích: "Ông đâm đi, tôi xem ông dám đâm không. Đâm chết tôi thì ông cũng không được yên. Tôi đã không muốn sống với ông từ lâu rồi...".
Trong cơn nóng giận, người đàn ông 61 tuổi đâm một nhát vào người vợ, khiến bà ngã sấp xuống. Thấy vợ bất động, ông già hoảng sợ nhờ hàng xóm giúp đỡ đưa đến bệnh viện nhưng đã quá muộn. Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị dao nhọn đâm xuyên qua ngực và bụng, vỡ tĩnh mạch chủ trên gây tràn máu màng tim cấp tính và ngừng tim đột ngột. Ngay sau đó, người chồng bị bắt.
Vài ngày trước, tòa sơ thẩm tuyên án tù chung thân và tước quyền công dân suốt đời đối với bị cáo. Tuy nhiên, người đàn ông đã kháng cáo.
Con trai của cặp vợ chồng khi được hỏi đã đứng về phía bố mình và xin giảm án cho ông. Anh cũng chia sẻ về lịch sử cãi vã kéo dài của bố mẹ mình. Hai người bằng tuổi, quen nhau qua mai mối và đã kết hôn gần 40 năm. "Từ khi tôi còn nhỏ, họ đã thường xuyên cãi nhau, mẹ tôi có tính khí nóng nảy, khắc nghiệt, khó chung sống", anh nói.
Mặc dù đau buồn vì cái chết của mẹ, người con trai này vẫn bày tỏ sự thông cảm với bố. "Bây giờ mẹ không còn nữa, bố có thể phải sống những năm còn lại trong tù, chúng tôi thấy đau lòng lắm, thật khó chấp nhận", anh chia sẻ và cho biết thêm, gia đình đã viết thư bày tỏ sự thông cảm, ủng hộ bố kháng cáo và sẽ tiếp tục xin giảm án cho ông trong phiên tòa phúc thẩm.
Vụ án này làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận về bạo lực ngôn từ trong gia đình, cách xử lý xung đột trong hôn nhân. Nó cũng phản ánh thực trạng đáng lo ngại về mâu thuẫn gia đình trong xã hội hiện đại, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ranh giới mỏng manh giữa tự vệ và hành vi phạm tội trong những tình huống cực đoan.