Ngao ngán khi biết lý do nhẫn cưới của vợ biến mất, ai lấy vợ khổ như tôi

Đến khi xong việc, tôi mới phát hiện ra trên tay vợ không có nhẫn cưới. Trong lòng tôi dấy lên nghi ngờ, mới hỏi: “Em đi với ai mà tháo cả nhẫn ra vậy”. Vợ trả lời tỉnh bơ: “Em có tháo đâu, em bán luôn rồi”.

Ngao ngán khi biết lý do nhẫn cưới của vợ biến mất, ai lấy vợ khổ như tôi - 1

Vợ chồng tôi cưới nhau mới được bốn tháng và đang sống cùng ba mẹ. Khi đám cưới, bạn bè trêu tôi đúng là “trâu già thích gặm cỏ non” vì tôi hơn vợ 15 tuổi. Vợ tôi mới học xong cấp ba, đang theo học nghề làm tóc tại một cửa hàng lớn trên thị xã.

Còn tôi đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản về, mở cửa hàng bán điện thoại di động tại nhà. Tôi lấy vợ đơn giản chỉ vì yêu chứ không tính toán lựa chọn gì. Mặc dù mẹ tôi bảo: “Lấy một đứa con con gái chưa trưởng thành sẽ khổ nhiều thứ đó con”.

Tôi thích tính tình trẻ con vô tư của vợ, phải năn nỉ mãi cô ấy mới đồng ý làm đám cưới. Tôi có một số vốn đủ lo cho cuộc sống gia đình nên không đặt nặng vấn đề kinh tế, phải lấy một người vợ có nghề nghiệp ổn định.

Ba mẹ tôi lại lo xa nên đám cưới xong, hối thúc con dâu đi học nghề dù ông bà đang rất mong có cháu bế. Vợ tôi đi học trong tâm thế bị ép buộc nên chẳng hứng thú gì. Dù đã có chồng, vợ vẫn thích đi chơi, uống trà sữa cùng mấy đứa bạn cùng tuổi.

Để vợ yên tâm học nghề, tôi thuê hẳn một phòng trọ riêng, trang bị đầy đủ đồ dùng ở gần chỗ cửa hàng cho vợ ở. Cứ tuần hai lần, tôi chạy xe hơn 30 km lên thăm vợ, mang theo đồ ăn đã được mẹ sơ chế sẵn bỏ vào tủ lạnh để vợ nấu cơm.

Nhưng vợ không nấu bao giờ, hôm nào tôi lên thì nấu cho ăn, còn không thì đi ăn vặt cho qua bữa. Nói vợ mãi cũng mệt, tôi đành chịu. Cứ mỗi lần tôi lên, vợ đòi tiền để mua thứ này thứ kia, tôi đưa cho vài trăm ngàn.

Tôi chiều theo ý vợ nhưng mẹ không thích điều đó, nhắc tôi phải cứng rắn hơn. Bởi vậy, thời gian gần đây, do cửa hàng ế ẩm vì dịch bệnh nên tôi thắt chặt chi tiêu.

Cách đây một tuần, tôi lên thăm, vợ xin một triệu để mua mĩ phẩm. Tôi bảo: “Em xài vừa thôi, anh mới đưa tiền cách đây mấy ngày, tiêu pha gì mà nhanh thế”. Vợ nghe thế bù lu bùa loa: “Anh dụ em cưới sớm, hứa sẽ lo cho em, giờ lại tính toán ích kỷ, em không thèm”.

Khác với những lần trước, lần này tôi không năn nỉ vợ nữa mà bỏ về luôn. Hai vợ chồng không liên lạc, sau đó, tôi đành gọi điện để làm lành trước mà vợ không nghe máy.

Sợ có chuyện gì, tôi tức tốc lên thị xã ngay. Lúc tôi lên thì vợ không có ở phòng, đợi đến khuya cô ấy mới về. Tôi vừa giận vừa thương, không dám to tiếng giữa đêm.

Vợ nói buồn chán nên đi chơi với bạn, tôi cũng xuề xoà không tra hỏi thêm. Đến lúc lên giường ngủ, vì nhớ vợ quá, tôi lao vào âu yếm được dù trong lòng vẫn tức tối. Vợ chiều tôi một cách miễn cưỡng làm tôi khó chịu.

Đến khi xong việc, tôi mới phát hiện ra trên tay vợ không có nhẫn cưới. Trong lòng tôi dấy lên nghi ngờ, mới hỏi: “Em đi với ai mà tháo cả nhẫn ra vậy”. Vợ trả lời tỉnh bơ: “Em có tháo đâu, em bán luôn rồi”.

Tôi bật dậy, tức giận quát: “Em đùa anh đấy à, làm sao mà bán, bán để làm gì”. Vợ chỉ vào hộp mỹ phẩm để trên bàn, rồi nói: “Bán để mua cái này nè, anh thấy đẹp không”. Vợ còn phụng phịu bảo: “Do anh không cho em tiền chứ bộ”.

Tôi lắc đầu ngao ngán bảo: “Em có biết nhẫn cưới là vật thiêng liêng thế nào không, không phải muốn bán thì bán”. Vợ hồn nhiên: “Có gì đâu, hôm nào ra tiệm vàng đặt họ làm lại là được mà. Nhẫn cưới còn mua lại được chứ hộp mỹ phẩm này ít khi có khuyến mãi lắm anh, không nhanh tay là hết cơ hội”.

Đến bây giờ, tôi mới thấm thía lời cảnh báo của mẹ khi lấy một cô vợ “ăn chưa no lo chưa tới”. Tôi không biết mình phải làm sao để “dạy dỗ” vợ trưởng thành hơn hay cứ để tự nhiên, dần dần cô ấy sẽ lớn. Nếu biết trước điều này, tôi sẽ đợi thêm vài năm nữa rồi làm đám cưới vẫn chưa muộn.