Ngay khi Tô Lịch được "hồi sinh", Hà Nội sẽ có thêm tuyến buýt đường thủy trên mặt sông?

Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, nếu đề án "giải cứu" sông Tô Lịch từ nguồn nước sông Hồng, hồ Tây được Hà Nội phê duyệt thì đơn vị sẽ lập phương án phát triển du lịch và vận tải thuỷ trên sông Tô Lịch.

Với cư dân Thủ đô, việc làm cấp thiết hiện nay được người dân quan tâm, ủng hộ không chỉ giải quyết vấn đề nước thải chảy trong sông đang bức tử thành phố từng ngày mà còn phải xử lý lượng bùn dày đặc dưới đáy sông, làm hồi sinh dòng sông từ tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Tuy nhiên, với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nếu đề án "giải cứu" sông Tô Lịch bằng bổ cập nước từ sông Hồng, hồ Tây được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Hà Nội sẽ có thêm một tuyến giao thông đường thuỷ chạy qua thành phố.

Ông Phan Hoài Minh, Phó tổng Giám đốc công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: "Khi sông Tô Lịch hàng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy lưu thoát, tạo cảnh quan, đơn vị sẽ lập phương án phát triển du lịch và vận tải thuỷ trên sông Tô Lịch. Hà Nội có thể phát triển được một tuyến buýt đường thuỷ giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường trên cạn.

Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, nếu đề án "giải cứu" sông Tô Lịch từ nguồn nước sông Hồng, hồ Tây được Hà Nội phê duyệt thì đơn vị sẽ lập phương án phát triển du lịch và vận tải thuỷ trên sông Tô Lịch. Ảnh: Bảo Loan

Ngoài ra, khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành và trong tương lai có hệ thống cống thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch thì nguồn nước ô nhiễm sẽ được kiểm soát".

Cũng theo ông Hải, sông Tô Lịch với chiều dài 14km chạy qua 5 quận, huyện là tiềm năng tốt để khai thác vận tải công cộng đường thuỷ.

Công ty cũng đề xuất thành phố xây dựng đập cao su ở cuối nguồn sông Tô Lịch, giúp điều tiết nước trên sông đạt độ cao nhất định, từ đó tàu thuyền và xe buýt đường thuỷ có thể lưu thông.

"Toàn bộ kinh phí đều sử dụng nguồn vốn xã hội hoá, đầu tư ban đầu sẽ kêu gọi các nhà tài trợ, sau khi xây xong hạ tầng, thành phố sẽ trả phí vận hành, tiền bơm nước tính theo m3", ông Minh cho biết thêm.

** 

Trước đó, nhờ nguồn nước từ hồ Tây được xả vào sông Tô Lịch nên từ ngày 9/7 - 12/7, dòng sông được mệnh danh là “sông chết” đã “thay da đổi thịt”, từ một dòng sông cạn đáy, trơ bùn, thường xuyên bốc mùi hôi thối đã chuyển màu xanh, trong sạch và không còn mùi hôi thối bốc lên.

Điều này khiến người dân sinh sống dọc hai bờ sông Tô Lịch, đặc biệt là phía thượng nguồn cũng cảm nhận rõ rệt, sự hồi sinh tích cực của dòng sông đã mang lại không gian sống thoáng đãng, thanh bình hơn trước đó rất nhiều.

 Theo: Kênh14