Ban đầu, Trần Duy vào học tại khoa Hội họa, trường ĐH Nghệ thuật Huế. Nhưng sau hơn một tháng, Duy quyết định tạm nghỉ, về nhà học những kỹ thuật cơ bản về điêu khắc gỗ.
Gia đình Duy ở làng Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam) có xưởng làm tranh gỗ. Trước đây, cha Duy từng ra Huế học điêu khắc, sau đó về quê mở xưởng lập nghiệp và dạy nghề. Và người chỉ dạy, hướng dẫn anh từ những bài học vỡ lòng không ai khác chính là cha.
Hơn 3 năm đầu tập tành học nghề, Duy ngồi xổm, đục đẽo... bắt đầu với những hoa văn gỗ cơ bản, khắc những mẫu tranh phong cảnh đồng quê... Chuyện để dao cắt vào tay là bình thường. Bền bỉ luyện tập, đến nay, Duy đã có thể tạo nên những bức ảnh chân dung khổ lớn, những bức phù điêu tỉ mỉ, sắc nét uyển chuyển không ngờ.
Mỗi sản phẩm điêu khắc gỗ mà Duy làm ra rất độc đáo, mang dáng dấp xu hướng thời đại. Theo Duy, tuổi thơ là nguồn cảm hứng tạo nên chất liệu điêu khắc tràn đầy thi vị như: Tề Thiên Đại Thánh, Songoku (7 viên ngọc rồng), Biệt đội siêu anh hùng… Để tạo ra một sản phẩm đẹp mắt, theo Duy, công đoạn khó khăn là người thợ phải biết cách liên tưởng đến hình dạng 4 chiều của nhân vật như thế nào để phá dáng. Tiếp đến, người thợ phải vừa tính toán, vừa tự cảm nhận để từng lưỡi cưa, nhát đục... được thực hiện một cách chuẩn xác. Nhiều loại gỗ tự nhiên màu mộc đa dạng, vân gỗ muốn đậm hay nhạt thì phơi cho hanh nắng, càng lâu màu càng đậm lại…
Từ bỏ học mỹ thuật, Trần Duy tìm hướng đi mới với chạm khắc gỗ.
“Với mình, phần tạo hình khuôn mặt cũng là điểm mấu chốt để quyết định đến thành bại của tác phẩm. Khuôn mặt thể hiện cái hồn, thợ chỉ cần làm lệch đi là nhân vật thay đổi dù dáng thế và trang phục đã hoàn thiện…”, Duy nói.
Dần dần, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo đặc biệt của anh bạn, từng tác phẩm độc đáo, ngộ nghĩnh ra đời. Đó là tượng gỗ hình Messi, Tony Stark, Goku… “Công việc điêu khắc gỗ đòi hỏi mình nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Nếu không yêu thích, bạn sẽ dễ chán nản, dễ muốn bỏ cuộc khi đục đẽo tác phẩm chưa ưng ý. Công việc này đòi hỏi mình không ngừng tự học và nhúng tay vào làm từ những kỹ thuật cơ bản. Nhờ đó, mình có thể nắm rõ từng khâu chế tác và sáng tạo những sản phẩm có hồn, chân thật hơn”, Duy cho biết thêm.
Không dừng lại ở việc tạo hình nhân vật có sẵn, Trần Duy còn tự tay thiết kế và chế tác những tác phẩm. Tác phẩm tâm đắc nhất là Nhân gian hoa nở, Duy mất đến hơn 500 giờ để vẽ và chạm khắc trên gỗ hương đá. Theo Duy, thời gian để tạo ra một mô hình gỗ sẽ dao động 10 - 20 ngày. Trình tự thực hiện sẽ bắt đầu từ khâu chọn mẫu, phác thảo, tìm gỗ, vẽ lên gỗ, tạo dáng, làm chi tiết và sơn màu. Tùy vào kích cỡ, độ khó của nhân vật sẽ có những mức giá khác nhau, thường sẽ rơi vào khoảng 3 - 10 triệu đồng/mô hình.
Một tác phẩm lấy ý tưởng từ truyện Harry Potter do Duy thực hiện.
Mỗi ngày, ngoài công việc ở xưởng, Duy cũng tham gia quay video, xây dựng ý tưởng nội dung giới thiệu cho sản phẩm để đăng tải trên kênh YouTube. Đến nay, Trần Duy đã sáng tạo hơn 40 tác phẩm với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau.
“Ban đầu, mình chia sẻ video lưu giữ kỷ niệm về quá trình học việc, những tác phẩm đầu tay. Bạn bè khắp nơi vào động viên tạo cho mình động lực theo nghề. Mình dành thời gian chia sẻ các tác phẩm thiết kế mới và thấy vui khi bản thân làm được gì đó đẹp và được nhiều người yêu thích”, Duy bày tỏ.
Nói về dự định tương lai, Duy sẽ tiếp tục cố gắng chạm khắc những tác phẩm mang tinh thần Việt, văn hóa Việt, cũng như những hình tượng trong chuyện cổ tích. “Các chủ đề quen thuộc để tranh khắc gỗ gần gũi với người dân. Tuy nhiên, dù sáng tạo đa dạng bằng kỹ thuật gì, mình vẫn sẽ cố gắng chạm trổ tinh tế để giữ nguyên cái hồn của từng nhân vật, từng bức tranh gỗ điêu khắc…”, Duy chia sẻ.