Đến nay mới đủ duyên
- Phóng viên: Chào nghệ sĩ Xuân Hinh! Thời gian gần đây, công trình Bảo tàng đạo Mẫu của anh đã “vươn tầm quốc tế” khi trở thành công trình đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 14 công trình kiến trúc tốt nhất thế giới do Tạp chí Domus của Italia (tạp chí hàng đầu về kiến trúc - PV) bình chọn. Anh có thể chia sẻ thêm về ý tưởng xây dựng công trình đặc biệt này không?
- Nghệ sĩ Xuân Hinh: Thú thật là từ lâu tôi luôn ấp ủ một công trình đặc biệt để lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người Việt, trong đó có văn hóa tín ngưỡng thờ đạo Mẫu. Trước kia tôi cũng có tìm đến nhiều kiến trúc sư để chia sẻ ý tưởng này và nhờ họ triển khai các bản thiết kế xem thế nào, nhưng chắc là chưa đủ duyên. Tới khi gặp kiến trúc sư Nguyễn Hà, tôi cảm thấy ngay từ đầu nữ kiến trúc sư trẻ này đã có sự đồng điệu và thấu hiểu nguyện vọng của tôi. Nghệ thuật mà, chưa biết thế nào nhưng nhất tâm là mình cảm nhận được rất rõ. Sau này khi cô ấy nói về nguyên liệu xây dựng bảo tàng, tôi tán thành ngay. Vì khi xưa tôi cũng đi nhặt từng viên ngói, bao nhiêu công sức lao động vất vả mới làm ra được, vẫn nghĩ đô thị hóa xong bỏ chúng đi thì tiếc lắm. Sau này thì bảo tàng được xây dựng từ 5 triệu viên ngói cổ cùng hàng triệu viên gạch thất cổ mua từ hàng trăm ngôi nhà ở khắp nơi. Với công trình này, tôi cũng muốn đào tạo một số bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống để nối dài tình yêu với nghệ thuật dân tộc.
- Hình như trong số những hiện vật, tư liệu sẽ được anh trưng bày trong không gian bảo tàng có cả chiếc xe kéo là đạo cụ trong tiểu phẩm nổi tiếng “Người ngựa - ngựa người” mà anh diễn cùng NSND Thanh Thanh Hiền. Anh có thể tiết lộ lý do trưng bày đạo cụ này ở đây không?
- Trong bảo tàng chia ra làm nhiều không gian, có phòng trưng bày và cả các phòng chức năng khác nữa. Đây sẽ giống như thư viện trưng bày, lưu giữ các tư liệu liên quan đến nghệ thuật dân gian như sách về hát văn, hầu đồng, quan họ, các bức tranh cổ… Còn chiếc xe kéo đạo cụ như bạn nói thì đúng là có thật, vì với tôi, vai diễn trong vở “Người ngựa - ngựa người” đã giúp tôi đến gần hơn với khán giả. Suốt bao năm đi diễn, khán giả vẫn hay đề nghị tôi và Thanh Thanh Hiền diễn lại vở này. Cũng chính nhờ sự quan tâm và yêu thương của khán giả dành cho vai diễn ấy mà tôi có thêm kinh phí để xây dựng công trình đấy.
- Hình như tới giờ bảo tàng vẫn chưa mở cửa đón khách thì phải, vì sao vậy?
- Đúng là cũng có nhiều người, nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế liên hệ với nhã ý đến tham quan bảo tàng, nhưng dự tính phải cuối năm nay thì tôi mới đón tiếp được. Như sắp tới có đoàn khách quốc tế gần 100 người sang Việt Nam, tôi cũng chưa dám nhận lời. Thú thật, điều khiến tôi nghĩ ngợi nhất là làm sao để đón tiếp mọi người được chu toàn. Bảo tàng thì hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chỉnh sửa một số chỗ. Tôi mong sau này, khi có thể đón tiếp mọi người, thì đây sẽ một công trình văn hóa với những vật liệu mang dấu ấn quá khứ được tái chế để sử dụng cho hiện tại, mang vẻ đẹp văn hóa truyền thống và cả không khí linh thiêng của tín ngưỡng đạo Mẫu. Tôi vẫn nói vui với mọi người là miệng thế gian như làn sóng biển, có phải miệng vại đâu mà bịt, chưa kể giờ lại còn miệng… mạng xã hội nữa. Nên đã làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn, làm chỉn chu từ cái nhỏ nhất, không nhỡ chưa chu toàn được khách đến chơi thì cũng khổ (cười).
Đời nghệ sĩ như “con gà cục tác…”
- Người ta bảo Xuân Hinh giàu lắm, có đúng thế không?
- Người ta còn bảo tôi là đại gia chứ gì? Cứ coi như vậy đi. Đại gia đấy, nhưng mà là da bọc xương, là giả da đấy (cười). Tôi vẫn ví von cuộc đời của người nghệ sĩ như con gà trong chuồng nhảy ra cục ta cục tác, bới bới đào đào chẳng được bao nhiêu. Nhưng mà mình cũng chỉ cần có thế thôi, mình chi tiêu ăn uống đơn giản, chẳng cần gì nhiều. Có bao nhiêu tôi tích lũy để xây bảo tàng. Tôi quan niệm tiền bạc, vật chất là những thứ phù phiếm, ở ngoài cánh cửa gia đình. Niềm hạnh phúc và sự bình yên chính là mái ấm, là vợ con của mình. Tôi không có nhiều tiền, không giàu như mọi người nghĩ đâu. Đi diễn có bao nhiêu, toi gom góp tiết kiệm để xây bảo tàng hết.
- Độ này anh vẫn đi diễn đều chứ?
- Tôi vẫn túc tắc. Giờ mình có tuổi rồi, không đi nhiều được như trước. Ngày xưa thì chắc chẳng ai đi diễn nhiều như Xuân Hinh, khắp các tỉnh thành, khắp các nước trên thế giới. 10 năm nay tôi ít đi diễn ở nước ngoài rồi, cũng vẫn có nhiều lời mời đấy, nhưng tôi không nhận. Giờ tôi có tuổi rồi, cái gì phù hợp với sức khỏe thì tôi mới dám nhận. Vả lại làm nhiều quá, các cháu lại bảo “cụ Hinh ra tranh bánh Trung thu với các cháu” thì chết (cười). Tôi vẫn hay trêu các cháu là: “Các cháu không làm thì cụ lại phải làm đấy nhé”.
- Thế mà người ta đồn, mời Xuân Hinh đi diễn khó lắm, vì cát-sê cao quá?
- À không, cao thì Xuân Hinh lấy cao thật mà nhưng tùy thôi (cười). Tôi vẫn hay trêu khi người ta mời mà hỏi giá cát-sê bao nhiêu rằng: “Gái đẹp không có giá. Từ 0 đồng đến vô biên”. Như đợt vừa rồi ca sĩ Anh Thơ liên hệ mời tôi diễn trong liveshow của cô ấy ở Thanh Hóa, cứ hỏi tôi lấy cát-sê bao nhiêu để cô ấy chuyển tiền, tôi bảo luôn: “Không tiền nong gì cả. Anh nhận là nhận, diễn là cứ diễn thôi”. Tôi là người ưa cái đẹp và rất trân trọng những người tài hoa. Nên nếu nghệ sĩ mà diễn vì tình yêu nghệ thuật, vì mục đích cao cả thì tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ vô tư. Tiền đối với tôi không quan trọng. Khi đi diễn, thấy show mà không có khán giả hoặc mưa gió không ai xem là tôi không hỏi cát-sê. Không cần phải xin tôi cũng tự động gọi đến để cho tiền, thế nên ai gặp tôi cũng vui vẻ.
- Người xưa vẫn bảo “gái ham tài, trai ham sắc”, Xuân Hình thì sao? Anh đánh giá cao cái nào hơn, tài hay sắc?
- Nếu được cả hai thì tốt nhỉ (cười). Nhưng nếu không được cả hai mà phải chọn giữa tài với sắc thì tôi chọn tài chứ. Sắc thì đến hoa hậu cũng có đẹp mãi được đâu, hoa nào mà chẳng đến lúc phải tàn. Còn tài thì nó nằm ở sự duyên dáng, nó thuộc về tình cảm và tâm hồn rất sâu sắc. Duyên quan trọng lắm, nó là thứ níu giữ mình ở lại mà.
- Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Hinh!