Từ xưa đến nay, dù ở nơi nào đi chăng nữa người ta cũng đều rất coi trọng giao tiếp và các mối quan hệ. Thậm chí trong văn hóa Nho giáo của người Trung Quốc cổ đại còn nhấn mạnh: “Ở nhà cậy cha mẹ, ra ngoài nhờ bạn bè”.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của những người bạn xung quanh. Thậm chí ở phương Tây cũng rất coi trọng tình bạn. Nhà triết học La Mã cổ đại Marcus Tullius Cicero từng nói: “Không có tình bạn, thế giới như mất đi mặt trời”.
Vì vậy, rút kinh nghiệm từ những người đi trước, trong đời sống xã hội, việc đối nhân xử thế với bạn bè rất quan trọng, thậm chí còn liên quan tới việc người đó có sống thọ hay không.
Nghiên cứu của Đại học Harvad
Trong một nghiên cứu kéo dài 80 năm của trường Đại học Harvard (Mỹ), các nhà khoa học quan sát trên 800 người, dựa trên những thay đổi cá nhân dưới tác động của môi trường sống.
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là bảng câu hỏi, phỏng vấn và quan sát tâm lý, thậm chí bao gồm cả điều trị lâm sàng.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, khi một người bước vào độ tuổi 50, tình trạng sức khỏe của họ có liên quan mật thiết tới các mối quan hệ trong xã hội.
Giáo sư Robert Waldinger, bác sĩ tâm thần tại Trường Y Harvard và tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu tin rằng, các mối quan hệ xã hội ảnh hưởng tới sức khỏe cá nhân vì nó có thể khiến một người trở nên hạnh phúc hay vui vẻ. Những điều này ảnh hưởng tới chỉ số steroid, liên quan trực tiếp tới sức khỏe.
Nghiên cứu này cho thấy, hầu hết các yếu tố liên quan đến sức khỏe đều liên quan tới chỉ số steroid. Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội đối với cuộc sống của một người.
Tác động tích cực của các mối quan hệ xã hội đối với sức khỏe
Về mặt lâm sàng, sức khỏe của một người phụ thuộc vào thể chất và chất lượng cuộc sống của chính người đó. Tuy nhiên, nó còn bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ xã hội xung quanh, đây là tác động gián tiếp.
Vậy các mối quan hệ xã hội chất lượng cao ảnh hưởng tới sức khỏe của một người như thế nào?
- Sự thân thiết khiến mang lại cảm giác thoải mái
Đại học Harvard kết luận rằng, chất lượng giao tiếp của một cá nhân có thể quyết định phần lớn mức sống xã hội của họ.
Nói một cách dễ hiểu, khi 2 người nói chuyện với nhau, nếu đối phương biết sở thích của bạn, việc nói chuyện sẽ rất vui vẻ, thoải mái. Ngược lại, nếu đối phương không biết gì về bạn, toàn nói những cái khó hiểu, việc giao tiếp trở nên vô ích và mệt mỏi.
- Căng thẳng từ các mối quan hệ
Một số người thường nói rằng, họ mắc chứng "sợ xã hội", hàm ý họ không giỏi giao tiếp, không biết phải nói gì.
Điều này cho thấy có một số áp lực trong việc giao tiếp xã hội với nhau. Khi một người đã không thích giao tiếp, việc ép buộc khiến họ cảm thấy căng thẳng.
Giáo sư Robert Waldinger cũng cho biết, các mối quan hệ không tốt có thể dẫn đến việc khởi phát sớm và thường xuyên hơn các bệnh mãn tính như bệnh tim, viêm khớp, tiểu đường. Tất cả những căn bệnh này đều rút ngắn tuổi thọ của một người.
Điều này là do căng thẳng trong giao tiếp xã hội có thể dẫn đến viêm hoặc kích hoạt phản ứng căng thẳng trong cơ thể, gây ra các phản ứng bất lợi như nhịp tim nhanh hơn và trao đổi chất nhanh hơn.
- Tương tác mang lại hạnh phúc
Việc giao tiếp hòa hợp, thân thiết sẽ mang lại cảm giác vui vẻ, hạnh phúc cho 2 bên.
Hãy thử tưởng tượng, khi bạn đối mặt với những người quen thuộc hằng ngày và những người xa lạ khi vừa mới chuyển môi trường làm việc, tâm trạng sẽ trái ngược nhau hoàn toàn.
Đây là mối liên hệ giữa sự gần gũi và hạnh phúc, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần và thể chất của một cá nhân.