Ngôi trường cấp 3 độc nhất vô nhị giữa lòng Hà Nội: Nam nữ học riêng, học sinh nội trú 2 tháng về nhà 1 lần

Ngôi trường THPT độc và lạ giữa lòng thủ đô

Một môi trường sư phạm độc, lạ xuất hiện giữa thủ đô với những quy định khá nghiêm khắc như không sử dụng tiền mặt, 2 tháng về thăm nhà 1 lần...

Điều đầu tiên mỗi người cảm nhận được ngay khi tới với ngôi trường này chính là sự thân thuộc và những điểm giống các ngôi trường khác ở Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước. Đặc biệt, học sinh tại trường này không sử dụng bất cứ thiết bị thông tin liên lạc hay điện tử nào, nếu có thì phải được sự đồng ý của giáo viên.

Học sinh nội trú tại trường 2 tháng mới được về nhà 1 lần. Trường cũng có sự phân chia lớp dành chon nam, nữ riêng, không sử dụng tiền mặt khi ở trong trường... Đây chính là những điểm mà trường THPT Trí Đức đang duy trì khiến nhiều bạn học sinh các trường ngoài phải ngạc nhiên.

Dù nằm giữa thủ đô, khá gần với đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng có lẽ ít ai biết được ngôi trường này lại có nhiều điều thú vị đối với học sinh tới vậy. Với bề dày 22 năm, trường THPT Trí Đức vẫn khá “kín tiếng” với bên ngoài và bị nhiều bạn học sinh "bỏ lỡ" trong mỗi đợt tuyển sinh vào 10.

Ngôi trường có không gian xanh, nam nữ học tập và sinh hoạt gần như tách biệt.

Thực tế các quy tắc khá “khắc nghiệt” tại trường này khiến không ít học sinh bỏ cuộc và không nhiều phụ huynh mạnh dạn gửi con vào. Tuy nhiên, ngôi trường có những đặc điểm kỳ lạ ấy lại không thiếu học sinh.

“Trường THPT Trí Đức quy tụ học sinh tới từ cả 3 miền, tới từ hơn 40 tỉnh thành trên cả nước, xa nhất là Cần Thơ cho tới các em đến từ vùng địa đầu của Tổ quốc là Hà Giang, thuộc 13 dân tộc anh em. Tại đây, các em được quản lý và giáo dục theo nguyên tác chặt chẽ, chu đáo và nề nếp.”, thầy giáo Hà Trung Hưng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Trí Đức chia sẻ.

Thầy giáo Hà Trung Hưng cũng là nguyên Hiệu trưởng và là người sáng lập trường.

Với những quy tắc không giống ai ấy, ngôi trường lại là điểm đến của nhiều học sinh từ các vùng miền khác nhau. “Trong suốt hơn 20 năm làm công tác quản lý trường, chúng tôi không làm công tác tuyển sinh rầm rộ. Thực tế, học sinh đến với trường nhờ 'hữu xạ tự nhiên hương'.

Có gia đình gửi 4 anh em học tại trường, còn những gia đình gửi 2 anh chị em thì nhiều vô số kể. Đôi khi cũng là hàng xóm, rồi những người từng gửi con học tại đây mách bảo nhau nên trường chúng tôi luôn duy trì sĩ số khoảng 800 học sinh.”, thầy Hưng - người trực tiếp quản lý và điều hành ngôi trường độc, lạ, đạt trường chuẩn quốc gia này cho biết.

Học sinh trong trường tham gia học văn hóa 3 buổi/ngày, ca sáng bắt đầu từ 7h và kết thúc sớm vào lúc 10h20. Sau đó, học sinh ăn trưa tại căng tin và về phòng ký túc xá nghỉ ngơi.

Ca chiều bắt đầu từ 13h đến khoảng 15h30 để dành thời gian từ 16h trở đi cho các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn nghệ. Bữa tối kết thúc là sẽ tiếp tục lên lớp học ca 3 và về nghỉ ngơi. Đáng chú ý là lớp được chia tách thành nam và nữ riêng, trừ các lớp nghệ thuật.

Học siêu, nhiều tài lẻ, bố mẹ... ngỡ ngàng

Ngôi trường trở thành “pháo đài” giữa những tệ nạn xã hội. Lịch sinh hoạt và học tập trong khuôn viên trường ấy cũng khiến học sinh chuyên tâm hơn cho việc học tập, rèn luyện. Chẳng thế mà thống kê của trường cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần như tuyệt đối (100%). Hàng năm, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng của trường đạt 95%, trong đó 65% vào các trường đại học công lập danh tiếng.

Trường THPT nhưng lại có KTX không khác gì một trường đại học, cao đẳng.

Ngoài thời gian học, học sinh còn tham gia nhiều CLB như gym, bóng rổ, bóng bàn, hip hop, đàn organ, guitar, nữ công... để từ đó nhận ra những sở trường, phù hợp với sở thích của bản thân. Với lối sống tự lập, được rèn luyện từ những ngày đầu cả về kiến thức và cách đối nhân xử thế, học sinh biết lắng nghe, chia sẻ và cuộc sống luôn tràn ngập niềm vui.

Nguyễn Công Minh, học sinh lớp 12N6, cho biết đã học tại trường hơn 2 năm qua và cảm thấy rất vui khi có nhiều bạn cùng học tập, sinh hoạt với mình.

Nguyễn Công Minh, học sinh lớp 12N6 chia sẻ về ngôi trường đang theo học.

"Ngoài giờ học, em tham gia một số CLB ở trường và đã biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Em thấy mình trưởng thành hơn và sẵn sàng bước vào cánh cửa mới ở giảng đường đại học một cách tích cực nhất.”, Minh cho hay.

Các bạn nam và nữ ngồi ăn ở các khu riêng và bữa ăn "quân đội" chỉ kéo dài chừng 15 phút mỗi bữa.

“Một năm, chúng tôi chia ra làm 4 giai đoạn trong 2 học kỳ. Các em sẽ chỉ được về thăm nhà 2 tháng 1 lần, mỗi lần 2 ngày tùy nhà xa hay gần. Tại trường, các em có đủ mọi thứ cần thiết phục vụ sinh hoạt và học tập nên các em không sử dụng tiền mặt. Toàn bộ việc ăn uống, ở, thuốc men, nhu yếu phẩm hay học hành, nhà trường đã bố trí đầy đủ.”, thầy Hà Trung Hưng nói. Nguyên Hiệu trưởng nhà trường từng là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tại Hà Nội hiên có hơn 200 trường THPT nhưng đây lại là ngôi trường duy nhất có mô hình nội trú đặc biệt thế này. Trường THPT Trí Đức vẫn tiếp tục âm thầm theo đuổi triết lý như đã từng trong suốt 22 năm qua để đào tạo ra những công dân tốt, tự tin vững bước trước ngưỡng cửa mới sau khi ra trường.

Công nhân vệ sinh trường Trí Đức.

Thay vì sa đà vào mạng xã hội, các game online, học sinh sinh hoạt nhóm, các CLB ngay tại trường.

Theo Tiin.vn