Người đàn ông họ Tống, 54 tuổi có trình độ trung học cơ sở thành lập công ty sản xuất nông nghiệp vào năm 2015 tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Tháng 7 cùng năm, ông bắt đầu làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng thương mại tại địa phương với lý do xây dựng nhà kính phục vụ sản xuất.
Bằng cách sử dụng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà kính làm thủ tục thế chấp, ông đã vay vốn từ 3 chi nhánh của ngân hàng trên. Trong 2 năm, người đàn ông này thực hiện 10 khoản vay thế chấp với tổng giá trị lên đến 128 triệu NDT (gần 450 tỷ đồng).

Ảnh minh hoạ
Năm 2022, do làm ăn thua lỗ, ông Tống không có khả năng trả nợ nên ngân hàng xếp khoản vay của người đàn ông này vào diện nợ xấu. Thậm chí, tài sản thế chấp chính là các nhà kính làm nông nghiệp cũng được cho là không đủ để trả nợ.
Cảnh sát Trung Quốc vào cuộc điều tra, phát hiện bộ hoạt động vay vốn này đều dựa trên thông tin sai lệch và tài liệu giả mạo. Thay vì xây dựng 448 nhà kính như cam kết, ông chỉ xây được 279 nhà kính, trong đó nhiều nhà kính được xây dựng sơ sài, không đạt tiêu chuẩn và bị nghi ngờ cắt xén chi phí.
Ông Tống còn sử dụng chiêu thức vay tiền mới để trả nợ/lãi cho các khoản nợ cũ, đồng thời thành lập “công ty ma”, hợp tác xã để lách quy định về đơn xin vay vốn, tiếp tục lừa vay hàng chục triệu NDT từ các chi nhánh khác nhau của ngân hàng. Ngoài ra, ông Tống còn sử dụng danh nghĩa người khác để vay, làm giả thu nhập hàng tháng và quyền sở hữu tài sản của người bị mạo danh.

Ảnh minh hoạ
Một công ty thẩm định độc lập sau đó đã đánh giá rằng tổng giá trị thực của tài sản thế chấp chỉ khoảng 31,3 triệu NDT (khoảng hơn 110 tỷ đồng), trong khi khoản vay lên tới 128 triệu NDT (gần 450 tỷ đồng). Ngoài ra, giá trị quyền sử dụng đất liên quan cũng chỉ hơn 2,36 triệu NDT (gần 8,3 tỷ đồng). Hành vi của ông Tống đã gây thiệt hại số tiền không nhỏ đối với một tổ chức tài chính quy mô địa phương.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, Tòa án nhân dân sơ thẩm Trung Quốc đã đưa ra kết luận: Ngoài ông Tống, giám đốc ngân hàng là ông Triệu và một nhân viên tín dụng họ Trương cũng phải chịu trách nhiệm. Trên thực tế, 2 đối tượng này đã biết rõ hồ sơ thế chấp không đạt yêu cầu, không tuân thủ quy định về cho vay thế chấp nhưng vẫn phê duyệt khoản vay mà không có kiểm tra thực địa hay xác minh thông tin.

Ảnh minh hoạ
Họ cũng không kiểm tra kỹ các thông tin cơ bản về người vay, thu nhập hàng tháng, quyền sở hữu các tài sản khác và tình trạng tín dụng, khả năng trả nợ, kiểm tra lại mức độ rủi ro… dẫn đến tổn thất cho ngân hàng khi khách hàng nợ xấu, mất khả năng trả nợ.
Theo pháp luật Trung Quốc, ông Tống bị tuyên phạt 6 năm tù và phạt tiền 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) vì tội lừa đảo tín dụng. Hai nhân viên ngân hàng họ Triệu và họ Trương bị kết án 3 năm tù và phạt mỗi người 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng) vì hành vi cho vay trái quy định. Đồng thời, ông Tống bị yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 79 triệu NDT (gần 280 tỷ đồng) cho ngân hàng. Mặc dù cả 3 người đều kháng cáo, tòa án phúc thẩm sau đó đã bác đơn và giữ nguyên phán quyết.
(Theo The Paper, 163)