Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang

Cách bà Harris xuất hiện giữa khủng hoảng của đảng Dân chủ cũng tương tự như cách bà từng xuất hiện giữa khủng hoảng nhà ở tại bang California nhiều năm trước.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đã ngã ngũ. Ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris tuyên bố chấp nhận thất bại.

Nỗ lực “thay ngựa giữa dòng” của đảng Dân chủ nhằm tạo ra một đối thủ trẻ tuổi, đủ sức đối trọng với ông Donald Trump đã không thành công. Viễn cảnh về một nữ Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ chưa thể thành hiện thực.

Ngày 21/7, Tổng thống Joe Biden sau màn tranh luận đáng thất vọng trước ông Trump đã quyết định rút lui khỏi đường đua và đề cử Phó tổng thống Kamala Harris thay thế. Thời điểm đó chỉ còn chưa đầy 4 tháng là đến ngày bầu cử.

Cách bà Harris xuất hiện giữa khủng hoảng của đảng Dân chủ cũng tương tự như cách bà từng xuất hiện giữa khủng hoảng nhà ở tại bang California nhiều năm trước. Chỉ có điều, lần này bà đã thất bại.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 1.

Bà Kamala Harris sinh năm 1964 tại Oakland, bang California, Mỹ. Bà có cha mẹ là người nhập cư: bố của bà, ông Donald Harris, là người gốc Phi đến từ Jamaica; còn mẹ bà, bà Shyamala Gopalan, đã nhập cư vào Mỹ từ Chennai (Ấn Độ) vào năm 1958.

Trong cuốn tự truyện The Truths We Hold (tạm dịch: Sự thật ta nắm giữ), bà Harris viết: “Mẹ tôi biết nước Mỹ sẽ luôn nhìn nhận chúng tôi như những người phụ nữ da đen và bà sẽ làm mọi thứ để đảm bảo chúng tôi sẽ phát triển thành những người phụ nữ da đen tự tin, đầy kiêu hãnh”.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 2.

Bà Harris thường nói về những bài học mà bà học được từ mẹ mình.

"Bà ấy cứng rắn, can đảm, là người tiên phong trong cuộc chiến vì sức khỏe phụ nữ", bà Harris nói tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ hồi tháng 8/2024. "Bà ấy dạy chúng tôi không bao giờ được phàn nàn về sự bất công, mà hãy hành động để giải quyết vấn đề”.

Sự ảnh hưởng này cũng thể hiện trong thời gian bà Harris theo học ở Đại học Howard (Washington), nơi được bà mô tả là một trong những trải nghiệm hình thành nên cuộc đời mình.

Những năm 1980 là thời kỳ tình trạng phân biệt chủng tộc đáng báo động và có rất nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này.

"Tôi nhận thấy cô ấy có khiếu lập luận nhạy bén", bà Rosario-Richardson, bạn học cũ của bà Harris mô tả về Phó tổng thống.

Theo bà Rosario-Richardson, đó là thời kỳ phân biệt chủng tộc tại Mỹ và có rất nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này.

Nhưng bà Harris cũng dễ dàng hòa nhập với các cộng đồng chủ yếu là người da trắng. Bà Harris nói bà luôn cảm thấy thoải mái với bản sắc của mình và chỉ đơn giản mô tả bản thân là một "người Mỹ".

Bà từng nói với tờ Washington Post vào năm 2019 rằng, các chính trị gia không nên phải xếp mình vào một nhóm nào đó vì màu da hoặc xuất thân của họ.

"Ý tôi là: Tôi là chính tôi. Tôi ổn với điều đó”, bà Harris nói.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 3.
Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 4.

Kamala Harris hiếm khi bàn tới những rào cản mà bà và những phụ nữ khác, đặc biệt là phụ nữ da màu, phải đối mặt. Thay vào đó, bà nhắc tới lời dạy của mẹ mình: “Đừng bao giờ than phiền về sự bất công, mà hãy làm gì đó để giải quyết”.

Lời khuyên ấy có lẽ đã phần nào định hình nên tính cách của bà trên chặng đường trưởng thành, cũng như sự nghiệp trong lĩnh vực pháp lý sau này, đặc biệt khi bà đấu tranh cho những người dân Mỹ bình thường, những người dân thuộc tầng lớp trung lưu mà bà Harris nhận là xuất thân của mình.

Mùa thu năm 2011, thị trường nhà ở tại Mỹ rơi tự do.

California chính là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng trăm nghìn người California đã mất nhà trong làn sóng phát mại tài sản và hàng triệu người nợ nần chồng chất vì khoản thế chấp, số tiền nợ còn cao hơn giá trị căn nhà của họ.

Tại Cơ quan Phát triển Kinh tế (MEDA) ở San Francisco, hàng ngày có rất nhiều chủ nhà lo lắng tìm đến xin giúp đỡ. Cảnh tượng ấy xảy ra ở các tổ chức phi lợi nhuận tương tự khắp California, nơi chiếm khoảng một phần ba số vụ phát mại nhà trên toàn nước Mỹ.

Vào thời điểm ấy, Jacqueline Marcelos là tư vấn viên về thế chấp tài sản tại MEDA. Bản thân Marcelos và chồng cũng là nạn nhân của gian lận tài sản thế chấp, một trong hàng chục hộ gia đình bị một trung tâm môi giới bất động sản lừa tiền. Làm tư vấn viên ở MEDA, Marcelos và các đồng nghiệp biết rằng những gia đình đang tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều khả năng chỉ còn giữ nhà được vài tuần hoặc vài tháng.

“Ngân hàng không bao giờ phản hồi đúng thời hạn. Họ luôn yêu cầu bạn nộp thêm tài liệu. Và họ vẫn tiếp tục xử lý thủ tục phát mãi cho dù trường hợp của bạn đang được xem xét”, Marcelos nói.

“Thế rồi, một hôm, bà Kamala Harris xuất hiện”.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 5.

Tổng chưởng lý của California Kamala Harris tại một phiên điều trần về luật tài sản thế chấp. Ảnh: Hector Amezcua /Sacramento Bee

Kamala Harris, tân Tổng chưởng lý của California đã nhậm chức vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và người dân California đang rơi vào cảnh khốn cùng.

Lúc này, tổng chưởng lý của nhiều bang đã nhóm lại để thương thảo với 5 ngân hàng lớn nhất về trách nhiệm của họ trong cuộc khủng hoảng phát mại. Nhóm này ban đầu không có California. Ngay ngày đầu tiên làm việc, bà Harris đã chỉ đạo nhân viên tham gia vào quá trình thương thảo. Tuy nhiên, đến mùa thu năm ấy, bà mạo hiểm rút lui khỏi đàm phán vì tin rằng thỏa thuận mà các nhà băng đang tìm cách đạt được sẽ không có lợi cho các chủ nhà nhưng lại bảo vệ ngân hàng khỏi các cuộc điều tra trong tương lai.

“Khi bà ấy rời đi và từ chối những điều kiện được đặt ra, Kamala lập tức phải nhận lấy áp lực khổng lồ về bước đi tiếp theo và có rất nhiều người tạo sức ép muốn bà ấy phải đổi ý”, Nathan Barankin, chánh văn phòng của bà Harris ở thời điểm đó cho biết.

Theo ông Barankin, lúc đó bà Harris cảm thấy vẫn chưa có một cuộc điều tra toàn diện về những gì đã xảy ra và quan trọng là hậu quả từ những hành vi sai trái của ngân hàng. Suy nghĩ này đã dẫn Harris tới căn phòng họp tại MEDA ngày 22/11/2011 cùng với Marcelos và những người San Francisco đã mất hoặc sắp mất đi căn nhà của mình.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 6.

Tổng chưởng lý California Kamala Harris gặp gỡ người dân San Francisco. Ảnh: HUM Images / Getty Images

“Tôi muốn có mặt ở đây ngày hôm nay để lắng nghe những câu chuyện”, bà Harris nói với nhóm người. “Có rất nhiều người tranh cãi và bàn tán về chuyện này, tư duy nó trên góc độ tinh thần, hoặc có lẽ là chính trị hay học thuật. Nhưng sự thực là, vấn đề này xoay quanh mỗi người đang ngồi tại chiếc bàn này và những gì các bạn đã trải qua”.

“Chúng ta đang nói về những con người tin tưởng vào Giấc mơ Mỹ”, bà Harris nói trước khi lắng nghe tâm tư của người dân.

Tháng 1/2012, bà Harris yêu cầu được trao đổi trực tiếp với một trong những nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán thỏa thuận: CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase. Trong cuốn tự truyện The Truths We Hold, Harris kể lại, cuộc gọi giữa bà và Jamie Dimon đã biến thành một trận cãi vã. Dimon cáo buộc bà “tìm cách trộm cắp từ những cổ đông của tôi”, còn Harris phản pháo rằng: “Cổ đông của ông ư? Còn cổ đông của tôi là các chủ nhà ở California đấy”.

Trong vòng 2 tuần sau cuộc điện thoại ấy, Harris và các tổng chưởng lý khác đã đạt được thỏa thuận với giới cho vay thế chấp.

Cuối cùng, California giành được 20 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số ban đầu chỉ khoảng 2-4 tỉ USD, phần lớn nhằm giảm nợ gốc cho các chủ nhà. Mục đích là giúp người dân giữ nhà và giảm nợ gốc để họ không phải trả số tiền cao hơn giá trị ngôi nhà của mình.

Ira Rheingold, giám đốc điều hành Hiệp hội các Luật sư Bảo vệ Người tiêu dùng Quốc gia Mỹ (NACA) cho biết, sự can thiệp của bà Harris còn đảm bảo 2 điều khoản quan trọng khác trong thỏa thuận. Thứ nhất là cải cách hoạt động cho vay, giúp đặt nền tảng cho các quy tắc và quy định sau này trong ngành dịch vụ cho vay thế chấp. Thứ hai là buộc các ngân hàng phải cho phép California bổ nhiệm giám sát viên độc lập mình để đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ.

Giám sát viên ấy là Katie Porter, hiện là Hạ nghị sĩ bang California. Porter lưu ý rằng bản thỏa thuận dài hàng trăm trang và rất phức tạp. Khi gọi cho Porter để đề xuất vị trí giám sát viên độc lập, Harris nói rằng phần nào vai trò của bà là đảm bảo những người cần giúp đỡ có thể thực sự xoay xở được.

“Bà ấy không muốn đó chỉ là những lời hứa suông”, Porter nói, “Bà ấy không coi công việc của mình là họp báo công bố thỏa thuận, mà thực sự khiến các ngân hàng làm ăn phi pháp phải bắt tay vào hỗ trợ các gia đình bị hại”.

Porter cho rằng, cách bà Harris xử lý cuộc khủng hoảng thế chấp phần nào phác họa nên con người bà trong vai trò của một nhà chính trị, một nhà lãnh đạo.

“Bà ấy không phải là người sẽ nói: Đây là chuyện của người khác, việc này cứ để chính phủ liên bang giải quyết, không sớm thì muộn Quốc hội sẽ động tới việc này thôi. Đây là người đã dấn thân và thử các phương thức khác nhau để giải quyết vấn đề”.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 7.

Theo cây viết Marisa Lagos của KQED (Mỹ), thắng lợi trong cuộc đối đầu với giới ngân hàng tại California có thể coi là dấu mốc then chốt trong quá trình định hình sự nghiệp chính trị, cũng như hình ảnh của bà Harris trong mắt công chúng. Bản thân Harris cũng nhắc tới câu chuyện này tại Đại hội đảng Dân chủ 2024 ở Chicago.

“Khi còn là Tổng chưởng lý California, tôi đã đối đầu với các ngân hàng lớn, mang 20 tỉ USD cho các gia đình trung lưu đang phải đối mặt với tình trạng phát mại, và góp phần thông qua luật về quyền của chủ nhà - một trong những luật đầu tiên thuộc dạng này ở nước Mỹ”, bà Harris nói trước cử tọa.

Tuy nhiên, Kamala Harris sẽ khó có được thắng lợi ấy nếu không có một mối lương duyên đặc biệt. Kamala Harris là Tổng chưởng lý bang California còn Beau Biden giữ vai trò tương tự ở Delaware. Để có thể giúp đỡ người dân California, bà Harris cần có được sự hỗ trợ từ Beau Biden, người đang nắm quyền kiểm soát ở Wilmington, Delaware, thủ phủ ngầm của ngành ngân hàng.

Mối quan hệ đối tác đó giúp Harris nổi lên như một trong số những nhà lãnh đạo chính trị đã khiến các ngân hàng phải chịu trách nhiệm cho những hành vi mang tính trục lợi.

Beau Biden đã ủng hộ Harris cho đến cuối cuộc đời ngắn ngủi của mình, khi ông mất vì bạo bệnh năm 46 tuổi. Năm năm sau, người mà Beau gọi là “Pop” (Cha) đã chọn Harris làm người đồng hành trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tạo nên một trong những mối quan hệ đối tác mà tạp chí TIME gọi là "kỳ lạ nhất" trong giới chính trị của đảng Dân chủ.

"Lần đầu tiên tôi gặp Kamala là qua con trai mình, Beau", ông Biden nói khi ông giới thiệu bà Harris hồi 2020.

"Beau cực kỳ nể phục Kamala và những gì Kamala làm. Tôi đã nghĩ rất nhiều về chuyện đó khi đưa ra quyết định này. Không có ý kiến của ai mà tôi trân quý hơn Beau và tôi tự hào có Kamala đứng kế bên trong chiến dịch này".

Bốn năm sau, Joe Biden lại một lần nữa đứng cạnh Kamala Harris để tạo cơ hội cho bà tiến tới vị trí của người đứng đầu nước Mỹ. Đó là khoảnh khắc được tạo dựng từ chính “liên minh tình cờ” Beau-Kamala hồi đầu những năm 2010.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 8.
Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 9.

Sáng 21/7, Phó Tổng thống Kamala Harris bất ngờ triệu tập một nhóm cố vấn nhỏ và các đồng minh thân cận nhất đến Đài Thiên văn Mỹ - nơi bà sống và làm việc - để thông báo một tin tức quan trọng: chỉ vài giờ trước, Tổng thống Joe Biden nói với bà rằng ông sẽ rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.

13 giờ 46 phút chiều cùng ngày, khi ông Biden chính thức công bố quyết định của mình với người dân Mỹ, nhóm của bà Harris bắt tay ngay vào việc. Thời gian là yếu tố cốt lõi. Một danh sách dài số liên hệ của các đảng viên Dân chủ quan trọng nhất đã được chuẩn bị trước. Bà Harris lập tức gọi điện cho những người có sức ảnh hưởng lớn trong đảng.

Đội ngũ của bà làm việc suốt đêm. Tổng cộng 100 cuộc gọi đã được Phó Tổng thống thực hiện trong 10 giờ, và chỉ 48 giờ sau khi ông Biden rút lui, bà Harris đã giành được sự ủng hộ “thậm chí còn nhiều hơn số lượng cần thiết” để đảm bảo cơ hội đề cử.

“48 giờ hoàn hảo” - Robby Mook, nhà quản lý chiến dịch của bà Hillary Clinton vào năm 2016 nhận định.

Theo New York Times (NYT), trên thực tế, cơ hội cho các đối thủ hàng đầu của bà Harris đã khép lại chỉ trong vòng 27 phút. Đó là khoảng thời gian giữa lúc ông Biden tuyên bố rút lui và khi ông ủng hộ bà làm người kế nhiệm qua một bài đăng trên X.

Sự ủng hộ của ông Biden dành cho bà Harris được xem như một động thái then chốt chặn nguy cơ Đảng Dân chủ chia rẽ liên quan đến việc ai là người được đề cử. Nhiều đảng viên Dân chủ đã nhanh chóng ủng hộ bà Harris trong ngày 21/7.

Tuy nhiên, một người có vai trò quan trọng trong đảng Dân chủ vẫn chưa thể hiện thái độ.

Đó là cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Nữ chính trị gia 84 tuổi tuyệt nhiên không nhắc gì tới bà Harris trong bài đăng đầu tiên trên X về việc Tổng thống Mỹ rời cuộc đua.

Được ví như “nắm đấm thép trong chiếc găng tay Gucci”, sự ủng hộ của bà Pelosi đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với bà Harris.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 10.

Theo tiết lộ của tạp chí Slate (Mỹ), người phụ nữ quyền lực này cũng chính là nhân vật đã tác động lớn để ông Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, thông qua các cuộc trò chuyện riêng tư và cả công khai.

Đến sáng 22/7, một loạt tờ báo Mỹ bùng nổ với tiêu đề “Nancy Pelosi cuối cùng đã ủng hộ bà Kamala Harris sau 24 giờ trì hoãn”.

Theo tờ Daily Beast, sức ảnh hưởng lớn của cựu chủ tịch Hạ viện đã nhanh chóng thu hút nhiều sự ủng hộ hơn nữa dành cho bà Harris. Đơn cử như, 24 giờ sau động thái của bà Pelosi, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries đều lên tiếng ủng hộ bà Harris. Thêm 3 ngày sau đó, cựu Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân cũng tiếp nối xu hướng.

Một quan chức gần gũi với cả 2 nữ chính trị gia cho rằng, chính sự ủng hộ của ông Biden đã giúp xóa bỏ mọi xung đột tiềm ẩn có thể tồn tại giữa bà Harris và Pelosi để họ dành tiếng nói ủng hộ cho nhau.

Tính đến cuối ngày 22/7, bà Harris đã nhận được sự ủng hộ của 2.538 đại biểu, vượt xa con số 1.976 cần thiết để chính thức được đảng Dân chủ đề cử. Tuy nhiên, phải sau kết quả bỏ phiếu chính thức vào tối 20/8, trong khuôn khổ Đại hội Đảng dân chủ, bà Harris mới được phê chuẩn là ứng cử viên Tổng thống chính thức của Đảng.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 11.

Nhà báo Ryan King của tờ New York Post cho biết, trong năm nay, cứ nhắc tới việc gây quỹ, người ta lại nhớ tới một con số “gây sốc” về bà Harris. Đó là việc Phó Tổng thống Mỹ huy động được hơn 1 tỷ USD từ các ủy ban chiến dịch và đồng minh của bà chỉ trong vòng chưa đầy 80 ngày kể từ khi bắt đầu cuộc đua vào Nhà Trắng.

Con số này lấn át cả mức “853 triệu USD” mà ông Donald Trump đã huy động được trong toàn bộ quá trình hoạt động chính trị của mình cho tới năm 2024, đồng thời vượt xa tốc độ gây quỹ dưới thời ông Biden.

“Các nhiệm kỳ Tổng thống trước đây đã chứng kiến các ứng cử viên, bao gồm ông Trump (78 tuổi) và ông Biden (81 tuổi) vượt qua mức 1 tỷ USD trong tổng số tiền được huy động từ các chiến dịch và các nhóm bên ngoài, nhưng tốc độ chóng mặt như bà Harris (59 tuổi) đạt được là chưa từng có”, ông King cho hay.

Theo tạp chí Forbes, hai trong số những nhà tài trợ hào phóng mở hầu bao và giúp bà Harris đạt được con số 1 tỷ USD ấn tượng này là cựu giám đốc điều hành Meta Sheryl Sandberg và “người phụ nữ giàu nhất Thung lũng Silicon” Laurene Powell Jobs.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 12.

Bà Laurene Powell Jobs - góa phụ của nhà sáng lập Apple Steve Jobs - nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 11 tỷ USD và đã âm thầm đóng góp hàng triệu USD cho một tổ chức ủng hộ bà Harris. Đây cũng là người bạn tâm giao quan trọng nhất của bà Harris trong 20 năm qua khi vừa hỗ trợ tư vấn và tiền bạc, vừa thúc đẩy mở rộng hình ảnh của bà Harris trước công chúng.

Nguồn tin của NYT tiết lộ, bà Powell Jobs cũng chính là người tác động gián tiếp để ông Biden rút khỏi cuộc đua Tổng thống. Sau cuộc tranh luận thất bại của ông vào tháng 6, bà Powell Jobs đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với các nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ về khả năng ông Biden giành chiến thắng, sau đó chỉ thị cho trợ lý tổng hợp và gửi thăm dò ý kiến cho các nhà tài trợ khác. Chính những thông tin và dữ liệu này đã thúc đẩy các nhà tài trợ không tiếp tục ủng hộ ông Biden.

NYT đồng thời cho biết nhóm của bà Powell Jobs đã gửi cho các nhà tài trợ lớn khác danh sách 17 tổ chức ủng hộ Harris để họ có thể quyên góp, tạo cơ sở tài chính vững chắc cho chiến dịch của Phó Tổng thống.

Trong khi đó, Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành tại Meta và bà Harris bắt đầu trở nên thân thiết từ năm 2013, khi bà Sandberg viết thư cho bà Harris để tìm kiếm câu chuyện về những người phụ nữ quyền lực đã chứng tỏ được bản lĩnh.

Mối quan hệ lâu dài và thân thiện của bà Harris với bà Sandberg, cùng nhiều giám đốc điều hành hàng đầu trong giới công nghệ, kết hợp với các chính sách hợp lý, đã đưa bà trở thành lựa chọn hàng đầu của Thung lũng Silicon cho Nhà Trắng.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 13.

Không thể phủ nhận rằng dù quyết định “thay ngựa giữa dòng” của đảng Dân chủ diễn ra khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng là đến ngày bầu cử, nhưng bà Harris xuất hiện đã tạo ra một sự hưng phấn mới cho đảng và cục diện cuộc đua vào tháng 8 đã đảo chiều.

Có ý kiến giả định rằng, nếu cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 8 hoặc đầu tháng 9 thì bà Harris có cơ hội thắng rất cao.

Những nhà lãnh đạo trong đảng Dân chủ đã mỉm cười khi nghĩ đến việc đánh bại ông Trump bằng mộti nữ tổng thống đầu tiên sẽ có ý nghĩa như thế nào - một phụ nữ da màu, con của hai người nhập cư, một công tố viên và một ứng cử viên nói về niềm vui và nở nụ cười thay vì vẻ cau có. Việc bà Harris ứng cử đã khơi dậy trong đảng Dân chủ một cảm giác hy vọng hiếm gặp, CNN bình luận.

Nhưng một chiến dịch tranh cử quá ngắn ngủi, lại chưa đưa ra một chính sách nào cụ thể để giải quyết vấn đề quan tâm số 1 của người dân Mỹ là tình trạng kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao khiến bà Harris khó lòng có được chiến thắng trong lần này.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 14.

CNN dẫn lại câu trả lời của bà Harris trong chương trình phỏng vấn với The View của đài ABC để minh họa cho một trong những thử thách lớn nhất cho chiến dịch của bà Harris.

"Nếu có thể, bà sẽ làm gì khác biệt so với Tổng thống Biden trong 4 năm qua?", người đồng dẫn chương trình Sunny Hostin đặt câu hỏi.

“Chưa có điều gì xuất hiện trong đầu tôi”, bà Harris trả lời.

Ngay lập tức, nỗi lo lắng xuất hiện, thay thế cho sự phấn khích vào cuối mùa hè hay cuộc tranh luận trực tiếp vào tháng 9 mà hầu như mọi nhà quan sát chính trị đều thừa nhận rằng bà đã “trên cơ” đối thủ Donald Trump.

Ngày 28/6/2024, Tổng thống Biden kết thúc màn tranh luận với ông Donald Trump với một kết quả đáng thất vọng. Ông Biden liên tục vấp váp, giọng nói yếu ớt và liên tục thiếu mạch lạc trong buổi tranh luận. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ông quyết định rút khỏi cuộc đua khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng là đến ngày bầu cử.

Và bà Harris xuất hiện. Chỉ hơn một tháng sau, bà Harris đã tạo ra một thành tích chưa từng có khi nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết trước khi Đại hội đảng Dân chủ diễn ra và huy động được số tiền ủng hộ khổng lồ. Cách bà Harris xuất hiện giữa khủng hoảng sau cuộc tranh luận của ông Biden cũng tương tư như cách bà từng xuất hiện giữa khủng hoảng nhà ở tại bang California nhiều năm trước.

Chỉ có điều, lần này bà đã thất bại.

Màn thể hiện của Kamala Harris trong 4 tháng ngắn ngủi, dù mang lại sự phấn khích và củng cố niềm tin đáng kể cho đảng của bà, là không đủ để thuyết phục cử tri hành động theo thông điệp tham vọng mà bà lặp đi lặp lại: “Hãy bầu cho một thế hệ lãnh đạo mới”.

Ông Biden quyết định rút lui khỏi đường đua Tổng thống ở tuổi 81. Ông Trump, 78 tuổi, trúng cử ở nhiệm kỳ 2024, đồng thời cũng sẽ là nhiệm kỳ Tổng thống cuối cùng của ông. Có thể nói, trong 4 năm qua, sự thống trị của các chính trị gia “lão làng” cho thấy chính trị Mỹ đang thiếu một gương mặt đem lại làn gió mới.

Người đến giữa khủng hoảng Kamala Harris: Duyên nợ với nhà Biden, 48 giờ hoàn hảo và tham vọng dở dang- Ảnh 15.

Nhưng cánh cửa chưa khép lại với bà Kamala Harris. Phát biểu ngày 6/11, bà nhấn mạnh “Dù tôi thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử này, tôi không thừa nhận thất bại của cuộc tranh đấu đã thúc đẩy chiến dịch”.

Bà sẽ tiếp tục đấu tranh “theo một cách lặng lẽ hơn”, chờ đợi đến thời điểm chín muồi.

Và liệu bà Harris, trong tương lai, có thể rút ra những kinh nghiệm từ thất bại này để “trỗi dậy” thành công, như cách mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đã làm được?