Thời gian gần đây, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Cũng vì vậy mà loại hình livestream bán hàng dần trở nên phổ biến, khiến nhiều nghệ sĩ cũng phải nhập cuộc. Tuy nhiên, có người thành công, người lại vấp phải sự công kích của cư dân mạng.
Với vai trò là người đứng sau những phiên "chốt đơn" bạc tỷ, anh Lương Trọng Nghĩa - CEO Oscar Town, chuyên gia truyền thông, đại diện thương mại của Diệp Lâm Anh đã có những chia sẻ thú vị về xu hướng mới này. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, đại diện thương mại của Diệp Lâm Anh tiết lộ về giai đoạn nhiều "sóng gió" khi mới bắt đầu. Anh cũng đưa ra cái nhìn khách quan về việc nghệ sĩ Việt bị định kiến khi xuất hiện trước màn hình điện thoại để kêu gọi khán giả mua hàng.
"Diệp Lâm Anh từng sợ khán giả nghĩ mình hết thời mới đi bán hàng"
Trong giai đoạn đầu thuyết phục một nghệ sĩ như Diệp Lâm Anh chuyển sang con đường livestream buôn bán trên nền tảng mạng xã hội, anh có gặp khó khăn gì không?
Để thuyết phục Diệp Lâm Anh thật sự rất khó khăn bởi lẽ cô ấy là một doanh nhân, chẳng phải nói là giàu có nhưng thật sự không phải lo về tài chính. Nhưng khi mọi thứ đổ sập xuống với Diệp Lâm Anh, tôi đã đề nghị cô ấy bắt đầu livestream bán hàng, đây là công việc rất đáng tự hào, phù hợp với xu hướng bây giờ. Ngày xưa tôi đã chú ý đến livestream trên mạng xã hội và thấy đây là một tiềm năng lớn. Khi nghe tin bên Trung Quốc mỗi phiên livestream có thể bán hàng hoá bằng một trung tâm thương mại thì tôi nghĩ nó ảo, hoang đường nhưng khi bước chân vào rồi mới thấy đây là chuyện hoàn toàn có thật.
Quay lại vấn đề của Diệp Lâm Anh, lúc tôi đề nghị thì cô ấy còn chưa dùng TikTok. Diệp Lâm Anh bắt đầu chơi thử và thấy vui, sau đó chúng tôi bắt đầu phiên livestream đầu tiên. Tôi nhớ lần đầu mang về doanh thu khá tốt, khoảng hơn 2 tỷ đồng. Với một người đầu tiên livestream thì đây là một con số đáng mơ ước, các nhãn hàng bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của Diệp Lâm Anh. Khi chúng tôi chuẩn bị mở phiên tiếp theo thì Diệp Lâm Anh lấn cấn không muốn làm nữa. Diệp Lâm Anh từng nghĩ tại sao nghệ sĩ phải đi bán hàng, sợ khán giả nghĩ mình hết thời… Lúc đó, sự nhìn nhận của mọi người về việc sao Việt livestream bán hàng còn nhiều kỳ thị. Vì thế Diệp Lâm Anh trả lại các deal giảm giá cho nhãn hàng, không muốn làm nữa. Tôi và cả ekip đều buồn nhưng chỉ nói với Diệp Lâm Anh rằng thời gian sẽ có câu trả lời. Sau cùng chúng tôi thuyết phục được cô ấy mở thêm 1 vài phiên nữa và tự bản thân Diệp Lâm Anh bắt đầu đam mê, yêu thích và gắn bó đến tận bây giờ.
Anh có thể chia sẻ quy trình anh và ekip Diệp Lâm Anh chuẩn bị một phiên livestream bán hàng?
Một phiên livestream được chuẩn bị rất lâu, khoảng 2 tuần đến 1 tháng bởi chúng tôi rất kỹ càng. Trong một lần livestream tầm 30-40 mặt hàng, sẽ có những thứ đã có tiếng, được nhiều người tin dùng thì không nói làm gì, còn thương hiệu mới thì chúng tôi phải kiểm tra rất kỹ. Nhãn hàng phải gửi đồ cho bên tôi trước để ekip chia nhau ra test trên mặt của mình luôn. Chúng tôi không bán đồ có tính xâm lấn như lột mặt, thuốc uống vào người… còn sữa thì phải kiểm nghiệm kỹ. Chúng tôi phải là người trực tiếp thử sản phẩm, nếu an toàn với mình thì sẽ an toàn cho khách hàng. Cũng có lần, trợ lý livestream cùng Diệp Lâm Anh bị sưng vù mặt vì thử sản phẩm kém chất lượng.
Khi sản phẩm không có vấn đề, tôi mới quyết định nhận lời nhãn hàng. Chúng tôi có quy tắc không phải làm hợp đồng rồi mới kiểm tra hàng mà phải ngược lại, xong xuôi hết mới dám nhận lời livestream. Có nhãn hàng đã đề nghị trả vài trăm triệu cho một phiên livestream độc quyền kéo dài 2-3 tiếng nhưng chúng tôi không nhận vì nó không đáp ứng những yêu cầu về giấy tờ, chất lượng. Sau khi đã lên lịch livestream, chúng tôi sẽ phải quay thêm clip kêu gọi và quảng bá. Khi lên bán hàng, cũng phải chọn ekip quay đúng màu sắc sản phẩm, góc quay chân thực để mang đến cái nhìn tốt nhất cho khách hàng.
Công việc livestream bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, anh nghĩ đâu là rào cản khi nghệ sĩ nói chung quyết định dấn thân?
Ngày xưa đó là sự nhìn nhận không rõ ràng và có phần kỳ thị, mọi người nghĩ rằng đây là một nghề bán hàng dạo, có quá nhiều tai tiếng. Trước đây, livestream bán hàng thời trang là chủ yếu nhưng không đạt hiệu quả tốt nhất, bởi phải vừa bán vừa nghe điện thoại vừa đóng gói rồi chuyển hàng… Nhưng bây giờ nghệ sĩ chỉ việc livestream thôi, còn lại bán hàng và đóng gói sẽ có 1 ekip phía sau hỗ trợ.
Khi tiếp xúc với Diệp Lâm Anh, tôi thấy đây là người cực kỳ phù hợp vì sự duyên dáng, hoạt ngôn, thông minh và có khả năng nhớ được sản phẩm. Tôi nghĩ rằng Diệp Lâm Anh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên mở ra trào lưu livestream bán hàng văn minh. Ban đầu, cô ấy nói bản thân không thể bày trò bán hàng như các bạn khác, tôi khuyên hãy thể hiện những gì đúng con người mình nhất. Diệp Lâm Anh xây dựng hình ảnh người vừa có thể đại diện nhãn hàng, vừa là KOC và có thể trực tiếp bán sản phẩm… Chúng tôi quan điểm không bất chấp làm mọi chuyện điên rồ, ồn ào chỉ để bán được hàng.
Có nhiều ý kiến cho rằng nghệ sĩ livestream bán hàng là những người đã thất thế, tự làm giảm giá trị. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Đây là điều tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều khi quyết định động viên và đồng hành cùng Diệp Lâm Anh. Có một lần, Diệp Lâm Anh viết status cho con và có 1 câu: "Mẹ chỉ là một nghệ sĩ đi bán hàng trên mạng", tự dưng trong lòng tôi thương rất nhiều, bởi nó nghe thật sự đau lòng và chua chát. Khi đó tôi nhận ra chính Diệp Lâm Anh cũng chất chứa rất nhiều tâm tư khi quyết định lấn sân vào con đường này. Tôi đã phải nói với em ấy: "Em phải hoàn toàn tự hào, công việc này chính đáng, không vi phạm pháp luật và có thể truyền cảm hứng cho những người phụ nữ đã trải qua trắc trở trong cuộc sống".
Với một số nghệ sĩ tôi nhận ra họ đã thất bại vì nghĩ rằng khi thất thế mới tìm đến livestream bán hàng. Nghề nào cũng phải có sự tự hào, khi lựa chọn phải nghiêm túc tìm hiểu và đưa ra định hướng rõ ràng.
Anh có bao giờ lo ngại tiếng tăm của Diệp Lâm Anh sẽ bị ảnh hưởng nếu một nhãn hàng từng xuất hiện trong phiên livestream có vấn đề bị tố, phốt?
Tôi rất lo ngại vấn đề này, tôi sợ "một con sâu làm rầu nồi canh". Vì thế khi nhận sản phẩm chúng tôi phải kỹ vô cùng để tránh xảy ra những điều không mong muốn. Hôm trước Diệp Lâm Anh nói với tôi phải hạn chế nhận thương hiệu mới, chỉ livestream các nhãn hàng đã được công nhận. Nhưng cá nhân tôi nghĩ chúng ta cũng phải ủng hộ, động viên những thương hiệu mới của những bạn trẻ với điều kiện nó phải chất lượng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, chỉ cần nó tôn trọng sức khoẻ của khách hàng.
Theo anh, giữa livestream bán hàng và tham dự các sự kiện giải trí thì đâu là công việc mang lại thu nhập ổn hơn cho các nghệ sĩ Việt?
Tất nhiên cả 2 công việc này đều mang lại thu nhập cho các nghệ sĩ, nhưng liệu có nhiều sự kiện để đi không?
Livestream bán hàng là lao động thật sự của người nghệ sĩ, nó cần sự đầu tư nhiều về chất xám. Bạn phải đọc nhiều, thuộc công dụng và cách dùng của các sản phẩm mới có thể tự tin bán hàng. Công việc livestream khiến Diệp Lâm Anh ổn định kinh tế rất nhiều, hiện tại nó chiếm đa phần thu nhập.
Trong một bài phỏng vấn, Diệp Lâm Anh từng nói đạt doanh thu lên đến 4 tỷ đồng sau 1 phiên livestream. Thông thường nghệ sĩ sẽ nhận hoa hồng như thế nào trong tổng số 4 tỷ đó?
Mỗi phiên livestream phải đạt một mức tiền nhất định, đôi khi là 4-5 tỷ chẳng hạn, nhưng tình trạng trả lại hàng bom sẽ rơi vào khoảng 20-30%. Lợi nhuận được chi chỉ được tính trên phần hàng hoá đã được gửi đến tận tay khách hàng. Gần đây, các phiên livestream của Diệp Lâm Anh sẽ đạt trung bình khoảng hơn 2 tỷ đồng.
"Livestream bán hàng cũng là một cơ hội để Thuỷ Tiên đối diện với antifan"
Trong showbiz có trường hợp của Thuỷ Tiên, mỗi khi cô livestream bán hàng sẽ bị phản đối và công kích từ cư dân mạng, anh nghĩ sao về chuyện nhiều người cho rằng đời tư nghệ sĩ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả các phiên livestream?
Tôi nghĩ 2 vấn đề có sự liên quan, nếu nghệ sĩ được yêu thích thì mọi chuyện bình thường nhưng nếu người đó có antifan nhiều thì ekip cần phải ngồi lại để tính toán kỹ lưỡng. Antifan bây giờ có thể tìm đến tận nhãn hàng tấn công, đánh giá không tốt. Một người có sức ảnh hưởng luôn có 2 chiều dư luận, bạn phải chấp nhận điều đấy.
Về trường hợp của Thuỷ Tiên, nếu như livestream mà ra số doanh thu ổn định thì vẫn nên thực hiện tiếp, tôi chỉ sợ không có người mua. Nếu người ta chỉ tập trung vào việc bình luận phản đối mà không chốt đơn thì sẽ mất công, mất sức và ảnh hưởng đến tinh thần của nghệ sĩ. Tôi nghĩ livestream bán hàng cũng là một cơ hội để xây dựng lại hình ảnh nghệ sĩ trong mắt công chúng, như người ta hay nói khi giận nhau thì hãy gặp mặt trò chuyện thẳng thắn. Livestream cũng là một cơ hội để cô ấy đối diện với antifan, biết đâu sự chân thành sẽ cảm hoá được người khác, cứ kiên nhẫn đến một ngày nào đó mọi người sẽ hiểu.
Tôi cũng có mong muốn kéo những bạn từng gặp khủng hoảng về team của mình, bởi lẽ tôi tin ai cũng sẽ tốt dần lên. Chúng ta phải cho nhau cơ hội để phát triển chứ không nên dồn ai vào bước đường cùng.
Theo anh, nghệ sĩ khi muốn mở các phiên livestream trên các nền tảng mạng xã hội cần đáp ứng những điều kiện gì?
Tôi thấy có nhiều nghệ sĩ cũng muốn theo công việc này mà hiện tại chưa biết sẽ bắt đầu như thế nào. Không phải bạn sở hữu 1 cái điện thoại là có thể ngồi ở nhà mở phiên livestream được, bạn cần ekip chuyên nghiệp hỗ trợ về nhiều mặt như hình ảnh, quay phim, làm việc với nhãn hàng, quảng bá,... Khi cầm một sản phẩm lên giới thiệu với khách hàng và để họ lựa chọn mình thì cần đáp ứng nhiều vấn đề lắm chứ không đơn giản như mọi người nghĩ.
Anh đánh giá thế nào về xu hướng nghệ sĩ livestream bán hàng online trong thời gian tới, liệu nó có đi vào "bão hoà" như thị trường Trung Quốc khi ngày càng đông người lấn sân sang?
Khi hình thức bán hàng này phổ biến, chúng ta nhận ra các trung tâm thương mại đã bắt đầu vắng khách. Mọi sự phát triển sẽ gắn với thời đại, ví dụ như có wifi và điện thoại thông minh thì các hình thức điện thoại công cộng, điện thoại bàn phải thoái trào. Nhưng tôi nghĩ trong 5-10 năm tới thì livestream bán hàng vẫn là một xu hướng phát triển tốt, sau đó biết đâu sẽ có hình thức mới thay thế. Cách đây nhiều năm, chúng ta cũng đâu nghĩ hình thức livestream bán hàng được ưa chuộng như hiện tại.
Trong làng giải trí Việt, ngoài Diệp Lâm Anh anh nghĩ ai sẽ thành công nếu thử sức bán hàng trên livestream?
Tôi nghĩ rằng Hương Giang là người sẽ đột phá nếu đi theo con đường này. Giang là một người cực tiềm năng, em ấy bảo với tôi sẽ gia nhập thị trường này nhưng không phải bây giờ. Hương Giang cần có thời gian vì hiện tại cô ấy đang đầu tư và tập trung cho vai trò nhà sản xuất. Nếu Hương Giang đầu tư chuyên nghiệp để xuất hiện trên các phiên livestream sẽ cực kỳ thú vị, đáng trông chờ.
Diệp Lâm Anh nói gì về công việc livestream bán hàng?
Sau biến cố hôn nhân, Diệp Lâm Anh thử sức với công việc livestream bán hàng trên mạng xã hội và trở thành một trong những nghệ sĩ thành công trong lĩnh vực này. Nói về những trở ngại trong ngày đầu "chốt đơn", cựu người mẫu chia sẻ: "Khó khăn của tôi là vượt qua những nỗi ngại ngùng và thành kiến của chính mình về công việc livestream bán hàng trên mạng. Tôi từng có những suy nghĩ kiểu 'Mình là nghệ sĩ nhưng đi bán hàng thì có thật sự ổn không?'. Nhưng sau khi bước vào thế giới đó, tôi nhận ra suy nghĩ trước đó của mình là sai lầm. Đó là cả một thị trường rất rộng lớn, khác biệt có thể giúp có nguồn thu nhập rất tốt một cách đàng hoàng. Tôi bắt đầu thấy tiếc khi không lựa chọn nó sớm hơn".
Tất nhiên khi lấn sân sang lĩnh vực mới, Diệp Lâm Anh cũng e ngại những rủi ro có thể mắc phải, cô thẳng thắn nói: "Tất nhiên là có. Bởi vậy nên tôi và nhóm của mình có những nguyên tắc rất chặt chẽ liên quan tới việc livestream bán hàng. Ngoài việc ưu tiên cho các sản phẩm tới từ các thương hiệu lớn, chính hãng thì kiểm tra chất lượng sản phẩm là điều không thể thiếu. Còn các dòng sản phẩm mới ra mắt, tôi cần kiểm tra kĩ các giấy tờ công bố sản phẩm và thời gian dùng thử ít nhất 10 ngày".
Diệp Lâm Anh là nghệ sĩ chăm chỉ mở các phiên livestream và thu về doanh thu bạc tỷ
Là một người trong cuộc, Diệp Lâm Anh cũng đưa ra những đánh giá liên quan đến xu hướng nghệ sĩ livestream bán hàng: "Tôi nghĩ đó là chuyện nên làm của nghệ sĩ. Làm nghệ thuật không có nghĩa mình tách ra khỏi cuộc sống bình thường, mà ngược lại, khi có một công việc giúp ổn định kinh tế, nghệ sĩ sẽ thoải mái hơn để làm nghệ thuật. Tôi luôn ủng hộ các nghệ sĩ bước chân vào kinh doanh, bán hàng trên mạng, bởi tôi nghĩ họ là những người can đảm và thực tế.
Họ có thể ổn định được cuộc sống và thăng hoa cùng nghệ thuật, khi không còn nhiều những nỗi lo lắng, áp lực tiền bạc. Hiện tại, tôi có thu nhập rất tốt từ việc livestream bán hàng. Tôi nghĩ mình sẽ không thể làm được điều đó nếu không bước ra khỏi nỗi ngại ngần 'Nghệ sĩ mà đi bán hàng trên mạng'".