Với một tầng trệt và ba tầng trên, nhà ga sân bay Long Thành thiết kế dành nhiều diện tích cho không gian chung và cây xanh.
Báo cáo nghiên cứu khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành nêu sân bay này có hình ảnh hoa sen cách điệu, áp dụng vào thiết kế mái nhà ga, góc nhìn mặt chính và nội thất sảnh làm thủ tục hàng không.
Điểm nhấn của nhà ga là khu vực ô lấy sáng trung tâm tại vị trí làm thủ tục và ô thông tầng (từ tầng 3 xuống tầng 1), với thác nước nhân tạo và sân vườn, kết hợp ánh sáng tán xạ từ bên trên ô lấy sáng chiếu xuống.
Ông Đỗ Tất Bình - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin thêm, thác nước là điểm nhấn để nhà ga không bị đơn điệu, còn sân vườn giúp hành khách trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên khi chờ lên tàu bay.
"Các nhà ga hiện nay đều có khu vực làm thủ tục, cửa hàng chiếm phần lớn diện tích, khác với điều này, nhà ga sân bay Long Thành sẽ dành nhiều diện tích cho không gian chung và cây xanh", ông Bình nói.
Phối cảnh bên trong nhà ga sân bay Long Thành.
Nhà ga được thiết kế với hai cao trình đi và đến cách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng trên, chiều cao đỉnh mái 45 m. Tầng 3 là nơi làm thủ tục cho khách đi, khu vực xuất cảnh và kiểm soát an ninh/hải quan.
Tầng 2 gồm cửa hàng miễn thuế, quầy ăn uống với cảnh quan hài hòa khu vực trung tâm để thuận tiện cho hành khách trong quá trình di chuyển, mua sắm trước khi lên máy bay. Tầng 1 là khu vực khách đến, nối chuyến, nhập cảnh, nhận hành lý, cửa hàng miễn thuế...
Tầng trệt có sảnh đón tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, taxi, quầy ăn uống phục vụ hành khách, phòng khách VIP...
Cũng trong báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án phân chia khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất. Theo đó, sân bay Long Thành sẽ khai thác chặng quốc tế cho tất cả các hãng hàng không bằng các loại tàu bay với đường bay từ 1.000 km trở lên; tiếp nhận các chuyến bay mới khi sân bay Tân Sơn Nhất không còn năng lực tiếp nhận.
Lúc này, cảng hàng không Tân Sơn Nhất chỉ tiếp nhận khai thác quốc tế các loại máy bay mã C trở xuống (A321/A320, B737...) trên đường bay dưới 1.000 km. Với các đường bay nội địa, cả hai cảng hàng không đều phục vụ theo nhu cầu của từng hãng.
Báo cáo nghiên cứu khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ trong tháng 7; Hội đồng Thẩm định Nhà nước sẽ thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra báo cáo này và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2019.
Trước đó năm 2016, ACV đã tổ chức thi tuyển thiết kế nhà ga sân bay Long Thành. Phương án LT – 03 với ý tưởng hoa sen là một trong ba phương án đạt giải Nhất. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản thống nhất chọn phương án LT-03 của Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc).
Giữa năm 2018, ACV đã ký hợp đồng với tư vấn JFV (liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt) để thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn một sân bay Long Thành.
Theo Vnexpress