Khi ngày càng nhiều người muốn sở hữu các danh hiệu sắc đẹp để làm bàn đạp nhanh chóng tiến thân thì các cuộc thi nhan sắc cũng mọc ra ngày càng nhiều khiến CĐM lần nữa đặt ra câu hỏi, liệu hoa hậu có thật sự cần thiết đến mức tổ chức thi nhiều như thế không?
Trước đây, các cuộc thi nhan sắc phải do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Điều này là nguồn cơn dẫn đến việc vì sao chỉ trong thời gian ngắn ồ ạt các cuộc thi nhan sắc lần lượt diễn ra.
Phần lớn cho rằng tình trạng "ra đường gặp hoa hậu" khiến danh xưng này bị giảm uy tín. Khán giả thậm chí còn không nhớ hết tên các cuộc thi lẫn những người giành vương miện.
Chưa kể những ngày qua mạng xã hội xôn xao trước nhiều vụ lùm xùm liên quan đến phát ngôn của các người đẹp là hoa hậu, á hậu bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng Việt Nam. Cách đây ít ngày, á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 - Lê Thảo Nhi gây ồn ào khi bày tỏ sự tiếc nuối về việc bộ phim "Barbie" có cài cắm hình ảnh về "đường lưỡi bò" không được phát sóng ở Việt Nam.
Vụ việc khiến cộng đồng fan sắc đẹp Việt Nam nói riêng và dư luận nước nhà nói chung đều vô cùng bức xúc trước sự thiếu hiểu biết của nàng á hậu. Không bao lâu sau, hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi - người vừa đăng quang cuộc thi Miss World Vietnam 2023 đã liên tục hứng chịu những phản ứng trái chiều về những phát ngôn thiếu suy nghĩ, có tính tự kiêu, ngạo mạn.
Theo đó, hoa hậu Ý Nhi từng nhận xét bạn trai 6 năm trong một cuộc phỏng vấn rằng người này phải nhanh chóng thay đổi để theo kịp sự phát triển của cô. Vì hiện tại cô đã bước lên cương vị mới. Ngay sau đó, hoa hậu Ý Nhi lại tự đề cao mình khi so sánh với bạn bè đồng trang lứa trong một lần trả lời truyền thông:
"Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi dành thời gian ngủ, đi chơi, uống trà sữa hay đi cà phê thì tôi đã tham dự một cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa học vừa làm thì tôi đã trở thành hoa hậu".
Phát ngôn "vạ miệng" của Ý Nhi đã dẫn đến làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Hầu hết mọi người đều cho rằng Ý Nhi quá tự cao, kém tinh tế và hiểu biết khi phát biểu trước mọi người. Ngay lập tức, hoa hậu Ý Nhi đã phải livestream xin lỗi về câu nói thiếu suy nghĩ của mình. Người đẹp gốc Bình Định giải thích do cô "nói dài, nói dai" nên thành ra càng nói càng sai. Cô xin hứa sẽ rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn trong cách giao tiếp.
Không ít khán giả đặt ra câu hỏi liệu hoa hậu có thật sự cần thiết cho xã hội đến mức một năm tổ chức gần 30 cuộc thi?
Trên một diễn đàn về hoa hậu, tài khoản Hiếu Trường bình luận: "Thực sự tôi không hiểu các cuộc thi hoa hậu mở ra nhiều vậy để làm gì. Nếu chỉ mang tính chất giải trí thì 1-2 cuộc thi là đủ rồi. Bây giờ các danh xưng hoa hậu, á hậu, hoa khôi nhiều đến mức bội thực".
"Hoa hậu là cuộc thi tôn vinh nét đẹp phụ nữ nhưng đã biến tướng rất nhiều. Phần lớn các cuộc thi không đem lại lợi ích gì ngoài việc đánh bóng tên tuổi cho thí sinh và lợi nhuận cho các công ty giải trí", độc giả Nguyễn Tường Anh bình luận.
Ngược lại với những ý kiến không đồng tình với việc mở ra hàng chục sân chơi sắc đẹp trong nước, một số khán giả lại cho rằng nên đặt các cuộc thi hoa hậu như một ngành công nghiệp. Và lẽ tất yếu, ngành công nghiệp hoa hậu sẽ đi theo những quy luật phát triển của thị trường. Đối với những cuộc thi sắc đẹp kém chất lượng, thiếu uy tín, không có khán giả, không thu hút tài trợ, doanh nghiệp... dần dần sẽ tự đào thải.
Thực tế, không ai phản đối những cuộc thi hoa hậu, thậm chí còn ủng hộ những người đẹp hội tụ cả tri thức và nhan sắc đăng quang, tuy nhiên, cần phải hướng cái đẹp đến sự phát triển của xã hội và giúp ích cho đời thì cái đẹp ấy mới càng trở nên hoàn mỹ hơn nữa. Netizen chốt lại rằng, đừng vội "chạy" theo số lượng mà hãy tập trung vào chất lượng cho các cuộc thi sắc đẹp trong tương lai.