"Học sinh lớp 7 lên YouTube học chế pháo để… bán", "Vụ nổ nghi do tự chế pháo tại Đắk Lắk: Đã có 2 nạn nhân tử vong", "Hiểm họa khôn lường từ việc chế pháo nổ theo video trên YouTube",... là loạt tiêu đề báo chí đăng tải về những vụ tai nạn do tự chế pháo nổ trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023 mà nguyên nhân chủ yếu là do học theo các video, clip dạy chế pháo trên các nền tảng mạng xã hội.
Trên YouTube, không khó để tìm ra các video dạy cách chế pháo, thuốc nổ tại nhà. Chỉ cần gõ từ khóa "cách làm pháo" hoặc "làm pháo" là nhan nhản các video hướng dẫn được đề xuất với những tiêu đề như: "Làm pháo diêm chơi Tết", "Chế pháo tự nổ siêu mạnh", "Hướng dẫn làm pháo cực đơn giản, an toàn",...
Trên các diễn đàn mạng xã hội, dưới các bài viết, video chia sẻ về các sự việc học sinh, người trẻ tự chế pháo theo video trên YouTube dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhận được nhiều sự quan tâm từ dân mạng. Nhiều người lên tiếng chỉ trích, bày tỏ sự phẫn nộ vì video chứa nội dung mang tính nhảm nhí, không phù hợp với nhiều đối tượng công chúng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh khi có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình và xã hội.
Video nêu trên có tới 2,4 triệu lượt xem, chủ video này còn tự tin khẳng định "đảm bảo 100% pháo nổ" hướng dẫn chế pháo rất tỉ mỉ, chi tiết
Nhiều dân mạng còn bày tỏ vô cùng bức xúc vì những video kể trên được chia sẻ một cách công khai, không dán nhãn giới hạn độ tuổi xem cũng như cảnh báo nguy hiểm, với hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận, cổ vũ và hỏi về cách làm pháo. Bên cạnh đó, người dùng mạng ngang nhiên chia sẻ thú vui bị cấm, chỉ nhau nơi bán nguyên liệu làm pháo nổ. Những nội dung này đang tạo ra mối nguy cho xã hội, cho nhiều gia đình vào dịp Tết.
"Tôi tự hỏi việc đăng tải video này chẳng phải là hành vi hướng dẫn, cổ vũ cho việc sản xuất, chế tạo pháo nổ và hành vi đốt pháo nổ?", "Đã quá rõ ràng về nguy cơ, lẫn hậu quả mà các video này mang đến mà sao không cấm vậy", "Hãy có biện pháp để ngăn chặn các video này", "Không dám cho con xem YouTube nữa, nó như một cái bẫy chết người vậy", "Đây cũng là một dạng bạo lực, gián tiếp gây ảnh hưởng đến tính mạng đó",... là những bình luận của dân mạng.
Một học sinh bị thương do tự chế pháo nổ đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa
Gần đây nhất, vụ nổ do pháo tự chế tại Đắk Lắk đã khiến 2 trẻ nhỏ tử vong. Hai em còn lại được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, em N.M.T (12 tuổi) được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Liên quan đến tai nạn pháo nổ, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận nhiều nạn nhân trong thời gian qua. Các em có điểm chung là muốn khám phá, tự mua nguyên liệu trên mạng xã hội, tìm các video hướng dẫn để tự chế pháo.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… đối với hành vi sử dụng các loại pháo không được phép sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tùy vào mức độ, người vi phạm còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự, mức phạt cao nhất là tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.