Vợ chồng tôi đều xuất thân từ nông thôn, lên thành phố học tập rồi ở lại xin việc làm. Ra trường 4 năm, chúng tôi tiến tới hôn nhân.
Chồng tôi không phải là tuýp người lãng mạn, hay nói đúng hơn là khá khô khan. Ngay từ ngày còn yêu nhau, anh đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên, ưu điểm của anh là có đầu óc kinh doanh rất tốt. Vì vậy, dù mới đi làm nhưng thu nhập của anh rất cao.
Nói như thế không có nghĩa là tôi lấy anh vì tiền. Chúng tôi quen nhau từ nhỏ nên tôi hiểu bản chất con người anh. Tôi nghĩ, nếu chọn làm chồng, anh hoàn toàn có thể trở thành bờ vai vững chắc để mẹ con tôi dựa vào.
Quả thực, sau 7 năm lấy nhau, chồng tôi luôn là trụ cột kinh tế trong gia đình. Tôi là vợ anh đương nhiên không bị áp lực về cơm áo gạo tiền. Tôi làm văn phòng, lương chỉ mức khá nhưng bù lại tôi có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Chúng tôi mới có một bé trai năm nay vào lớp 1. Hai vợ chồng đang dự định sang năm sẽ sinh tiếp bé thứ hai.
Cũng giống như nhiều cặp đôi khác, vợ chồng tôi cũng không tránh được những mâu thuẫn, cãi vã, bất đồng quan điểm sống. Mới đây nhất là trận cãi vã liên quan đến việc tặng quà cô giáo của con dịp 20/11. Nó khiến tôi rất ức chế với tư tưởng của chồng.
Chẳng là mọi năm, khi con còn học mầm non, vào dịp 20/11 tôi hay gửi mỗi cô một "phong thư" coi như là tấm lòng cảm ơn dành cho các cô đã chăm sóc con mình. Năm nay, con vào lớp 1 trường công, môi trường mới, bạn bè mới và còn nhiều điều bỡ ngỡ. Ngay từ khi con nhận lớp, tôi rất hay hỏi han cô chủ nhiệm tình hình học tập của con và cô cũng rất nhiệt tình chia sẻ. Vì vậy, dịp này tôi muốn tri ân cô bằng món quà giá trị một chút.
Tuy nhiên, vừa nghe tôi muốn tặng cô quà đắt tiền, chồng liền nhăn mặt. Anh nói việc quà cáp chỉ là thể hiện tấm lòng. Mua một bông hoa là được. Không thì tặng cô phong bì 200 nghìn như mọi năm. Cần gì bày vẽ cho rườm rà, phức tạp.
Không những thế, chồng còn nói trước đây, con còn bé, các cô mầm non phải đút cho ăn, thay tã bỉm, ru ngủ, tặng quà còn chấp nhận được. Giờ con đã học lớp 1, tự ăn, tự ngủ, tự đi vệ sinh, cô đâu vất vả gì mà phải quà cáp sang trọng lịch sự làm gì.
Chồng nói tôi cứ a dua, chạy theo phong trào quà cáp như thế sẽ dần sinh ra chuyện không công bằng trong lớp học. Thậm chí anh ta còn nói nhiều nhà hoàn toàn nói không với phong bì, quà cáp cho thầy cô mà con vẫn học giỏi, vẫn lên lớp đều, có ai bị đúp bao giờ đâu.
Không đồng nhất được quan điểm nên tôi và chồng hoãn không bàn chuyện đó nữa. Nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu không chọn được món quà ưng ý thì sẽ đi phong thư nhưng giá trị hơn một chút.
Tuy nhiên, điều khiến tôi bất ngờ là tối qua khi đi làm về, chồng để trước mặt tôi một túi quà và nói tôi mang tặng cô giáo của con. Nói xong, anh còn thêm câu "chắc chắn cô sẽ thích".
Tò mò về món quà của chồng, tôi bỏ ra xem thì vô cùng ngạc nhiên khi đó là một lọ thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam giới. Tôi hỏi chồng có nhầm không, cô chủ nhiệm lớp con là nữ, tại sao lại tặng tăng cường sức khỏe cho nam giới thì nhận được câu trả lời khiến tôi đứng hình.
"Nhầm là nhầm thế nào. Em chưa nghe câu "một người khỏe, hai người vui" bao giờ à. Tặng món quà này đảm bảo độc, lạ, không ai giống mình. Có khi cô còn quay lại cảm ơn ấy chứ", chồng tôi nói với vẻ rất đắc chí.
Và điều khiến tôi bất ngờ hơn là chồng nói lọ thực phẩm chức năng này anh ta được tặng trong một chương trình giới thiệu sản phẩm từ năm ngoái, vẫn còn gần 1 năm hạn sử dụng. Giờ đem mang tặng cho chồng cô giáo dùng, tiện cả đôi đường, vừa đỡ phí của vừa tiết kiệm được một khoản tiền mua quà.
Thú thật khi nghe chồng nói vậy, tôi không còn từ gì để diễn tả sự thất vọng với suy nghĩ của chồng. Ai đời ngày Nhà giáo Việt Nam, chồng nói tôi đem tặng cô lọ thực phẩm tốt cho sinh lý nam giới, lại còn sắp hết hạn thì tôi không hiểu cô giáo của con sẽ nghĩ tôi là người như thế nào. Tôi còn mặt mũi nào mà gặp hay hỏi han, trao đổi gì với cô về tình hình học tập của con thêm nữa.
Khi tôi cương quyết không đồng ý với món quà mà chồng mang về và nói sẽ mua món quà khác hợp lý hơn, anh ta tỏ vẻ giận dữ ra mặt nói tôi không biết tiết kiệm, chi tiêu phung phí. Tôi vì quá ức chế nên cũng nói lại chồng. Vậy là giữa chúng tôi đã xảy ra một trận cãi vã lớn.
Tôi không nghĩ chồng lại là con người chi li, tính toán như vậy. Rõ ràng, việc chồng ép tôi mang món quà tế nhị kia tặng cô giáo trong ngày hiến chương các nhà giáo là rất quá đáng nhưng anh ta lại vẫn cho rằng mình đúng. Tôi nên làm thế nào cho chồng hiểu và bớt bắt tôi làm những việc oái oăm tương tự?