Để một hành tinh duy trì sự sống, nó phải có vật chất hữu cơ được tạo thành từ các nguyên tố carbon, hydro, nitơ, oxy, phốt pho và lưu huỳnh. Chính các nguyên tố này kết hợp tạo ra các phân tử hữu cơ cần thiết cho sự sống trên Trái đất và các hành tinh khác.
Vậy nhưng làm thế nào những nguyên tố này được chuyển đến các hành tinh?
Sao chổi có thể tiết lộ bí mật tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ. (Ảnh: NASA /SOFIA /Lynette Cook)
Theo các giả thuyết lịch sử, Trái đất từng bị bắn phá từ các tiểu hành tinh, sao chổi và các vật thể vũ trụ khác. Có quan điểm cho rằng, sao chổi chính là “ứng cử viên sáng giá” mang nước và các phân tử cần thiết để hình thành sự sống cho Trái đất.
Giờ đây, các chuyên gia thuộc Viện Thiên văn học của Đại học Cambridge phát hiện, sao chổi có thể làm điều tương tự đối với các ngoại hành tinh xa xôi.
Để giải mã, các chuyên gia phát triển mô hình toán học, chứng minh về mặt lý thuyết sao chổi có thể cung cấp các khối xây dựng sự sống cho các ngoại hành tinh.
Theo nhóm chuyên gia, sao chổi chứa nhiều loại phân tử cần thiết cho sự sống, nhưng nó chỉ phân phối các phân tử này cho các hành tinh theo một số trường hợp nhất định.
Họ cho rằng, nếu sao chổi di chuyển đủ chậm ở mức dưới 15 km/giây, khi đâm vào bề mặt hành tinh, nó sẽ mang lại các phân tử sự sống nguyên vẹn.
Còn nếu sao chổi di chuyển nhanh hơn mức trên, khi va chạm vào hành tinh các phân tử thiết yếu sẽ không thể tồn tại, vì tốc độ cao và nhiệt độ sản sinh khi va chạm sẽ khiến chúng vỡ ra.
Nơi lý tưởng để sao chổi dễ dàng di chuyển chậm, bảo toàn các phân tử sự sống đó là hệ thống các ngoại hành tinh quay quanh. Các ngoại hành tinh này có khối lượng thấp quay quanh sao chủ giống như Mặt trời.
Trong một hệ thống như vậy, sao chổi có thể bị hút bởi lực hấp dẫn của các ngoại hành tinh, len lỏi qua quỹ đạo của các ngoại hành tinh, khiến nó di chuyển chậm hơn trước khi va chạm.
Nguồn: Space/Newsweek