Những cuốn sách chứa đựng sự cao cả trân quý của nghề giáo

Nghề thầy giáo là nghề cao quý, có rất nhiều những bài thơ, áng văn về nghề giáo. Dưới đây là những cuốn sách nổi tiếng nói về nghề giáo.

Tôi học đại học - Nguyễn Ngọc Ký

Tôi học đại học là cuốn tự truyện của nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người thầy được rất nhiều người kính trọng bởi nghị lực phi thường. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ năm 4 tuổi nhưng với tinh thần ham học Nguyễn Ngọc Ký đã tập viết bằng chân.

Nguyễn Ngọc Ký đã hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa ngữ văn năm 1970. Sau đó trở thành Nhà giáo ưu tú năm 1992 và cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân. Từ nhiều năm nay, hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành tấm gương hiếu học cho nhiều thế hệ. Cuộc sống và nghị lực của thầy đã được đưa vào sách giáo khoa như cuốn Em Ký Đi Học (sách tập đọc lớp 3 từ 1964-1983).

Những tấm lòng cao cả - nhà văn Ý Edmondo De Amicis

Cuốn sách ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 19 nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt đối với ngành giáo dục. Qua trang nhật ký của cậu học trò Enrico, ta bắt gặp hình tượng những người thầy vừa gần gũi, thân quen, vừa đáng kính trọng.

Đó là thầy hiệu trưởng cao lớn, đầu hói, râu dài, ăn mặc rất chỉn chu nhưng lại rất hiền. Với những học sinh mắc lỗi, thầy chỉ "nắm lấy tay học trò, dịu dàng khuyến khích, giảng giải cho họ phải cư xử như thế nào" và kết quả là "thường thường thì học sinh hối hận vì lỗi lầm của mình và sẽ không mắc lại nữa".

Hành động ấm áp ấy khiến "ra khỏi phòng của thầy, học sinh đều rơm rớm nước mắt, và hổ thẹn hơn là bị phạt". Sau khi đứa mất đứa con trai, thầy Hiệu muốn nghỉ hưu nhưng thầy lại thấy đau khổ khi phải chia tay học sinh của mình nên thầy chần chừ mãi và rồi đã phải xé lá đơn xin từ chức đi và tiếp tục ở lại trường.

Người thầy - Frank McCourt

Người thầy của Frank McCourt đã thực sự mang đến những thay đổi và ảnh hưởng mạnh mẽ với học trò của mình. Ông không ngại đem cả sách nấu ăn trong giờ học sáng tác hay ra đề cho cả lớp viết thư xin lỗi chúa trời thay cho Adam hoặc Eva, cho đến những chuyến trải nghiệm thực tế bổ ích.

Những giờ học của ông luôn rộn ràng và tràn đầy năng lượng như thế. Mặt khác, McCourt còn khéo léo truyền tải những thông điệp đan cài về cuộc sống, về sự nhường nhịn lẫn nhau trong từng bài giảng.

Bằng giọng văn hóm hỉnh, văn phong táo bạo, chân thực và có sức lay động lòng người, McCount đã đem tới cho người đọc một cuốn tự truyện chân thực và đầy giá trị. Năm 1976, ông được phong danh hiệu Nhà giáo của Năm, danh hiệu cao quý của một nhà giáo Mỹ.

Totochan - Cô bé ngồi bên cửa sổ

Trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi có phòng học được làm từ những toa tàu đã cũ. Ở đây, học sinh được chọn môn học theo ý thích của mình, được thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, khi học xong bài còn được cô giáo cho đi dạo. Thầy hiệu trưởng Kobayashi luôn khuyến khích các em nói lên điều mình muốn, ông luôn sẵn sàng lắng nghe những ý nghĩ đó.

Thầy còn chăm lo đến từng bữa ăn của học sinh, khuyến khích các em tham gia các hoạt động phát triển thể chất, nhìn ra thế mạnh của từng em và khuyến khích chúng... Nhờ phương pháp giáo dục "mở" này, học sinh Tomoe đều trở thành những người thành đạt trong xã hội.

Trong lời kể ngây thơ của cô bé Tottochan, thầy hiệu trưởng hiện lên như một người cha nhân từ. Sau này, tác giả Tetsuko Kuroyanagi đã chia sẻ: "Nếu không học ở Tomoe, nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác 'đứa bé hư' mà mọi người gán cho".

Ba người thầy vĩ đại - Robin Sharma

Jack gặp ba người thầy trên đường là một vị thánh, một người lướt sóng và một nữ CEO. Họ đều có những sở trường, quan điểm và cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Nhưng mỗi người lại dạy cho anh chàng Jack một bài học đắt giá. Jack học đường rằng, con đường anh đang đi tìm không đâu xa mà chính là nơi trái tim mình. Và trên hết, cuốn sách này cũng là một người Thầy thú vị dành cho những người đang khao khát đi tìm hạnh phúc đích thực.

Cuốn sách là ba câu chuyện lớn hư cấu nhưng lại cực kỳ gần gũi và ý nghĩa. Tác giả Robin Sharma vẽ lên chân dung họ dựa vào những chất liệu rất thực tế là những vấn đề con người gặp phải hằng ngày. Mở đầu, người đàn ông có tên Jack Valentine không hề thỏa mãn với cuộc sống thực tại mà vất vả, tự mò mẫm kiếm tìm con đường hạnh phúc của chính mình.

Trên bục giảng - Brad Cohen và Lisa Wysocky

Để chữa lành vết thương của chính mình, Brad nuôi ước mơ trở thành thầy giáo - một hình mẫu giáo viên chân chính mà anh luôn mường tượng. Đó là người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn nâng đỡ tâm hồn học trò.

Muốn hiện thực hóa điều đó, Brad đã phải trả qua hành trình gian nan, đầy rẫy chông gai. Sau nhiều năm, Brad cũng chạm tới ước mơ của mình. Năm 2006, cuốn sách mang tên Trên bục giảng của anh giành giải thưởng sách giáo dục dành cho những nhà xuất bản tự do. Cuộc đời của anh cũng trở thành chủ đề cho bộ phim của hãng Hallmark Hall of Fame.

Viết lên hy vọng - Erin Gruwell và Những nhà văn tự do

Vào năm 1994, Erin Gruwell - một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng - về dạy tại trường Trung học Wilson, Long Beach, California. Như nhiều giáo viên mới ra trường khác, cô phải đương đầu với một lớp học toàn những học sinh cá biệt, những thành phần "hết thuốc chữa" và vô cùng "nguy hiểm". Ban đầu, gần như cả lớp đều tỏ thái độ chống đối cô bằng những trò quậy phá, đánh nhau trong lớp, trốn tiết… nhưng cô vẫn không đầu hàng. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất và cô hạ quyết tâm các học sinh "hết thuốc chữa" của mình phải có được cơ hội giáo dục bình đẳng như tất cả mọi người.