Những đứa trẻ ngỗ nghịch mới có năng lực tiến xa và thành công trong cuộc sống

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặc điểm tính cách và hành vi của mỗi người từ những năm đầu đời có thể giúp dự báo năng lực kinh tế của họ ở tuổi trưởng thành. Người xưa cũng có câu "Tam tuế khán lão", hàm ý rằng tính cách thể hiện tuổi lên ba cũng phần nào cho thấy sự phát triển sau này của mỗi người.

Có một câu chuyện vui được lưu truyền trong giới sư phạm: hiệu trưởng gọi giáo viên mới về trường lên và căn dặn: Khi học sinh làm bài kiểm tra, hãy lưu ý đến điểm số. Cần phải đối tốt với trò được điểm loại A, vì đứa bé đó sau này có thể trở thành nhà khoa học, có đóng góp cho nước nhà. Cũng cần phải đối tốt với học trò được điểm B, vì trò đó có thể sẽ ở lại trường và làm đồng nghiệp với anh. Càng cần đối tốt với học trò được điểm C, vì tương lai sau này trò đó có thể trở thành một doanh nhân, sẽ quay trở lại quyên góp cho trường. Với đứa trẻ nào gian lận thi cử, càng cần phải lưu tâm đến nó, bởi vì không chừng sau này nó sẽ trở thành một tay xuất chúng.

Đây chỉ là một câu chuyện vui, nhưng cũng cho thấy một thực tế: trẻ có tư chất khác số đông dễ trở thành những người đặc biệt.

Trẻ cứng đầu, bướng bỉnh khi lớn lên thường thích sự cạnh tranh, không ngại yêu cầu thăng chức, tăng lương, thậm chí không sợ việc xúc phạm người khác. Do vậy, cậu ta dễ có thu nhập cao hơn. Ảnh: ecccgallatin.

Trẻ cứng đầu, bướng bỉnh khi lớn lên thường thích sự cạnh tranh, không ngại yêu cầu thăng chức, tăng lương, thậm chí không sợ việc xúc phạm người khác. Do vậy, cậu ta dễ có thu nhập cao hơn. Ảnh: ecccgallatin.

Bạn thử dự đoán, trong một tập thể sinh viên, đối tượng nào sẽ kiếm được tiền nhiều nhất sau khi ra trường? Sinh viên có điểm cao nhất? Hay người nhút nhát nhất? Hay sinh viên "bất trị" nhất? Nếu các nhà khoa học trả lời bạn rằng: Chính là những trẻ bất trị, ngỗ ngược nhất, bạn có tin không?

Theo một nghiên cứu kéo dài 40 năm được công bố trên Journal of  Developmental Psychology, những sinh viên nổi loạn nhất khi còn dưới mái trường đại học lại là đối tượng có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với các bạn bè đồng trang lứa.

Nghiên cứu này bắt đầu từ năm 1968, khi các nhà khoa học theo dõi 745 học sinh lớp 6 và tiến hành đo chỉ số IQ cũng như theo dõi hành vi thông thường và tình trạng kinh tế xã hội của những đứa trẻ 12 tuổi này. Sau 40 năm, họ thăm lại những học sinh đó và thấy rằng, phần lớn học sinh chăm chỉ, cần mẫn đều có thu nhập khá, cuộc sống tốt. Tuy nhiên, họ không phải là những người giàu nhất.

Về góc độ thu nhập, những người giàu nhất lại là những đứa trẻ năm xưa nghịch ngợm, luôn vượt quy tắc, chống lại thẩm quyền của giáo viên khi còn đi học. Nhưng cuối cùng, chúng lại là những người vượt trội về kinh tế so với bạn bè đồng trang lứa.

Có thể bạn cho rằng những đứa trẻ nghịch ngợm này thông minh hơn, hoặc chúng sinh ra trong gia đình có tiền? Sau khi loại trừ các yếu tố như IQ, trình độ kinh tế xã hội gia đình, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các đặc điểm tính cách "nổi loạn, ngỗ ngược" vẫn là chỉ số tốt nhất để dự đoán thu nhập sau 40 năm. Nghiên cứu chỉ rõ: Những đặc điểm và hành vi tính cách của trẻ có thể dự đoán trình độ kinh tế của người đó ở tuổi trưởng thành.

Một nghiên cứu khác được công bố trên Journal of Personality and Social Psychology cho thấy những người sống hòa thuận với người khác trong môi trường tập thể sẽ có thu nhập thấp hơn so với những người dễ nổi loạn trong cộng đồng.

Một nghiên cứu "dài hơi" khác - là dự án Illinois Valedictorian kéo dài 10 năm cũng chỉ ra một thực tế, những người được chọn để đọc các bài phát biểu ở trường học có ít khả năng trở thành triệu phú, so với bạn bè. Mặc dù đạt được điểm cao trong các kỳ thi ở trường, thậm chí có thể có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, họ lại không phải đối tượng có được thu nhập cao nhất.

Vậy tại sao những đứa trẻ ít nghe lời nhất lại kiếm được nhiều tiền nhất?

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Luxembourg, Đại học Illinois tại Urbana và Đại học Tự do Berlin (Freie Universitaet) đã đưa ra một số đánh giá. Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, những người không vâng lời, dễ nổi loạn thường thích sự cạnh tranh, không ngại yêu cầu thăng chức, tăng lương, thậm chí không sợ việc xúc phạm người khác. So với các mối quan hệ giữa các cá nhân, họ coi trọng lợi ích cá nhân và yếu tố lợi nhuận.

Laura Markham, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Columbia đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ đặc biệt bướng bỉnh có khả năng tự khuyến khích bản thân nhiều hơn những bé khác, chúng còn có một "la bàn" trong tư duy, giúp dễ dàng thành người lãnh đạo và không bị hòa trộn giữa những người khác: "Họ sẵn sàng tìm hiểu mọi thứ, thay vì dễ dàng chấp nhận ý kiến của người khác, nhờ thế, họ phát triển bản thân không ngừng".

Bill Gates năm 19 tuổi bị bắt vì lái xe không có giấy phép. Ảnh: Imgur.

Bill Gates năm 19 tuổi bị bắt vì lái xe không có giấy phép. Ảnh: Imgur.

Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates, người lọt top giàu nhất thế giới trong suốt 13 năm liên tiếp là một ví dụ điển hình. Năm 11 tuổi, Bill Gates đã không ngừng khiến cha mẹ mình đau đầu. Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, Bill Gates thừa nhận rằng có những giai đoạn ông không tuân phục điều cha mẹ nói, kể cả việc dọn phòng hay ăn uống đúng giờ. Năm 12 tuổi, ông cãi lại mẹ, và đổi lại, bị lãnh một chiếc cốc vào mặt từ cha. Gates cho biết: "Tôi luôn cạnh tranh với bố mẹ để có thể trở thành ông chủ". Năm 19 tuổi, ông còn bị bắt vì lái xe quá tốc độ, không có giấy phép.

Bên cạnh đó, tính khí "làm theo cách của mình" của những người bướng bỉnh, ngỗ ngược cũng phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của nhiều công ty thành công, nhất là khi người đứng đầu của công ty cũng là nhân vật sẵn sàng chấp nhận rủi ro, làm những việc mà người bình thường không thể làm, dám từ chối những điều kiện không tốt cho họ.

Tuy vậy, trẻ ngỗ nghịch hay dễ nổi loạn không đồng nghĩa với nhóm trẻ hung hăng, hay thích gây hấn, ưa bạo lực. Đây là nhóm trẻ có khả năng tập trung thấp, khi lớn lên thu nhập thường thấp hơn trung bình. 

Nếu con cái của bạn là một đứa trẻ nghịch ngợm, nghiên cứu này có thể khiến bạn thấy dịu lại đôi chút. Tuy nhiên, việc nuôi dạy một đứa trẻ nghịch ngợm hoàn toàn không dễ dàng. Trong mọi trường hợp, nền tảng của sự vâng lời nên là sự hợp lý, chứ không phải là vâng phục mù quáng và những hình phạt. Thay vì đàn áp bản chất của trẻ, tốt nhất là nên chuyển hướng năng lượng của con đúng nơi phù hợp. Nên khuyến khích con hướng tới các hoạt động dựa trên sở thích của chúng, giúp con thể hiện tốt nhất những thế mạnh của mình.