Những kỹ năng tối thiểu cần có khi chọn làm công việc của một freelancer

1. Tâm lý vững vàng

Với ưu thế tự do về không gian và thời gian, các công việc freelance đang được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, để có thể thành công, freelancer cần trang bị những kỹ năng sau.

Muốn trở thành freelancer (freelance là người làm nghề tự do, thường là cộng tác viên thời vụ cho các cơ quan, tổ chức), bạn phải chuẩn bị tâm lý, xác định rõ ràng xem mình có thích hợp không và đây có phải là điều bạn thực sự mong muốn. Bởi lẽ khi quyết định làm tự do, bạn sẽ không có đồng nghiệp chia sẻ và gắn kết lâu dài trong một môi trường nhất định, không có công ty, cơ quan chủ quản hỗ trợ bạn.

Bạn sẽ một mình đối diện và giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh trong phần việc của mình. Bên cạnh đó, thời gian và không gian làm việc không cố định sẽ khiến mọi người thắc mắc về công việc của bạn. Và nếu bạn vui vẻ trả lời không chút hoang mang hay phiền toái, điều đó có nghĩa là bạn đã sẵn sàng trở thành một freelancer.

2. Khả năng làm việc độc lập

Cùng với kỹ năng quản lý thời gian tốt, để có thể trở thành các freelancer thành công, bạn cũng cần trang bị kỹ năng làm việc độc lập tốt. Cụ thể là bạn cần chủ động trong tất cả các khâu từ nghiên cứu tài liệu, tìm ý tưởng, lên kế hoạch đến thực hiện để có thể hoàn thành các công việc đúng thời gian cũng như chất lượng.

Đôi khi bạn cần phải trở thành “vị sếp khó tính” của chính mình để có thể tự đưa ra các tiêu chí cho bản thân nhằm đảm bảo hiệu quả công việc. Bạn cũng gần như là một đồng nghiệp của chính mình để tự đặt ra câu hỏi và trả lời bởi việc phối hợp với bên thuê bạn sẽ ít ỏi hơn nhiều so với công việc full-time.

3. Tìm kiếm nhiều nguồn công việc khác nhau

Bạn thuộc tuýp người thích có việc luôn để làm nhưng nếu không may công việc, các dự án... không đều, khi thì có rất nhiều việc, khi thì không có việc thì phải làm sao? Vậy thì bạn cần đảm bảo mình không nản chí khi công việc thất thường, không ổn định. Ngoài ra, bạn phải luôn tìm kiếm các cơ hội cộng tác từ nhiều nguồn khác nhau để công việc luôn đến, tránh các khoảng thời gian trống kéo dài lâu.

4. Thu xếp tài chính khi thu nhập không ổn định

Bạn nên cân nhắc vấn đề tài chính thật kỹ trước khi trở thành freelancer vì đặc điểm của công việc này là không đảm bảo nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, khách hàng có thể trả tiền không đúng hẹn... Do đó, bạn cần lường trước tình huống này để đảm bảo mình có đủ tiền trang trải các chi phí cần thiết khi chưa nhận được thù lao.

5. Tự lo chế độ phúc lợi

Đôi khi bạn sẽ cảm thấy thiệt thòi khi làm freelancer vì không có bất kỳ chế độ lương thưởng hay đãi ngộ nào khác. Nhân viên chính thức thông thường sẽ nhận được các niềm vui trong dịp đặc biệt còn freelancer thì không.

Các dịp như lễ tết, sinh nhật... bạn sẽ không nhận được bất kỳ thứ gì bởi bạn chỉ là một cộng tác viên. Tuy nhiên, bạn là sếp của chính bạn nên phần thưởng cho tất cả những dịp đó bạn có thể tự tặng cho chính mình tùy vào khả năng.

6. Gác lại cơ hội thăng tiến

Nếu bạn gắn bó toàn tâm với một công ty nhất định thì dễ phấn đấu để tìm kiếm cơ hội thăng tiến, nhưng một khi đã làm freelancer thì bạn sẽ phải bận rộn với việc hoàn thành sản phẩm đúng hạn và nhận tiền. Cơ hội thăng tiến của bạn lúc này hầu như là không có, ngoại trừ bạn xác định rõ mình sẽ rèn luyện được các kỹ năng gì khi quay trở lại làm nhân viên chính thức sau này hoặc để tự đứng ra thành lập công ty trong tương lai.

Như vậy, công việc freelance tuy tự do nhưng cũng khá nhiều áp lực và thách thức vì tương lai của chính bạn. Tuy nhiên, chỉ cần bạn chủ động và linh hoạt trong việc sắp xếp các phần việc cũng như thời gian thì chắc chắn đây sẽ là một công việc hoàn hảo dành cho những ai đam mê nó.

Theo Tiin.vn