Theo một cuộc khảo sát, chỉ có 14% các cặp vợ chồng ngủ riêng mỗi năm. Và măc dù rất nhiều người trong chúng ta tin rằng việc các cặp vợ chồng ngủ riêng có thể tạo ra khoảng cách và sự lạnh nhạt giữa hai người, nhưng vẫn có những nghiên cứu cho thấy ngủ riêng đôi khi lại là yếu tố giúp mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc hơn.
Rõ ràng việc ngủ chúng hay ngủ riêng không có đúng hay sai, bởi vì đối với một số người, việc ngủ riêng giúp họ cảm thấy tốt hơn, còn với một số người ngủ chung mới chính là chân ái. Tuy nhiên, nếu các bạn cảm thấy việc ngủ chung có thể gây trở ngại với giấc ngủ hoặc sức khỏe của một trong hai, thì cân nhắc đến việc ngủ riêng là một ý kiến không tồi, vì những lý do sau:
Một đêm mất ngủ có thể khiến những người yêu nhau trở nên xa cách
Theo nghiên cứu, nếu ngủ chung giường với một người thường xuyên trở mình hoặc mất ngủ, có thể bạn sẽ ngủ không đủ giấc. Và nếu một trong hai ngủ không ngon vì người còn lại, thì chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn, cho dù cả hai đang yêu đương mặn nồng.
Trên thực tế, nghiên cứu thậm chí còn khẳng định rằng xung đột xảy ra thường xuyên ở những cặp vợ chồng thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc hơn cặp vợ chồng có chất lượng giấc ngủ tốt. Hơn nữa, những người ngủ đủ và ngon giấc thường có tâm trạng tốt, ít căng thẳng và kiên nhẫn hơn.
Nổi cáu vì bạn đời làm mình mất ngủ khiến tình cảm rạn nứt
Ngáy, trằn trọc, nghiến răng, mộng du…chỉ là một vài trong số rất nhiều lý do tại sao một số cặp vợ chồng chọn ngủ trên riêng giường, hoặc thậm chí ngủ riêng phòng. Nếu bạn phải nằm thức bên cạnh người bạn đời vừa ngáy, vừa trở mình liên tục, trong khi bạn phải vật lộn để ngủ, chắc chắn sẽ nảy sinh tâm lý căng thẳng, khó chịu và thậm chí tức giận.
Theo Jennifer Adams, tác giả cuốn sách Sleeping Apart Not Falling Apart, ngủ trong phòng riêng có thể giúp củng cố mối quan hệ vì cả hai đều không bị thiếu ngủ.
Mỗi người có thể điều chỉnh thói quen giấc ngủ để phù hợp với sở thích cá nhân của mình
Bạn là một cú đêm, còn đối phương thích đi ngủ sớm, hoặc đối phương thích “dậy sớm để thành công”, còn bạn chỉ muốn ngủ nướng mỗi ngày, hay đôi khi bạn muốn có âm thanh để ru ngủ, còn người ấy chỉ muốn thật yên tĩnh…Nếu cả hai có sở thích và điều kiện giấc ngủ khác nhau, thì tốt hơn hết cả hai nên ngủ phòng riêng, thay vì cố gắng điều chỉnh để phù hợp với giờ giấc và thói quen sinh hoạt của người còn lại.
Nếu bạn cố gắng dung hòa với thói quen và điều kiện giấc ngủ của đối phương nhưng bất thành, những hoạt động ban ngày, sức khỏe tâm lý và thể chất và mức độ hài lòng về mối quan hệ hôn nhân của bạn sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Việc cố gắng thỏa hiệp với nhau về giờ giấc và thói quen sinh hoạt thường rất khó khăn, và có thể khiến mối quan hệ trở nên bế tắc.
Ngủ phòng riêng đồng nghĩa với việc cả hai sẽ có không gian của riêng mình, nơi bạn có thể thư giãn sau một ngày mệt mỏi. Bằng cách này, cả hai có thể thỏa mãn nhu cầu của mình mà không phải lo lắng liệu đối phương có bị tỉnh giấc hay không.
Giấc ngủ bị xáo trộn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tổng thể của bạn
Trong đêm, não của chúng ta quay vòng qua các giai đoạn của giấc ngủ nhiều lần: ngủ nhẹ, ngủ sâu và REM (ngủ chuyển động mắt nhanh). Nhưng khi bạn làm gián đoạn chu kỳ bằng những lần tỉnh giấc giữa đêm, điều đó có nghĩa là não dành nhiều thời gian hơn trong giai đoạn ngủ nhẹ và bỏ lỡ giai đoạn REM. Và nếu chu kỳ giấc ngủ thiếu giai đoạn REM thì tình trạng cảm xúc và hiệu suất nhận thức của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể gây ra các hậu quả sức khỏe ngắn hạn và dài hạn, như tăng huyết áp, các vấn đề liên quan đến cân nặng, các vấn đề sức khỏe tâm thần, giảm chất lượng cuộc sống và các vấn đề liên quan đến sức khỏe khác.
MỤC LỤC [Hiện]