Nhiều người khi mua nhà tìm hiểu rất kỹ về giá cả, vị trí, tiện ích… thế nhưng lại quên mất tìm hiểu hàng xóm của mình là ai. Khi không may gặp phải hàng xóm xấu tính, họ mới nhận ra, câu nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” không phải lúc nào cũng đúng.
Cách đây 3 năm, chị Hoan (32 tuổi) chuyển nhà đến khu phố hiện tại. Chị tìm hiểu sơ sơ, được biết quanh đây đều là dân sống lâu năm, người mới nhất cũng đã “cắm dùi” được gần 10 năm. Chị yên tâm xem đây là nơi “đất lành chim đậu”.
Nào ngờ, mọi thứ vượt xa sự tưởng tượng của chị. Vì sự hống hách, xấu tính của hàng xóm đối diện, chị rơi vào stress nặng.
Chị kể, nhà hàng xóm có người chồng nghiện rượu, hay chửi đổng. Họ xem nhà chị là “ma mới” nên thường xuyên bắt nạt. Chị đi làm về muộn, chẳng may rọi đèn xe vào cổng nhà họ cũng bị chửi. Chị đóng cổng, lỡ tay gây ra tiếng động mạnh cũng bị chửi. Con chị nô đùa trước cửa nhà, bị người đàn ông say rượu túm cổ áo dọa nạt với lý do: “Gây ồn ào khiến ông mất ngủ”, dù lúc đó đã là 3 giờ chiều.
“Nhà người ta “được vợ hỏng chồng”, nhà họ thì hỏng cả hai. Chồng ham chửi đổng, vợ ham kiếm chuyện. Một lần, tôi để rác trước cửa nhà mình, chẳng may con chó nhà họ lôi bịch rác ấy về. Vợ chồng họ vu cho tôi ném rác vào nhà rồi lôi cả anh em đến nhà tôi chửi. Tôi giải thích thế nào cũng không nghe, họ còn dọa kiện cáo. Cũng may nhà tôi lắp camera ngoài cổng, tôi trích xuất cho họ xem, họ mới kéo nhau về”, chị Hoan kể lại.
Suốt thời gian dài, gia đình chị sống trong sự càn quấy vô lý của hàng xóm. Thậm chí, có thời điểm chị nơm nớp sợ hãi khi bị hàng xóm dọa dẫm. Không thể sống chung với hàng xóm “Chí Phèo”, vợ chồng chị quyết định bán lỗ căn nhà, chuyển đi nơi khác.
Chị rút ra kinh nghiệm, trước khi xuống tiền mua nhà phải tìm hiểu kỹ hơn về hàng xóm xung quanh, tránh cảnh bị gây sự, phá rối.
Khánh Tùng (29 tuổi) dù sống ở một khu chung cư khá xịn xò cũng không tránh khỏi tình huống oái oăm vì hàng xóm xấu tính. Tùng kể, anh sống một mình, không có nhu cầu giao tiếp hay thân thiết quá mức với hàng xóm nên mỗi khi gặp chỉ chào hỏi bình thường. Thế nhưng, trong mắt hàng xóm đó lại là thái độ kênh kiệu, xấc xược. Ấn tượng ban đầu không tốt khiến anh rơi vào cảnh ức chế, mệt mỏi vì sự soi mói, bới móc, thậm chí là hãm hại của người hàng xóm.
Một lần, Khánh Tùng vào nhóm Zalo đăng ký tham gia đội bóng của tòa nhà. Người hàng xóm thấy vậy liền móc mỉa: “Tưởng chú quen sống đơn thương độc mã. Gặp anh mắt hếch lên tận trời kia mà. Cũng thích tham gia đội bóng à?”. Tùng cố xem đó là lời nói đùa cho qua chuyện.
Một lần khác, Tùng đi đổ rác. Chỉ 10 phút sau, anh thấy tên mình sáng quắc trên nhóm Zalo tòa nhà. Hàng xóm của anh chụp lại bức ảnh túi cơm trong góc phòng đổ rác với dòng nhắn nhủ: “Chủ căn 8** đi rổ rác rồi ném luôn cái ý thức vào thùng rác”.
Bên dưới là hàng loạt tin nhắn hùa vào chửi anh vô ý thức, xả rác bữa bãi… Người hàng xóm kia “thả tim” hàng loạt tin nhắn ấy.
Tùng nhanh tay giải thích: “Cô lao công đổ rác có nuôi mèo, nhờ em mỗi khi đổ cơm thì cất riêng một góc để cô đem về cho mèo ăn. Ngày nào trước khi đi ngủ em cũng ra kiểm tra xem cô đã lấy cơm chưa và cô đều lấy trước 9 giờ tối”. Lúc này, làn sóng chỉ trích mới dừng lại.
“Chỉ vì mình không chủ động làm thân với hàng xóm mà họ gây ra đủ kiểu rắc rối như vậy. Họ càng ngày càng quá đáng, cho cả chó ra ị trước cửa nhà mình, mình phải báo ban quản lý tòa nhà vào cuộc, chuyện mới đỡ hơn”, Tùng kể.
Khác với Khánh Tùng, Hoài An (28 tuổi) lại có những trải nghiệm khổ sở khi quá thân thiết với hàng xóm.
An kể, khi mới chuyển về sống ở căn chung cư này, vợ chồng cô chưa có con. Vì quý trẻ nhỏ, lại thấy nhà hàng xóm thân thiện, chị thường xuyên rủ hai đứa con nhà hàng xóm sang chơi.
Thân càng thêm thân, dần dần chị được hàng xóm nhờ đón con, tắm cho con, thậm chí là cho con ăn. Hai đứa trẻ cũng xem nhà cô như nhà chúng. Khi còn son rỗi, cô không thấy phiền nhưng đến sinh nở thì rắc rối ập đến.
“Mặc kệ chuyện mình mới sinh, cần được nghỉ ngơi, con mình cần không gian yên tĩnh để ngủ, họ vẫn cho hai đứa trẻ sang chơi như thường. Mình hạn chế mở cửa nhà, con họ bấm chuông bằng được. Hai đứa trẻ, một đứa 5 tuổi, một đứa hơn 2 tuổi sang bày đồ chơi khắp nhà, thi thoảng lại gào thét, thậm chí chúng còn xông vào phòng mình mà không gõ cửa. Biết bao lần, con mình chỉ ngủ được 15 phút đã choàng tỉnh vì sự ồn ào của hai đứa trẻ hàng xóm”, An kể.
Khi quá sức chịu đựng, An phải nhắn tin góp ý với hàng xóm, nhờ họ quản con kỹ hơn. Kể từ đó, họ thay đổi thái hoàn toàn, xem cô như kẻ vô ơn.
“Nhà họ bắt đầu kiếm cớ gây sự. Khi thì hát karaoke đến 11 giờ đêm, khi thì ném rác ra trước cửa nhà mình, khi thì bóng gió, cạnh khóe. Mình vừa sinh xong, tâm lý nhạy cảm, trông con mệt mỏi, lại thêm sự phá hoại của họ, cảm thấy kiệt sức”, An tâm sự.
Dẫu vậy, An vẫn cố gắng “một điều nhịn là chín điều lành”. Cách giải quyết của cô là để mối quan hệ này “xa càng thêm xa”, dần dần coi như không quen biết.
“Mình tin rằng, họ không thể đấm mãi vào một cục bông mà không biết mệt, rồi một ngày họ sẽ chán và để cho nhà mình yên”, An nói.
An nhận ra rằng “Bán anh em xa mua láng giềng gần” đôi khi không phải là mua sự thân thiết, giúp đỡ mà chỉ là mua sự hài hòa, không thân mật, cũng chẳng làm phiền đến cuộc sống của nhau.