Tháng 2/2019, cô Chu ở Chiết Giang, Trung Quốc, đã nộp CV xin ứng tuyển vào vị trí giám đốc nhân sự tại một công ty công nghệ trong tỉnh. Sau quá trình phỏng vấn và 3 tháng thử việc, hai bên đã ký hợp đồng lao động 1 năm kể từ ngày 12/3/2019. Tại công ty này, cô Chu được hưởng mức lương cơ bản là 14.000 NDT mỗi tháng (hơn 49 triệu đồng).
Tuy nhiên, ngay sau khi chính thức gia nhập công ty không lâu, người phụ nữ này phát hiện mình mang bầu nên đã viết đơn nghỉ phép vài lần để khám thai. Vào tháng 1 năm 2020, cô Chu phải nhập viện để điều trị do bị thiếu máu khi mang thai và một số lý do khác. Sau khi xuất viện, bác sĩ đề nghị người phụ nữ này phải nghỉ ngơi một tuần để hồi phục sức khỏe.
Lúc này, cô Chu đã nộp đơn xin nghỉ ốm một tuần qua DingTalk và gửi giấy chứng nhận y tế do bác sĩ cấp nhưng không được cấp trên chấp thuận. Điều khiến cô Chu bất ngờ hơn là vài ngày sau đó, cô nhận được thông báo điều chỉnh vị trí công việc từ công ty. Theo đó, từ giám đốc nhân sự, cô Chu bị giáng chứng xuống thành trợ lý hành chính với mức lương hàng tháng chỉ còn 4.000 NDT ( hơn 14 triệu đồng).
5 ngày sau, cô Chu lại tiếp tục nhận thêm quyết định sa thải từ cấp trên. Theo đó, phía công ty cho rằng việc cô Chu vắng mặt trong thời gian dài đã khiến công việc bị ảnh hưởng. Hành vi nghỉ việc vì lý do cá nhân trên đã gây thiệt hại đáng kể cho phía sử dụng lao động. Vì lý do này, họ quyết định chấm dứt quan hệ lao động với cô Chu.
Cảm thấy bất bình trước hành động của phía công ty và để bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình, người phụ nữ này đã đâm đơn kiện lên Tòa án nhân dân huyện Đồng Lư, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Sau khi xem xét vụ việc, tòa án huyện Đồng Lư cho rằng việc cô Chu nghỉ phép và nằm viện trước đó là lý do chính đáng. Hơn nữa, những bằng chứng do công ty trên cung cấp cũng không thể kết luận rằng cô Chu đã lơ là công việc hay có hành vi sai phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến công ty hay vi phạm hợp đồng lao động. Do đó, tòa án kết luận việc công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với nữ nhân viên này là hành vi vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa: Toutiao
Theo các quy định liên quan của Luật pháp Trung Quốc về Bảo vệ quyền và lợi ích của Phụ nữ và Luật Hợp đồng Lao động, người sử dụng lao động phải bảo vệ sự an toàn, sức khỏe và quyền nghỉ ngơi tại nơi làm việc của lao động nữ theo quy định của pháp luật dựa trên đặc điểm của phụ nữ.
Lao động nữ cần được bảo vệ đặc biệt trong những giai đoạn đặc biệt như mang thai, sinh nở và cho con bú. Điều này có nghĩa là khi điều chỉnh vị trí của lao động nữ mang thai, người sử dụng lao động phải xem xét đầy đủ tình trạng thể chất và nhu cầu đặc biệt của họ, không thể tùy tiện chuyển họ sang các vị trí có khối lượng công việc lớn hơn.
Luật Hợp đồng lao động Trung Quốc cũng quy định rõ ràng về vấn đề bồi thường kinh tế cho người lao động khi hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định của Luật này, khi người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường kinh tế tương ứng cho người lao động căn cứ vào số năm đã làm việc và mức lương. Điều này có nghĩa là nếu người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động trái pháp luật thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường kinh tế tương ứng.
Dựa trên những điều đó, tòa án huyện Đồng Lư đã ra phán quyết yêu cầu công ty trên phải bồi thường tổng cộng hơn 196.000 NDT (hơn 687 triệu đồng) cho cô Chu. Phía công ty không chấp nhận phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Đồng Lư nên đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân trung cấp Hàng Châu
Tuy nhiên, tòa án này sau khi xem xét vụ án cũng đã bác bỏ đơn kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên phán quyết ban đầu của Tòa án nhân dân huyện Đồng Lư cho vụ việc trên.
(Theo Toutiao)