Nguyễn Trần Quỳnh Anh đang trong học kỳ thứ 4, sẽ viết khóa luận tốt nghiệp, tại trường ĐH Nữ Ewha - trường đại học tư thục dành cho nữ sinh nổi tiếng nhất Hàn Quốc, có bề dày lịch sử hơn 130 năm hình thành và phát triển. Ngoài học thạc sĩ, Quỳnh Anh làm việc tại ban Tiếng Việt của Đài Phát thanh quốc tế Hàn Quốc (KBS World Radio).
Quỳnh Anh (trái) trong vai trò MC tại Đài Phát thanh quốc tế Hàn Quốc (KBS World Radio).
Cô đảm nhận công việc tổng hợp tin tức giải trí nổi bật ở Hàn Quốc, dịch - viết lại các tin tức mới sang tiếng Việt, dựng thành kịch bản chi tiết. Mỗi tuần, Quỳnh Anh lên sóng radio điểm tin K-pop, đài trực tiếp phát livestream trên kênh YouTube và tương tác với người xem. Quỳnh Anh nói: “Cơ hội trải nghiệm công việc mới giúp mình thấu hiểu tiếng Việt giàu và đẹp. Quá trình livestream còn giúp mình học cách phản ứng nhanh trên sóng trực tiếp, tương tác ăn ý với bạn dẫn, khán giả”.
Trước đây, Quỳnh Anh là cựu học sinh chuyên Anh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. HCM), với điểm IELTS 8.0. Bên cạnh đó, cô kể, do thích văn hóa Hàn Quốc từ năm lớp 7, nên kết thúc kỳ thi THPT, Quỳnh Anh điền đơn nguyện vọng 1 vào chuyên ngành Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). Tốt nghiệp đại học và hoàn thành chứng chỉ Topik 6, cô quyết định học thạc sĩ ngành Truyền thông Đa phương tiện tại Hàn Quốc.
Nữ sinh chia sẻ: “Mình tay ngang nhảy vào ngành truyền thông nên bản thân luôn trau dồi kiến thức, thường xuyên cập nhật các xu hướng mới ở Hàn lẫn Việt Nam như câu nói bắt trend, nhân vật hot, dạng nội dung khán giả yêu thích. Trong thời gian học tập ở Hàn Quốc, mình được người chị từng làm ở KBS giới thiệu. Do quan tâm tới mảng sản xuất chương trình nên mình đã thử sức ứng tuyển và được nhận vào làm MC tại đài, tính đến nay đã gắn bó hơn một năm".
Cô cho biết thêm: "Dù làm ở KBS nhưng mình làm ở ban Tiếng Việt nên dẫn chương trình bằng tiếng Việt. Ban đầu, mình gặp khó khăn trong vấn đề vốn từ, bởi KBS yêu cầu rất cao về ngôn ngữ, sử dụng chính xác về từ ngữ. Có những từ tiếng Hàn, mình không biết dịch nghĩa qua tiếng Việt như thế nào, bởi mình đã quen sử dụng bằng tiếng Anh nên có khi mình chậm vài giây suy nghĩ mới trả lời kịp thắc mắc của khán giả”.
Thời gian đầu sang Hàn Quốc du học, Quỳnh Anh khá chật vật để thích nghi với điều kiện thời tiết mùa Đông, như chuẩn bị trang phục giữ ấm cơ thể, cách bật máy sưởi bao nhiêu độ để tiết kiệm mà không làm đông đường ống nước, cách dán kín ô cửa sổ như thế nào để giữ ấm không gian sống...
Quỳnh Anh (giữa) và những người bạn.
Tại trường, Quỳnh Anh từng làm trợ giảng cùng giáo sư đầu ngành, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu đề tài, viết báo cáo khoa học trong thời gian 4 tháng. Cô nhận thấy đây là bước đệm để chuẩn bị tốt cho bài luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Ngoài ra, Quỳnh Anh còn tận dụng kỳ nghỉ Hè hoặc nghỉ Đông để thử sức công việc phiên dịch "freelance" (Hàn - Việt, Anh - Việt, Hàn - Anh), nhằm trau dồi khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Về hoạt động ngoại khóa, Quỳnh Anh từng là một trong ba sinh viên Việt tham gia tình nguyện hỗ trợ truyền thông cho Thế vận hội trẻ mùa Đông Gangwon 2024.
Dự kiến, Quỳnh Anh sẽ tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng 2/2025, cô đang quan tâm về mảng giải trí. Sau khi tốt nghiệp, cô dự kiến ở lại Hàn Quốc, làm việc tại công ty truyền thông, học hỏi kinh nghiệm. Quỳnh Anh chia sẻ rằng, K-pop chính là động lực để cô cố gắng học tập, gặt hái những thành tựu, làm đầy trải nghiệm sống cá nhân.
Nữ sinh Việt tâm sự: “Mình là fan của nhóm nhạc nam NCT, thành viên yêu thích là Jaehyun. Chính sở thích âm nhạc giúp mình làm quen những người bạn mới, cùng nhau chia sẻ vốn hiểu biết, cùng nhau đi xem concert của nhóm NCT. Thậm chí, mình đang ấp ủ ý tưởng viết luận văn tốt nghiệp thạc sĩ về chủ đề công nghệ trong ngành công nghiệp tỷ đô K-pop. Một trong những bài học quý giá mà bản thân học hỏi tại trường chính là tinh thần học hỏi. Càng học càng thấy mình còn rất nhiều thứ chưa biết, nên mình phải có một tinh thần cởi mở để tiếp tục học, tiếp tục đón nhận kiến thức mới”.