Nữ sinh Yên Bái tranh biện "gắt" khẳng định “học sinh không có lỗi khi điểm Lịch sử thấp” đưa đội nhà vào chung kết Trường Teen

Khá “gắt” khi đưa ra quan điểm “học sinh không có lỗi khi điểm Lịch sử thấp”, nữ sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) hoàn toàn nổi bật với phong thái nhẹ nhàng mà không kém phần đanh thép.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có 70% số bài thi môn Lịch sử dưới 5; 4,3 là điểm trung bình môn, thấp nhất trong 9 môn thi. Điểm trung bình môn Lịch sử luôn thấp nhất trong mấy năm gần đây, năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79. Đây chính là những con số biết nói về chất lượng học sinh đối với môn Sử nhiều năm trở lại đây khiến không ít người bàng hoàng.

Thực tế là đã từ lâu, môn Lịch sử là một nỗi ám ảnh với nhiều học sinh trong mỗi lần kiểm tra, thi cử. Kết quả điểm thi môn Sử nhiều năm ở mức thấp khiến chúng ta phải suy nghĩ: Điểm Sử thấp bởi do học sinh quá lười hay do cách dạy của giáo viên quá nhàm chán?

Mới đây, trong trận Bán kết đầu tiên của Trường Teen 2019, 2 đội chơi đến từ THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với kiến nghị: "Trong kỳ thi THPT Quốc gia, chúng tôi tin rằng học sinh không có lỗi khi điểm Lịch sử thấp". Đội THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) đứng ở vị trí đội ủng hộ và khán giả đã được chứng kiến màn tranh biện nảy lửa giữa 2 phong cách tranh biện đối lập.

Minh Anh - một thí sinh nổi tiếng tranh biện "cực gắt" là người liên tục đưa ra những biện luận sắc bén. Với phong độ vững chắc, phong thái tự tin từ những vòng trước, cô bạn không quá khó để dành trọn 30 điểm từ ban giám khảo.

Cô gái liên tục có những lập luận sắc bén, thuyết phục. (Ảnh: VTV7)

Minh Anh cho rằng, Lịch sử là người thầy của tương lai nhưng trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay, dường như người thầy này đang dần đánh mất vị thế và vị trí quan trọng của mình. Để chứng minh điểm Sử thấp không phải do lỗi của học sinh mà một phần lớn là hệ quả của những định kiến và nhu cầu xã hội, Minh Anh đã đưa ra một số phản biện: "Lỗi từ giáo dục và xã hội sẽ không bao giờ tồn tại song song với lỗi của học sinh mà chính từ giáo dục và xã hội nên mới tồn tại ý thức học sinh. Nếu các bạn có cách giáo dục hấp dẫn và thực sự thu hút tạo cho học sinh tư duy, giúp học sinh có cái nhìn đa chiều áp dụng được vào thực tế giống như xã hội Mỹ thì chắc chắn không bao giờ học sinh để xảy ra chuyện 70% điểm Sử dưới trung bình".

Cô bạn khẳng định, giá trị lịch sử không nằm ở những con số, những cái tên hay những cột mốc thời gian mà nằm ở việc học sinh có cảm nhận được những giá trị lịch sử như ngày hôm nay được đánh đổi như thế nào trong quá khứ. "Học sinh chỉ chán học Lịch sử ở trên trường chứ không học sinh nào chán lịch sử dân tộc, mà có rất nhiều học sinh đang chán cách dạy môn Lịch sử trên nhà trường.", Minh Anh nhấn mạnh.

Điểm Sử thấp không phải lỗi của học sinh mà bởi cách học bị ảnh hưởng nặng từ các định kiến và nhu cầu xã hội. Một định kiến tồn tại đã lâu chính là phụ huynh và toàn xã hội cho rằng, môn Sử là môn phụ, chỉ cần học thuộc lòng nên học sinh thiếu hứng thú, không chú trọng và không muốn bỏ thời gian công sức để học.

"Lịch sử ở Mỹ có tác dụng trong cả kinh tế, chính trị còn trong xã hội Việt Nam hoàn toàn không làm được điều này bởi chúng ta coi Sử là môn học thuộc để tốt nghiệp mà thôi, không được thảo luận vì chương trình quá dài cho nên giáo viên chỉ kịp nhồi nhét kiến thức chứ không kịp thảo luận giúp cho học sinh có cái nhìn sâu hơn.", cô bạn phản biện.

Nữ sinh đưa ra hàng loạt dẫn chứng thực tế rằng, các ngành nghề hot nhất hiện nay như kinh tế, công nghệ, khoa học... trong xã hội Việt Nam đều không liên quan đến môn Sử, kể cả các nhà tuyển dụng cũng không có yêu cầu cao về việc học sinh phải học giỏi Lịch sử. Khi khoa học Lịch sử không có nhiều tiếng nói thì cơ hội tìm kiếm việc làm của những người giỏi Sử cũng ít đi, vậy nên môn học này ngày càng mất đi sự hấp dẫn.

Chốt lại phần tranh biện của mình, cô bạn khẳng định: "Thành công, đam mê và sự giàu có, đó là ước mơ của mỗi người và học sinh hoàn toàn có quyền được làm điều gì có ích nhất cho tương lai của họ. Nếu cứ tiếp tục dạy học theo phương pháp này, xã hội còn không coi trọng môn Sử thì mai sau, mai sau nữa chúng ta điểm Sử vẫn tiếp tục thấp và các bạn sẽ không tạo ra sự thay đổi nào cả!".

Với việc chỉ ra hướng giải quyết vấn đề không nằm riêng ở học sinh mà nằm ở quá trình giáo dục, Minh Anh đã nhận được 2/3 sự ủng hộ của ban giám khảo, xuất sắc đưa tỷ số lên 60-45. Đồng thời, đội THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) đã giành chiến thắng trước đối thủ và trở thành đội chơi đầu tiên bước vào vòng Chung kết.

Thắng trước đối thủ THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, trường chuyên Yên Bái bước vào Chung kết.

Theo Kenh14.vn


* Nội dung liên quan: