Được ông nội đặt cho cái tên “ta pha Tây”, Dương Tony Kim (sinh năm 1993, quê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) gặp biết bao tình huống oái oăm.
Kim kể, ngay khi anh còn trong bụng mẹ, ông nội anh đã nhắm trước một cái tên để đặt cho cháu trai đích tôn.
“Ông mình thích một cầu thủ tên Tony nên nói với cả nhà: “Đứa cháu đầu tiên chắc chắn phải có chữ Tony trong tên”. Sau này, ông lấy chữ Tony làm tên lót cho mình, còn tên chính là Kim với mong muốn cháu có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Một phần, chữ Kim cũng thuận theo năm sinh của mình”, Tony Kim chia sẻ.
Với cái tên Dương Tony Kim, ông nội anh chàng mong cháu trai là người nhanh nhẹn, mạnh mẽ, quyết đoán như cách cầu thủ Tony thi đấu trên sân cỏ.
Thời đi học, Tony Kim nằm trong top học sinh bị gọi lên bảng trả bài nhiều nhất lớp. Khi đi thi, anh cũng là thí sinh được giám thị “canh me” kỹ lưỡng vì có tên lạ.
Khi đi làm giấy tờ, từ phường cho đến phòng công chứng, chỉ cần cán bộ gọi loa “Dương Tony Kim” là anh lọt vào tầm mắt của mọi người. Ai nấy đều thắc mắc, tại sao chàng trai có khuôn mặt thuần Việt nhưng lại có cái tên “nữa Tây nửa ta” như vậy.
“Tình huống khiến mình ngại nhất là khi đi sát hạch lái xe. Hôm đó, có khoảng 200 người tham dự. Khi họ thông báo thí sinh “Dương Tony Kim”, cả phòng chờ xôn xao, bàn tán, thắc mắc mình là ai, mặt mũi thế nào… Biết bao con mắt xoáy thẳng vào khiến mình mắc cỡ”, Kim kể lại.
Mỗi lần đi máy bay, nhân viên an ninh đều “lật tới lật lui” kiểm tra thẻ căn cước công dân của anh. Có lần nộp CV xin việc, nhà tuyển dụng đã gửi mail lại chỉ để hỏi, anh có phải là người nước ngoài.
“Gặp ai mình cũng nói đùa: “Em là Tây nhưng mà Tây Nguyên”. Dần dần, cái tên đã trở thành cách để mình mở đầu câu chuyện mỗi khi làm quen bạn mới”, Kim chia sẻ.
“Trước đây, mình thấy tên gọi độc lạ đem lại nhiều phiền toái nhưng giờ thì khác. Tên gọi khiến mình đặc biệt hơn và nó lưu giữ kỷ niệm đẹp về ông nội. Mình chưa bao giờ có ý định thay đổi cái tên này”, Kim chia sẻ.