Một nghiên cứu mới đã giúp khám phá giá trị thực sự, gây sốc của những thứ mà giới khảo cổ đã tìm được trong hang động Tunel Wielki ở Ba Lan vào năm 2018.
Theo Heritage Daily, khi mới được phát hiện, bộ sưu tập hiện vật phong phú gồm khoảng 40 mảnh đá lửa bao gồm công cụ chế biến thực phẩm lẫn phụ phẩm của việc chế tác công cụ đá lửa, vô số xương động vật đủ loài... đã được đánh giá là có giá trị rất cao, với niên đại khoảng 40.000 năm.
Nhưng nghiên cứu mới dẫn đầu bởi tiến sĩ Malgorzata Kot từ Khoa Khảo cổ học của Trường Đại học Warsaw - Ba Lan đã khiến phát hiện trở nên giá trị gấp bộ khi khẳng định kho báu này lên tới 440.000-550.000 năm tuổi.
Điều này có ý nghĩa về nhiều mặt. Thứ nhất, niên đại kỳ diệu này khẳng định bộ sưu tập hài cốt động vật phong phủ - bao gồm một loài sói, một loài gấu hang động, sư tử hang động... - trong đống tàn tích thuộc về những vị tổ tiên cực kỳ xa xưa, đã tuyệt chủng của các loài tương tự ngày nay.
Đa số xương động vật vẻ là hài cốt tự nhiên chứ không phải bị chế biến dù chết cạnh đống công cụ đá lửa, nên các nhà khoa học cho rằng chúng chỉ vô tình sống cùng thời với những người chiếm đóng hang này, nên cùng mắc kẹt trong một lớp trầm tích.
Thứ hai, chắc chắn nó không thể thuộc về loài chúng ta - những Homo sapiens tồn tại trên địa cầu mới hơn 300.000 năm.
Như vậy, số công cụ đá lửa sắc sảo, vật dụng quý giá nhất của những người hang động cổ đại, cũng trở thành những cổ vật giá trị vô song từ một loài người khác đã tuyệt chủng để lại cho hậu thế. Hiện chưa rõ họ là ai, thuộc loài nào.
Các nhà khoa học cho rằng khả năng cao họ là Homo heidelbergensis, cùng thuộc chi Homo với chúng ta, cùng nhánh với chúng ta lẫn nhóm người Neanderthals ở châu Âu trên cây gia đình. Bằng chứng rõ ràng nhất về họ được định tuổi khoảng 600.000 - 400.000 năm.
Như vậy, những phát hiện trong hang Tunel Wielki nghiễm nhiên trở thành di tích con người cổ xưa nhất từng được ghi nhận ở Ba Lan, hứa hẹn mở ra vô số nghiên cứu về nhân chủng học - cổ sinh vật học.