Mới lên sóng 4 tập nhưng "Đừng làm mẹ cáu" đã gây sự chú ý của khán giả yêu phim truyền hình Việt. Bộ phim thú vị khi nội dung xoay quanh câu chuyện của Hạnh (Quỳnh Kool) - cô gái chưa tròn tuổi đôi mươi mà đã bất đắc dĩ phải làm mẹ của bé Happy - Hạnh An (An Nhiên), đứa con vừa lọt lòng của chị gái qua đời vì tai nạn.
Tạo hình Quỳnh Kool mẹ đơn thân cùng bé Happy được xây dựng khá ấn tượng. Dù mới lên 5 nhưng Happy già trước tuổi, khôn ngoan láu lỉnh, nhiều chuyện. Không phủ nhận từ đầu phim đến giờ 2 mẹ con Hạnh, đặc biệt là bé con Happy là nhân tố chính tạo nên sức hút đối với khán giả là các mẹ, các chị. Bởi giữa biết bao bộn bề, lúng túng lo kiếm tiền mưu sinh, mẹ Hạnh còn "được" cô con gái Happy kéo vào những tình huống thót tim, dở khóc, dở cười...
Biên kịch đã dành cho Happy những câu thoại khiến khán giả bật cười ban đầu rồi sau đó không khỏi rưng rưng. Vì muốn san sẻ gánh nặng tiền bạc với mẹ, Happy mang đến lớp thú nhồi bông ngộ nghĩnh để bán cho các bạn;... Vui nhộn hơn cả khi sau những lời than về một bà mẹ suốt ngày cáu gắt, hay quát, hay mắng với cậu bạn có tên gọi ở nhà là cu Voi, cô bé Happy liền nảy ra ý tưởng… "chữa bệnh" cho mẹ: "Tớ sẽ tìm cho mẹ tớ một người chồng để mẹ tớ hết cáu gắt nhé!".
Ngoài Happy, cu Voi của mẹ Vy (Quỳnh Lương) - bố Khôi (Bình An) cũng vô cùng lém lỉnh với những câu chuyện rất… đàn ông nào là mối tình đầu, nào là ga lăng mang thẻ thần kỳ của bố để tặng Happy đem về cho mẹ Hạnh vui… Ngoài ra, "Đừng làm mẹ cáu" còn hấp dẫn bởi nhiều cặp mẹ - con như: Quân (Nhan Phúc Vinh) và bà mẹ vừa đi tù về; Cu Voi và bố Khôi mẹ Vy; Vy và mẹ Khôi…
Trên nhiều diễn đàn, khán giả để lại những bình luận khen ngợi dành cho phim: "Mới 4 tập thôi nhưng phải công nhận phim dễ thương, nhẹ nhàng, tự nhiên, nhưng cũng gây tò mò về câu chuyện của mỗi nhân vật. Dàn diễn viên cũng dễ thương từ lớn tới bé. Mong phim giữ phong độ tới tận cuối nhé"; "Phim hay cực. Nhẹ nhàng vui vẻ, như vậy mới đúng là xem phim giờ vàng để giảm tress"; "Tớ thích phim kiểu nhẹ nhàng nhất là có những em bé dễ thương đóng"; "Bé An Nhiên đóng tốt quá. Lời thoại dài và khó mà con nói trơn tru luôn. Bạn bé nhà em cũng độ tuổi đó xem cứ bị cuốn, con xem không chớp mắt luôn"; "Mới có 4 tập mà mê phim quá, mê 2 mẹ con Hạnh - Happy ghê. Những đoạn nói chuyện của mẹ Hạnh và bé Happi mang đến nhiều phút giây cảm động về tình mẫu tử";...
Cảnh Vy (Quỳnh Lương) đến đánh ghen theo đề nghị của chồng - Khôi (Bình An)
Hạnh (Quỳnh Kool) đánh "tiểu tam" bảo vệ bạn
Tuy nhiên, bên cạnh đó, phim cũng bị một "điểm trừ" khi rập khuôn những tình huống cơ bản của thể loại phim gia đình, đó là cảnh đánh ghen. Cụ thể, trong tập mới đây, theo diễn biến phim, Khôi (Bình An) đào hoa, thường yêu đương vui chơi qua đường, sợ bị ràng buộc. Trong một tình huống, Khôi nhờ vợ là Vy (Quỳnh Lương) đến khách sạn đánh ghen để "cắt đuôi" một cô bạn gái. Vy vui vẻ giúp đỡ chồng hờ. Tại khách sạn, Vy cố tình lời qua tiếng lại dằn mặt bồ của chồng, dẫn đến xô xát. Khi hai người đang giằng co, Hạnh bất ngờ có mặt, lao vào tát cô gái để bảo vệ Vy. Phân đoạn đánh ghen này nhanh chóng tạo nên luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người không hài lòng với cách Vy và Khôi duy trì mối quan hệ "vợ tạm chồng hờ" như hiện tại. Dù cả hai thoả thuận chung sống hoà bình, không can thiệp cuộc sống riêng của nhau nhưng việc công khai ngoại tình, công khai nhờ vợ chính thức giúp giải vây là điều không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh đó, khán giả cho rằng phim truyền hình Việt thời gian qua xây dựng quá nhiều cảnh đánh ghen, cãi cọ, dằn mặt. Gần nhất, trong "Gara hạnh phúc", nhân vật Sơn Ca (cũng do Quỳnh Kool đóng) bắt gặp bạn trai và nhân tình đi cùng nhau. Quá tức giận, cô lao vào đánh đấm túi bụi, chửi mắng xối xả. Hay trước đó, phim giờ vàng đã có nhiều cảnh ghen như: trong "Thương ngày nắng về" (nhân vật Thương - chị chồng của Vân Khánh bị đánh ghen tại quán cà phê); phim "Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ"; "Về nhà đi con";...
Những cảnh đánh ghen trong phim giờ vàng như: Trói buộc yêu thương, Thương ngày nắng về, Về nhà đi con,...
Hiện tại, sau khi những cảnh đánh ghen xuất hiện với tần suất dày đặc trên màn ảnh, phản ứng ngược là điều khó tránh. Một bộ phận khán giả cho rằng tình huống phim bị cũ, đi vào lối mòn, có thể khiến người xem cảm thấy "bội thực". Dù vẫn biết mỗi câu chuyện có nội dung khác, không hẳn giống 100% song đa số phim truyền hình khai thác đề tài gia đình, mâu thuẫn vợ chồng nên thường luẩn quẩn hoặc lặp lại, khó tạo ra nội dung mới.
Về điều này, biên kịch Thu Thủy của Đừng làm mẹ cáu nêu quan điểm: "Với những người làm nghề, chủ đề gia đình đúng là thách thức nhưng cũng là trải nghiệm. Đúng là nó đã cũ rồi, nhưng quan trọng là chúng ta tiếp cận như thế nào, tìm góc nhìn ở đâu".