"Thanh Minh thượng hà đồ" là bức tranh nổi tiếng với kích cỡ “đồ sộ” được vẽ nên ở thời Bắc Tống (Trung Quốc) và là kiệt tác duy nhất còn sót lại của họa sĩ Trương Trạch Đoan. Bữa tranh này là di vật cấp quốc gia và hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.
"Thanh Minh thượng hà đồ" rộng 24,8cm và dài 528,7cm, thuộc dạng tranh cuộn dài và sử dụng phương pháp bố cục phối cảnh nhiều góc độ để ghi lại một cách sinh động khung cảnh đô thị tấp nập của Biện Kinh (nay là Khai Phong), thủ phủ của phương Bắc triều đại nhà Tống. Trong đó, điều kiện sống của các tầng lớp người dân lúc bấy giờ chính là minh chứng cho thời kỳ thịnh vượng trên nhiều phương diện như văn hóa, kinh tế và xã hội ở thời Bắc Tống.
Bức tranh cuộn dài hơn 5m đặc tả một số lượng lớn con người với nhiều sắc thái và hoạt động khác nhau, cùng với gia súc, ngựa và các vật nuôi khác, ngoài ra còn có xe cộ, tàu thuyền, nhà cửa, cầu cống… Mọi thứ mà người ta mong đợi đều được vẽ ra, mỗi thứ đều có đặc điểm riêng, thể hiện nét đặc trưng của kiến trúc thời Tống, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.
"Thanh Minh thượng hà đồ" có bố cục rất rộng, là cái nhìn toàn cảnh nhìn từ trên cao, chân thực nhưng cũng tập trung. Bức tranh tuy dài nhưng không hề lộn xộn và tạo cảm giác bí bách chật chội, mà cô đọng tài tình, các chi tiết và vật dụng khác nhau được sắp xếp hợp lý, tràn đầy sự dí dỏm và hóm hỉnh.
Bức tranh có nội dung phong phú, miêu tả nhiều đối tượng, tổng cộng 814 nhân vật, 28 thuyền, 20 xe cộ, 60 con vật và 170 cây cối. Nội dung phong phú, nhiều màu sắc hiếm thấy trong tranh cổ, không chỉ hành vi và trang phục khác biệt, mà cả dung mạo và khí chất cũng khác nhau, tràn ngập tình tiết xung đột kịch tính, đáng nhớ vô tận.
Theo tên của bức tranh, “Thanh minh thượng hà đồ”, có thể hiểu đây là cảnh sinh hoạt của người dân Trung Quốc vào tiết Thanh minh tảo mộ ở Biện Kinh. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thành phố được miêu tả trong bức tranh là không có thực và rằng cái tên của bức tranh chỉ có ý nói tới một ngày có tiết trời trong sáng.
Nhiều người nói bức tranh này tuy vẽ nên khung cảnh có vẻ thịnh vượng, người dân an cư lạc nghiệp nhưng đó chỉ là bề ngoài. Trên thực tế, Trương Trạch Đoan muốn thể hiện nét “trong thịnh có suy”, trong “an định có bất ổn”, chẳng hạn như những cây cầu sắp sụp đổ, những con ngựa đột nhiên mất kiểm soát và dòng người ngược xuôi thiếu cảm giác an toàn và nhiều chi tiết ám chỉ sự hung hiểm khác.
Các chuyên gia đã nghiên cứu bức tranh này và bất ngờ phát hiện Trương Trạch Đoan cũng có “chút cá tính” khi đã vẽ ra nhiều hình ảnh có vẻ không đứng đắn và khó hiểu. Trong đó có một chi tiết, phóng to 100 lần bức tranh, bên cạnh con phố đông đúc, dưới gốc cây, một chàng trai trẻ đang ngủ một cách lén lút, âm thầm.
Tư thế ngủ của người này cũng rất kỳ lạ, anh ta nằm sấp, cởi quần dài lộ ra chiếc quần trong ngắn cũn màu đỏ. Thật sự rất bình thường khi một người cởi bỏ quần áo để ngủ, chỉ là ngủ trên con phố tấp nập mà còn cởi quần, thì thật sự đi ngược lại quan niệm thẩm mỹ lúc bấy giờ.
Có người suy đoán thanh niên ngủ phóng túng như vậy để tránh nóng mùa hè, nhưng bên cạnh lại có một cụ già đang ngồi hóng mát, hành động này có vẻ không được phù hợp.
Tuy nhiên nếu suy xét ở phương diện xã hội thời bấy giờ, mức độ cởi mở của nhà Tống thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Thời nhà Tống đã có hình thức "giao hàng" tương tự như mô hình shipper giao đồ ăn của thời nay. Tức là nhiều quán ăn đã có dịch vụ đặt món thông qua “tiểu nhị” đi rao và chào hàng khắp đường phố. Sau đó nhân viên trong quán sẽ mang thức ăn giao hàng tận nơi.
Ngoài ra, tư tưởng của người nhà Tống cũng phóng khoáng không kém, thậm chí người phụ nữ có thể ăn vận thoải mái ít vải và đã trở thành một loại thẩm mỹ.
Chi tiết chàng ăn ngủ trong bộ dạng mát mẻ dưới gốc cây đến nay vẫn còn là điều chưa thể lý giải. Dụng ý của Trương Trạch Đoan có thể sâu xa khó hiểu, mà cũng có thể đơn giản đến trần trụi không ngờ.
Nguồn: Sohu