Sốc, mệt mỏi, lo lắng là tâm trạng của nhiều người dân huyện đảo du lịch Phú Quốc khi phải chống chọi với liên tiếp hai trận ngập lụt chưa từng có trong lịch sử mấy ngày qua.
Bộ đội giúp dân Bến Tràm, xã Cửa Dương, huyện đảo Phú Quốc ra khỏi vùng ngập sâu - Ảnh: H.SOI
Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn trong các ngày 5, 6-8 và đêm 8 rạng sáng 9-8 đã làm cho nhiều tuyến đường, nhà dân ở thị trấn Dương Đông - trung tâm huyện đảo Phú Quốc - ngập sâu, có nơi ngập sâu gần 2m.
Giao thông bị chia cắt, ách tắc nghiêm trọng, các hoạt động sinh hoạt, buôn bán đình trệ, chính quyền phải huy động hàng ngàn người gồm cán bộ, công an, quân đội vào cuộc hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, tài sản.
Thống kê bước đầu trong trận ngập lụt ngày 6-8, có hơn 3.800 căn nhà bị ngập, nhiều đoạn đường ở thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương bị ngập nặng, hư hỏng...
Huyện đảo chưa kịp hồi phục thì suốt đêm 8-8, rạng sáng 9-8, những cơn mưa lớn lại trút xuống khiến đảo Phú Quốc tiếp tục hứng chịu đợt ngập thứ hai nghiêm trọng hơn, cả thị trấn Dương Đông gần như thất thủ, toàn đảo có trên 8.400 căn nhà bị ngập, riêng thị trấn Dương Đông có trên 4.000 căn nhà bị ngập, mọi ngả đường di chuyển đi các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn… đều bị tắc.
Hàng ngàn người gồm cán bộ, công an, quân đội lại tiếp tục được huy động di dời tài sản, di tản trên 2.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Thiệt hại về vật chất của hai trận ngập lên đến trên 107 tỉ đồng, nhưng tổn thương tinh thần của người dân là rất lớn. Không ai có thể ngờ sống trên hòn đảo giữa trùng khơi lại bị cảnh ngập nước tồi tệ như vậy. Nguyên nhân rất cần được mổ xẻ nghiêm túc để có giải pháp khắc phục.
Theo chính quyền huyện đảo, nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày, sông suối và hạ tầng thoát nước trên đảo quá tải; rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi bít miệng cống, lòng cống khiến lượng nước mưa quá lớn không thoát kịp.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia am hiểu Phú Quốc cho rằng ngoài lý do thiên tai bất ngờ, tác nhân chính gây nên thảm cảnh ngập lụt trên đảo lại chính là nhân tai.
Phú Quốc chìm trong nước - điều người dân không thể ngờ khi sống trên hòn đảo giữa trùng khơi - Ảnh: SƠN LÂM
Thực tế vài năm nay, bất chấp các khuyến cáo không đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư, không được phá rừng, bêtông hóa đảo ngọc, sức hút của các đợt sốt đất vẫn biến cả đảo Phú Quốc thành một đại công trường với hàng loạt dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ.
Chính các hoạt động đầu tư kinh tế rầm rộ này đã phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên, chặn sông, lấp suối, xóa sổ nhiều khu rừng nguyên sinh, làm mất dần các "túi chứa nước" tự nhiên bao đời nay trên đảo.
Trong khi đó, công tác quy hoạch quản lý đất đai, trật tự đô thị trên đảo thời gian qua lại bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Hạ tầng hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải trên đảo quá tải, chưa được đầu tư đồng bộ.
Hàng loạt khách sạn, resort mọc lên án ngữ các bãi biển, chặn mất đường thoát nước ra biển. Các khu dân cư, đô thị vô tư xả thải bừa bãi, chiếm mất không gian của nước... nên chuyện ngập ngày càng trầm trọng là tất yếu.
Để giải quyết những vấn đề "nóng" đã được nhận diện, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc không thu hút đầu tư ở Phú Quốc một cách chụp giựt với tốc độ quá nhanh như vừa qua. Phải giữ cho được môi trường tự nhiên và xã hội an bình, thực hiện tốt quy hoạch, không được bêtông hóa Phú Quốc…
Không cách nào khác là chính quyền huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang phải nhanh chóng vào cuộc "sửa sai", khắc phục với quyết tâm cao, hành động kiên quyết, bởi càng để kéo dài những trì trệ, hạn chế, đảo ngọc càng trở nên xấu xí trong mắt người dân.
Trước mắt, ngay trong lúc này phải tiến hành khơi thông dòng chảy, mở toang các luồng thông thoáng thoát nước ra biển; phải tổng kiểm tra toàn bộ năng lực hệ thống thoát nước trên đảo để có hướng xử lý sớm, đầu tư đồng bộ; xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng lấn chiếm đất rừng, sông, suối, buộc trả lại nguyên trạng để thông dòng chảy.
Tiếp đến là giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường (rác thải - nước thải), sửa sai việc quy hoạch cấp phép xây dựng khu du lịch, khách sạn bít không gian, các lối thoát nước ra biển.
Về lâu dài cần có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ trật tự xây dựng, giữ cho được diện tích đất rừng, sông suối, vùng đệm và các "túi chứa nước" tự nhiên để tạo không gian giữ nước và thoát nước...
Người dân trên đảo Phú Quốc chỉ mong các bất cập, hạn chế trên nhanh chóng được giải quyết. Doanh nghiệp mong mỏi ổn định chính sách để có định hướng cụ thể trong việc phát triển làm ăn lâu dài. Chứ để tình trạng hễ mưa là ngập, ô nhiễm, tệ nạn phát sinh như hiện nay thì không ai có thể yên tâm đầu tư làm ăn.
Mong mỏi trên rất chính đáng, chỉ mong chính quyền Phú Quốc và Kiên Giang không chần chừ.
Theo tuoitre