Quảng Bình: Cảng "lậu" lại mọc lên ở vịnh Hòn La

 Thời gian gần đây, người dân ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) hết sức bất bình vì hai cảng "lậu" bỗng nhiên mọc lên, lấn chiếm khu vực vịnh Hòn La, gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là, mặc dù chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng liên quan đã biết rõ sự việc nhưng tỏ ra lúng túng trong việc xử lý...

Cảng "lậu" mọc liên tiếp

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực cảng Hòn La từ sáng sớm. Hai cầu cảng được đổ đất, đá lấn dần ra biển khá đơn sơ nhưng mỗi ngày đều có hàng chục tàu thuyền của ngư dân và ô tô ra vào thu mua hải sản tấp nập.

Qua tìm hiểu, được biết chủ nhân của 2 cầu cảng trên là ông Lê Thanh Hiếu và ông Nguyễn Văn Mẫn, đều ngụ tại xã Quảng Đông.

Cầu cảng của ông Lê Thanh Hiếu tổ chức kinh doanh trái phép ở vịnh Hòn La. (Ảnh chụp ngày 25-7).

Cầu cảng của ông Lê Thanh Hiếu tổ chức kinh doanh trái phép ở vịnh Hòn La. (Ảnh chụp ngày 25-7).
Người dân cho biết, trong quá trình xây dựng các công trình trong khu vực cảng, nhiều lái xe đã vận chuyển đất đá bóc phong hóa đổ không đúng nơi quy định. Lợi dụng cơ hội này, ông Hiếu và ông Mẫn đổ đất lấn biển xây dựng cầu cảng trái phép.

“Lúc đầu mọi người nghĩ chỉ là chỗ neo đậu, tránh trú tàu thuyền nhưng bây giờ 2 cầu cảng này cứ mỗi buổi sáng là cho tàu cá vào bốc dỡ hải sản, tiếp tế đá lạnh, thực phẩm….bốc mùi hôi tanh.

Cảng anh Hiếu thì hoạt động gần 1 năm, còn anh Mẫn thấy làm ăn được nên khoảng 2 tháng nay đã chiếm dụng phần đất trống gần đó để làm cầu cảng luôn”, ông H. một người dân địa phương cho hay.

Theo người dân, thời gian gần đây, để tránh dư luận, hộ ông Mẫn đã huy động nhân lực, vật lực thuê xe đổ đất đá lấn biển mở rộng bến bãi vào ban đêm.

Từ khi 2 cảng “lậu” được hình thành, ông Mẫn và ông Hiếu đi chèo kéo tàu thuyền đang đánh bắt trong vùng vào cảng của mình để nhập hải sản và cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá với giá cao. Việc này từng xảy ra tranh giành, gây mất an ninh trật tự.

Trước đó, năm 2015, cũng tại khu vực vịnh Hòn La này, một hộ dân địa phương khác là ông Tưởng Văn Thịnh đã tự ý đổ hàng trăm mét khối đất, đá, bê tông và dùng thùng container dìm xuống biển để xây dựng cầu cảng quy mô khá lớn rồi tổ chức kinh doanh trái phép.

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng mãi đến năm 2017, UBND huyện Quảng Trạch mới ra quyết định cưỡng chế, tháo dỡ.

 Hoạt động thu mua, buôn bán hải sản ở các cảng lậu diễn ra tấp nập mỗi ngày. Ảnh chụp ngày 25 – 7.

Hoạt động thu mua, buôn bán hải sản ở các cảng lậu diễn ra tấp nập mỗi ngày. (Ảnh chụp ngày 25-7).
Theo phản ánh, ngoài việc 2 cảng “lậu” đua nhau mọc thì dọc tuyến đường vào cảng Hòn La, có hàng chục căn nhà, hàng quán kinh doanh của người dân được xây dựng kiên cố, không phép. Tại đây, một số hộ vẫn đang tập kết vật liệu xây dựng để tiếp tục thi công.

Lúng túng trong xử lý

Khu kinh tế Hòn La được thành lập năm 2008 với diện tích 10.000 ha bao gồm đất liền, đảo và mặt nước biển. Đây là khu vực quốc phòng kết hợp kinh tế, có quân đội đóng quân và lực lượng Biên phòng đồn trú.

Các đơn vị gồm Ban quản lý Khu kinh tế Hòn La, Cảng vụ Hàng hải và Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm phối hợp quản lý mặt đất, mặt biển và cảng biển.

Từ năm 2015 đến nay, do việc giám sát của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan thiếu chặt chẽ, lợi dụng sơ hở, một số cá nhân tự ý lấn biển xây dựng cầu cảng, nhà ở, hàng quán kinh doanh trái phép.

Tình trạng xây dựng nhà tạm, lấn chiếm đất dự án đã xảy ra nhiều năm nay, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng chỉ sau một thời gian tạm yên, người dân lại xây dựng các công trình kiên cố hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông thừa nhận việc 2 hộ dân tự ý chiếm dụng mặt bằng rồi xây dựng cầu cảng để kinh doanh tại khu vực vịnh Hòn La trái phép là đúng như phản ánh. Ông Chủ tịch UBND xã cho rằng khó xử lý bởi liên quan đến nhiều ban, ngành khác.

Theo ông Hiền, trường hợp tự ý lấn chiếm đất để xây dựng cầu cảng của ông Lê Thanh Hiếu thì phía Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chủ trì làm việc với địa phương.

Sau đó đã lập biên bản và buộc họ tháo dỡ nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa chấp hành. Còn trường hợp ông Mẫn thì chỉ tầm 2 tháng nay, phía địa phương đang xem xét và sẽ cho kiểm tra.

Cảng

Cảng "lậu" của một người dân địa phương bị lực lượng chức năng cưỡng chế, tháo dỡ năm 2017 .
Trong khi đó, đại diện phía Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho biết, việc 2 cầu cảng của 2 hộ dân ở xã Quảng Đông tự ý lấn chiếm và hoạt động trái phép ở vịnh Hòn La phía đơn vị đã lập biên bản đối với hộ ông Hiếu và yêu cầu đình chỉ thi công, tuy nhiên hiện vẫn tồn tại là do chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý triệt để.

Đáng lẽ ra, UBND xã nên chủ trì một cuộc họp sớm, mời tất cả các bên liên quan như Đồn Biên phòng, Đồn Công an Hòn La, Cảng vụ Hàng hải…để phối hợp vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, lấn chiếm, hoàn trả mặt bằng.

Nếu trường hợp nào chống đối sẽ xử lý nghiêm và buộc phải có các biện pháp khác. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chỉ quản lý về mặt kinh tế, thu hút, xúc tiến đầu tư…

Những trường hợp lấn chiếm hay xây dựng trái phép, thẩm quyền của Ban quản lý Khu kinh tế chỉ lập biên bản chứ không có lực lượng để xử lý.

"Việc tiếp nhận tàu thuyền hoạt động, thu mua thủy hải sản, kinh doanh trái phép trong khu vực cảng biển Hòn La ảnh hưởng đến vấn đề an toàn hàng hải, an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý sớm, không nên để tình trạng này kéo dài. Đến khi các công trình này ngày càng được mở rộng xây dựng kiên cố rồi mới ra quyết định cưỡng chế thì thiệt đơn, thiệt kép", một người dân địa phương bức xúc cho biết.