Thời gian gần đây, với những khán giả có thói quen xem truyền hình, đặc biệt là khung giờ vàng có phát sóng tin tức, phim truyền hình... đều quá quen thuộc với việc thường xuyên xuất hiện những đoạn quảng cáo dài chen vào các nội dung trên. Tuy từ lâu nhà đài đã bị phản ánh về thời lượng quảng cáo quá dài cho một chương trình, nhưng mới đây, khán giả lại phải một lần nữa lên tiếng vì nội dung những đoạn quảng cáo này còn phản cảm, thậm chí ảnh hưởng không nhỏ đến những đối tượng người xem là trẻ em.
Cụ thể, đoạn clip quảng cáo về nước tăng lực dài 45 giây đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, kèm những ý kiến bức xúc từ người xem. Trong đoạn clip lấy bối cảnh một ngôi nhà rông - kiểu nhà đặc trưng của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hai diễn viên vào vai hai vợ chồng mặc trang phục đồng bào dân tộc, trong đó, người vợ liên tục hỏi chồng: "Mình đi đâu đấy". Với mỗi câu trả lời của người chồng, người vợ sẽ chèn thêm một câu quảng cáo sản phẩm: "Mình uống đi cho khoẻ".
Đáng nói, ở tình huống cuối cùng trong đoạn quảng cáo này, cả hai vợ chồng đều nói câu slogan trước khi đi ngủ, kèm biểu cảm khiến người xem liên tưởng đến "chuyện chăn gối". Là một quảng cáo sản phẩm nước uống trên sóng truyền hình quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, đoạn clip này rất lố lăng, việc để diễn viên mặc trang phục đồng bào dân tộc và bắt chước giọng một số đồng bào thiểu số còn thể hiện sự thiếu tôn trọng.
Từ lời thoại đến hình ảnh đều bị chỉ trích dữ dội.
Clip sau khi được nhiều người chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, môt tài khoản đã bày tỏ ý kiến khi nghe nhân vật nam trong đoạn quảng cáo thoại: "Tại sao không quảng cáo bình thường đi, tại sao cứ phải mặc trang phục dân tộc thiểu số và cố tình nói tiếng Kinh sai dấu? Quảng cáo này như xúc phạm người dân tộc thiểu số chúng tôi và thật sự thiếu tôn trọng".
Bên cạnh đó, rất nhiều bình luận cho rằng quảng cáo này đã cố tình mang chuyện giường chiếu vào để gây chú ý mà không quan tâm đến đối tượng người xem có thể ở nhiều độ tuổi: "Thấy ngượng khi xem quảng cáo này, nhất là đoạn cuối, khi có đông người trong gia đình. Quảng cáo quá vô duyên và thiếu sự tôn trọng khán giả", "Xem cái quảng cáo này mà nghe con trẻ nhại theo mà hoảng hồn thất kinh các bác ạ. Cần lựa chọn nội dung thật phù hợp và "sạch sẽ" khi phát sóng là biểu hiện sự hiểu biết, cũng như trình độ nhận thức của cả nhà đài đó"... Có khán giả vì xem truyền hình mỗi ngày, lại phải xem thêm đoạn clip trên quá nhiều lần nên đã bức xúc gửi thư yêu cầu nhà đài ngưng phát sóng đoạn quảng cáo này.
Không ít ý kiến cho rằng, ngày càng nhiều những quảng cáo "nhảm" được chiếu trên TV
Trước đó, cũng trên sóng truyền hình, một đoạn quảng cáo về nước tăng lực khác cũng gây tranh cãi gay gắt về việc sử dụng ngôn từ không phù hợp văn hoá người Việt. Từ câu thoại trong đoạn quảng cáo cũng khiến nhiều phụ huynh phản ánh vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng người xem ở tuổi vị thành niên, thậm chí, trẻ nhỏ cũng có thể bắt chước theo... Với rất nhiều quảng cáo mới xuất hiện trên truyền hình mỗi ngày, khán giả đều có chung quan điểm, yêu cầu nhà đài nên có sự kiểm duyệt kĩ càng hơn trước khi phát sóng rộng rãi.