Đối với Zheng Jiewen, 23 tuổi, người mẫu quảng cáo toàn thời gian tại một công ty quảng cáo ở thành phố lớn Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), suy thoái kinh tế không còn là khái niệm lạ lẫm.
Thu nhập của Zheng từng lên tới 30.000 nhân dân tệ (khoảng 105 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, con số này bắt đầu suy giảm khi doanh thu công ty của cô không đạt kỳ vọng. Đỉnh điểm là một đợt cắt giảm lớn vào tháng 2 vừa qua, khiến thu nhập của Zheng chỉ còn một nửa so với mức lương trước đó.
“Tôi vô cùng sốc” , Zheng chia sẻ với CNN , cho biết đã phải cắt giảm chi tiêu ngay lập tức để thích ứng với mức lương mới. Điều đó có nghĩa Zheng không thể tiếp tục mua sắm những món đồ hàng hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel hay Prada.
Zheng cho biết, hiện tại cô và bạn bè đang chi tiêu cho những sản phẩm được gọi là “pingti”, thuật ngữ trong tiếng Trung chỉ "hàng fake" (hàng nhái) chất lượng cao của các thương hiệu nổi tiếng. Một số sản phẩm gần như không thể phân biệt với hàng thật, trong khi có những sản phẩm lấy cảm hứng từ thiết kế gốc và cho ra nhiều màu sắc hoặc chất liệu hơn.
Các sản phẩm “pingti” có thể rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Một chiếc quần yoga Align của Lululemon (LULU) có giá 750 nhân dân tệ (2,6 triệu đồng) trên trang web chính thức của họ ở Trung Quốc, nhưng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến ở nước này, các cửa hàng treo các mẫu quần legging "y xì đúc" với giá chỉ 35 nhân dân tệ (123.000 đồng) và tuyên bố "có chất lượng tương đương".
Sự phổ biến của danh mục sản phẩm này đang gia tăng khi lòng tin của người tiêu dùng tại Trung Quốc gần đạt mức thấp lịch sử, theo các nhà phân tích.
Laurel Gu, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Mintel có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, suy thoái kinh tế khiến lượng tìm kiếm hàng nhái trên mạng xã hội tăng gấp ba lần từ năm 2022 đến năm 2024.
Niềm tin tiêu dùng yếu
Trong một báo cáo đầu tháng 9, các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Nomura cho biết, một năm rưỡi kể từ khi Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch Covid-19, nước này vẫn gặp khó trong việc phục hồi niềm tin của người tiêu dùng.
Báo cáo cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống còn 86,0 vào tháng 7 từ mức 86,2 vào tháng 6, chỉ cao hơn một chút so với mức thấp kỷ lục 85,5 vào tháng 11/2022, khi Trung Quốc còn đang chìm trong khó khăn do đại dịch. (Chỉ số này đo lường niềm tin của người tiêu dùng trên thang điểm từ 0 đến 200, với 100 cho thấy lập trường trung lập).
Theo khảo sát của CNN , đối với người tiêu dùng ở nhiều nơi khác nhau tại Trung Quốc hiện nay, việc giữ nguyên mức lương hiện tại đã được coi là thành công.
Xinxin, một giáo viên tiểu học ở thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, cho biết trước đây cô là tín đồ trung thành với dòng sản phẩm chăm sóc da Advanced Night Repair của thương hiệu Estée Lauder.
Tuy nhiên, sau khi đợt cắt giảm lương “tàn khốc” hơn 20% trong năm nay, cô đã chuyển sang các lựa chọn thay thế hợp túi tiền hơn. Xinxin đã tìm thấy một sản phẩm "nội địa" có cùng thành phần chính với sản phẩm của Estée Lauder, nhưng mức giá rẻ hơn rất nhiều, khoảng 100 nhân dân tệ (350.000 đồng) cho 20 ml, so với mức 720 nhân dân tệ (2,5 triệu đồng) cho 30 ml.
“Tại sao lại phải dùng hàng nhái? Do bị cắt lương thôi!" , Xinxi nói.
Dù vậy, cả Xinxin và Zheng đều cảm thấy vẫn còn may mắn vì có việc làm.
Hôm 20/9, Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người 18 - 24 tuổi, không bao gồm sinh viên, đã tăng lên 18,8% trong tháng 8. Đây là mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố trở lại vào tháng 1 năm nay. Trước đó, Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu này trong vài tháng sau khi liên tục đạt mức cao kỷ lục vào mùa hè năm ngoái.
Do bất động sản
Nhiều nhà kinh tế tin rằng nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề kinh tế ở Trung Quốc là do lĩnh vực bất động sản đang suy yếu, lĩnh vực từng chiếm tới 30% hoạt động kinh tế đất nước.
Ngành này bắt đầu hạ nhiệt vào năm 2019 và rơi vào khủng hoảng sâu khoảng hai năm sau, sau khi chính phủ thắt chặt việc vay mượn của các nhà phát triển.
Cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụt giảm mạnh giá bất động sản và làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Các cá nhân và công ty cố gắng chống chịu bằng cách bán bớt tài sản và cắt giảm tiêu dùng cũng như đầu tư.
Giá nhà hiện tại giảm gần 30% so với năm 2021, theo số liệu từ Beike, một nền tảng theo dõi các giao dịch nhà đất, dựa trên khảo sát ở 25 thành phố lớn của Trung Quốc.
“Không giống như hiệu ứng tích cực về tài sản ở Mỹ sau Covid-19, các hộ gia đình Trung Quốc chịu thiệt hại lớn về tài sản do sự suy thoái của thị trường nhà đất, ước tính lên tới 18.000 tỷ USD (hơn 442 tỷ đồng)” , các nhà kinh tế của Barclays cho biết trong một báo cáo ngày 12/9.
Để dễ hình dung, các nhà kinh tế cho biết con số này tương đương với việc mỗi hộ gia đình ba người ở Trung Quốc mất khoảng 60.000 USD (1,47 tỷ đồng), một số tiền gấp gần năm lần tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Trung Quốc.
Nicole Hal, nữ doanh nhân tự do 33 tuổi ở Quảng Châu, chia sẻ với CNN rằng cô phải cắt giảm chi tiêu vì thiếu tự tin vào nền kinh tế của đất nước, dù vợ chồng cô kế hoạch kiếm được ít nhất 4 triệu nhân dân tệ (13,9 tỷ đồng) trong năm 2024.
“Tôi đã ngừng mua các sản phẩm xa xỉ và mỹ phẩm đắt tiền. Tôi hạn chế ăn ngoài, thay vào đó tôi tự nấu ăn ít nhất bốn ngày một tuần” , Nicole nói.
Việc giảm tiêu dùng dẫn đến một loạt dữ liệu kinh tế bi quan, khiến một số ngân hàng đầu tư tiếp tục cắt giảm ước tính tăng trưởng của Trung Quốc xuống dưới mức mục tiêu 5%.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt do lĩnh vực bất động sản gây ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phần lớn tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất, bao gồm cả lĩnh vực xe điện (EV). Tuy nhiên, chiến lược ồ ạt tràn ra thị trường nước ngoài này đang gây ra gây phản ứng toàn cầu, đặc biệt là giữa các nhà sản xuất EV ở châu Âu.
“Ở Trung Quốc, nhu cầu nội địa yếu và tăng trưởng sản xuất mạnh đã đẩy thặng dư thương mại hàng hóa lên mức cực kỳ cao” , các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đánh giá trong một báo cáo ngày 13/9, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh khả năng sẽ phải đối mặt với thêm nhiều mức thuế từ các đối tác thương mại nếu tiếp tục xuất khẩu thặng dư của mình.