Những lăng mộ kim tự tháp dành cho bậc đế vương thời Ai Cập cổ đại là một trong những công trình kiến trúc nhân tạo tráng lệ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay.
Người Ai Cập xưa đã thành công trong việc thu hút sự tò mò của vô số nhà sử học, nhà khảo cổ học và những người theo thuyết âm mưu, những người đã dành cả cuộc đời để cố gắng làm sáng tỏ bí mật về cấu trúc phức tạp và mục đích của những công trình thách thức thời gian này.
Dù trải qua nhiều thế kỷ nghiên cứu kỹ lưỡng đã mang lại những hiểu biết sâu sắc về bản chất của các kim tự tháp và người tạo ra chúng, thì vẫn còn đó vô số bí ẩn. Trong số đó có câu hỏi lớn là: Làm sao người Ai Cập có thể xây dựng được một chuỗi 31 kim tự tháp ở một khu vực khắc nghiệt thuộc sa mạc Sahara, Ai Cập ngày nay?
Bí ẩn này vừa có câu trả lời
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment tháng 5/2024, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh radar và dữ liệu địa vật lý để điều tra lớp dưới bề mặt và trầm tích ở Thung lũng sông Nile gần các kim tự tháp.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một “nhánh sông Nile lớn đã mất” mà họ đặt tên là Nhánh Ahramat (có nghĩa là “kim tự tháp” trong tiếng Ả Rập) từng chạy dọc theo vị trí hiện nay của 31 kim tự tháp.
Nhánh sông Nile có tên Ahramat đã giúp người Ai Cập tạc nên những công trình kỳ vĩ, thách thức thời gian. Ảnh: Eman Ghoneim / Communications Earth & Environment
Các tác giả viết: “Nhánh Ahramat đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi kim tự tháp. Nhánh sông đã mất này hoạt động như một tuyến đường thủy vận chuyển vật liệu xây dựng đến từng địa điểm xây dựng của các kim tự tháp”.
Nhánh sông Ahramat dài 63 km — có chiều rộng thay đổi từ 200 đến 700 mét — đủ lớn để mang một lượng đáng kể nước sông Nile chảy suốt hơn 4.000 năm trước trong thời kỳ Cổ và Trung Vương quốc Ai Cập.
Điều đó có nghĩa là nhánh sông đã hoạt động trong thời gian người Ai Cập xây dựng chuỗi kim tự tháp này, trong số đó có Đại kim tự tháp Giza và các kim tự tháp Khafre, Cheops, Mykerinos cùng nhiều công trình nổi bật khác như đền thờ trong thung lũng.
Sự tồn tại của nhánh sông Ahramat làm sáng tỏ lý do tại sao người Ai Cập cổ đại lại chọn khu vực đặc biệt này để xây dựng các kim tự tháp để cho các vị pharaoh yên nghỉ.
Đoàn lạc đà đi qua kim tự tháp Khufu và Khafre vĩ đại gần Giza. Ảnh: JEWEL SAMAD/AFP QUA GETTY IMAGES.
"Nhánh sông Ahramat đã hoạt động trong khoảng thời gian 1.000 năm khi chuỗi các kim tự tháp được xây dựng, bắt đầu khoảng 4.700 năm trước trong thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập và kéo dài qua nhiều triều đại" - Các tác giả viết.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các kim tự tháp thời Trung Vương quốc Ai Cập (kéo dài từ năm 2050 TCN đến 1700 TCN) được xây dựng xa hơn về phía đông so với kim tự tháp thời Cổ Vương quốc Ai Cập (từ 2686 TCN đến năm 2181 TCN) và ở độ cao thấp hơn so với bãi bồi.
Bằng cách sử dụng các công nghệ cao, nhóm nghiên cứu có thể nhìn sâu bên dưới bề mặt cát và tìm kiếm các đặc điểm trên vùng đất cung cấp manh mối về nhánh sông đã bị chôn vùi. Khi đến hiện trường, nhóm đã khoan lõi trầm tích để xác nhận vị trí cũ của nhánh sông.
Lý giải về việc nhánh sông Ahramat biến mất, các nhà khoa học tin rằng ngay sau khi xây dựng các kim tự tháp, những trận gió lớn và bão cát liên tục trong nhiều năm đã khiến nhánh sông này bị cát sa mạc lấp kín. "Những thay đổi môi trường phức tạp và sự xâm nhập của cát từ Cao nguyên sa mạc phía Tây Sahara có thể đã dẫn đến việc nhánh Ahramat bị vùi lấp sau nhiều thiên niên kỷ".
Theo dữ liệu mới, quần thể kim tự tháp Giza được xây dựng trên một cao nguyên có lẽ chỉ cách nhánh sông cổ này vài trăm mét.
Eman Ghoneim, tác giả chính của nghiên cứu, thuộc Đại học Bắc Carolina Wilmington (Mỹ), nói với AFP rằng người Ai Cập xưa có thể đã tạo ra một bến cảng dọc theo nhánh sông Ahramat tại Valley Temps. Bến cảng này đóng vai trò là nơi tiếp nhận nguyên vật liệu xây dựng kim tự tháp.
Chưa hết, theo nhà nghiên cứu Suzanne Onstine, thuộc Đại học Memphis (Mỹ), thì bến cảng này không chỉ cho phép vận chuyển đá nặng và vật liệu xây dựng mà còn là địa điểm quan trọng để đoàn tùy tùng tang lễ của các pharaoh tập trung lại trước khi di chuyển thi thể các vị vua vào trong các ngôi đền.
Các tác giả viết: “Phát hiện của chúng tôi đã lấp đầy lỗ hổng kiến thức rất cần thiết liên quan đến một tuyến đường thủy cổ xưa từng chảy từ sông Nile để kết nối các địa điểm kim tự tháp và liên kết chúng với các thành phố và thị trấn quan trọng ở Ai Cập cổ đại, bao gồm cả thủ đô cổ đại Memphis".
Như vậy, không phải người ngoài hành tinh hay một thế lực bí ẩn nào đó đã tạo nên những công trình mọc lên sừng sững ở sa mạc cát cháy của Ai Cập như nhiều thuyết âm mưu đã dựng lên, mà chính là những con người nhỏ bé với trí thông minh to lớn đã tạc nên chúng.
Sông Nile hiền hòa không chỉ mang lại nguồn nước mát lành, làm tươi tốt mùa vụ mà còn giúp người Ai Cập vận chuyển hàng loạt phiến đá khổng lồ cần thiết để xây dựng các kỳ quan kiến trúc tồn tại đến tận ngày nay.
Tham khảo: PM, IGN