Dốc toàn lực
Trung Quốc đã tạo ra mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, khoảng 38.000 km, và hệ thống đường bộ 168.000km đường cao tốc cùng 248 sân bay thương mại liên kết tất cả các vùng của đất nước. Chiều dài đường cao tốc ở Trung Quốc là 170.000 km, gần gấp đôi con số của Mỹ và ở Nga là không quá 7.000 km. Các tuyến tàu điện ngầm ở Trung Quốc cũng lên đến 7.000 km.
Về lâu dài, riêng với cao tốc, Trung Quốc tham vọng xây dựng 461.000km đến năm 2035 và sở hữu mạng lưới xa lộ tầm cỡ thế giới vào năm 2050.
Trong đó, Bắc Kinh kỳ vọng mạng lưới cao tốc có thể bao quanh các thành phố, quận huyện có dân số từ 100.000 người trở lên và các cửa khẩu quan trọng; phát triển kết nối giữa tuyến cao tốc với ga tàu hỏa, sân bay và cảng; mở rộng phạm vi dịch vụ giao thông, đường thủy và đường sắt.
Mục tiêu cuối cùng là để người dân chỉ mất 1 giờ đi lại trong nội thành, mất 2 giờ đi lại giữa các cụm thành phố, 3 giờ đi lại giữa các thành phố lớn và 1 ngày để vận chuyển hàng hóa trong nước, 2 ngày để vận chuyển hàng hóa với các nước láng giềng và trong khu vực, 3 ngày để vận chuyển hàng hóa tới các thành phố lớn trên thế giới.
Trong một cuộc họp với các quan chức kinh tế cấp cao vào năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc cần phải dốc toàn lực để đẩy mạnh xây dựng nhằm tăng cường nhu cầu nội địa và thúc đẩy phát triển.
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá hạ tầng của quốc gia vẫn chưa tương thích với nhu cầu phát triển cũng như an ninh, song không nêu cụ thể số tiền mà Trung Quốc dự tính sẽ bỏ ra thời gian tới.
Số liệu của World Bank cho thấy tai nạn giao thông đang là chuyện thường ngày ở Ấn Độ khi có hơn 900.000 người chết và bị thương mỗi năm tại đây, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bình quân hàng năm các vụ tai nạn giao thông khiến Ấn Độ tiêu tốn đến 156 tỷ USD và cứ 10 vụ tai nạn diễn ra trên toàn cầu thì có 1 vụ ở quốc gia này.
“Chúng tôi chưa thực sự coi trọng vấn đề an toàn giao thông. Mọi người thà quan tâm đến việc cố gắng ưu tiên lắp ráp được những chiếc xe hiện đại tốc độ cao còn hơn đặt sự chú ý vào an toàn tính mạng người điều khiển”, giám đốc Prerana Aora Singh của tổ chức phi lợi nhuận People’s Trust than vãn.
Vào tháng 1/2023, Bộ trưởng giao thông Nitin Gadkari đã đặt mục tiêu giảm 50% số vụ tai nạn từ nay đến năm 2025, thế nhưng hãng tin Bloomberg nhận định tham vọng này là quá lớn khi nguyên nhân của tình trạng giao thông phức tạp hiện nay đến từ cơ sở hạ tầng kém cho đến ý thức của người dân.
Tự tìm đường mà đi
Kỹ sư trưởng S.Velmurugan của Viện nghiên cứu đường bộ (CRRI) nhận định khâu thiết kế tính toán đến độ an toàn của người tham gia giao thông thường bị bỏ qua tại Ấn Độ. Các nhà thiết kế thường phụ thuộc vào những mô hình xây dựng trên máy tính bằng phần mềm mà chẳng kiểm tra nhiều xem chúng có phù hợp với thực tế hay người đi đường hay không, hoặc ít nhất rà soát xem còn vấn đề gì với thiết kế hay không.
Theo ông Velmurugan, số vụ tai nạn ở Ấn Độ có thể giảm ít nhất đến 25% nếu các dự án xây dựng chú trọng hơn đến vấn đề thiết kế, tính toán đến sự an toàn của người tham gia giao thông cũng như có khâu tái thẩm định một cách tử tế hơn.
Hãng tin Bloomberg nhận định 75% phương tiện tham gia giao thông tại Ấn Độ là xe 2 bánh và đây cũng là đối tượng có số người chết vì tai nạn nhiều nhất. Loại phương tiện này cực kỳ thích hợp cho những gia đình nghèo, những người mới tham gia giao thông cũng như dễ dàng luồn lách di chuyển trên các con đường chất lượng kém ở Ấn Độ.
Thế nhưng cũng chính những phương tiện này lại gây tai nạn nhiều nhất vì các nhà thiết kế không tính hết đến khả năng luồn lách của họ hay những bất tiện về mô hình với đặc điểm tham gia giao thông đông xe 2 bánh.
Thêm nữa, việc không có nhiều cầu vượt hay lối băng qua đường càng khiến mọi người di chuyển tự do, tự tìm đường mà chạy khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Ngoài ra, việc không tính toán đến tốc độ gia tăng lưu lượng phương tiện giao thông khi xây dựng các dự án càng khiến hệ thống giao thông Ấn Độ dễ dàng rơi vào quá tải tầm cao điểm, khiến người dân càng phải phá luật để tự di chuyển, qua đó tạo thành các thói quen dễ gây tai nạn.
Nhường đường cho... bò
Hãng tin Bloomberg nhận định tình hình giao thông tại Ấn Độ nguy hiểm đến mức bất kỳ ai đã chạy xe được ở đây thì cũng có đủ tiêu chuẩn để lái ở bất kỳ đâu trên thế giới. Người tham gia giao thông tại đây không đội mũ bảo hiểm hay thắt dây an toàn, phải đối mặt với những đoạn đường kém chất lượng đầy ổ gà, những người qua đường bất chợt, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông luồn lách cả lên vỉa hè và đặc biệt hơn cả là những đàn bò bất ngờ chắn ngang đường.
Xin được nhắc bò là một loài vật linh thiêng ở Ấn Độ nên các phương tiện thường không được bấm còi xua đuổi, không được cố tình lách qua mà phải chờ cho những chú bò băng qua đường xong. Nếu những con bò nằm chắn ngang đường thì các phương tiện cũng phải kiên nhẫn. Thậm chí nhiều người còn đùa rằng tính mạng người tham gia giao thông còn không bằng những chú bò ở Ấn Độ.
Báo cáo năm 2019 cho thấy Ấn Độ có khoảng 5 triệu con trâu-bò hoang và 15 triệu chó hoang. Số lượng này tạo nên những tuyến đường đầy nguy hiểm khi có động vật cắt ngang bất cứ lúc nào.
Tôn thờ những con bò là vậy nhưng các phương tiện giao thông lại sẵn sàng vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định hay say xỉn khi lái xe. Việc vượt quá tốc độ và lái xe ngược chiều được đánh giá là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn chết người thương tâm, nhưng ý thức của người dân chẳng thể cải thiện với hệ thống giao thông như hiện nay. Nếu không tự tìm đường mà đi thì chẳng thể nào đến nơi và điều này đã khiến người dân dần coi thường các quy định an toàn.
Trớ trêu hơn nữa, không chỉ đèn giao thông trở thành bài trí ở Ấn Độ mà ngay cả các quy định cực kỳ khắt khe khác cũng bị coi nhẹ. Xin được nhắc là Ấn Độ cấm dùng điện thoại khi tham gia giao thông trong khi Trung Quốc, Mỹ và Anh chỉ cấm không được cầm smartphone, còn dùng các thiết bị tai nghe Bluetooth vẫn được.
Thậm chí nồng độ cồn trong máu tiêu chuẩn được phép lái xe ở Ấn Độ cũng chỉ ở 0,03%, thấp hơn nhiều so với 0,08% tại Mỹ và Anh. Thế nhưng các quy định này thường xuyên bị vi phạm.
Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy việc tuân thủ quy định về tốc độ, không lái xe khi dùng đồ có cồn hay thắt dây an toàn tại Ấn Độ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong khi quốc gia này đề xuất một bộ luật giao thông mới vào năm 2019, siết chặt án phạt hơn thì nhiều bang ở Ấn Độ lại từ chối thực hiện và vẫn áp dụng các khung hình phạt nhẹ hơn cho những người vi phạm.
Thậm chí quy trình xét tuyển bằng lái tại Ấn Độ cũng cực kỳ hỗn loạn khi nhiều người điều khiển mua bằng chứ chẳng thực sự tham gia kỳ thi.
Tồi tệ hơn, cảnh sát Ấn Độ chủ được đào tạo về phân luồng giao thông mà ít được hướng dẫn việc xử lý khi có tai nạn giao thông. Cùng với sự hỗn loạn khi đi đường, các vụ tai nạn thường diễn ra trong cảnh người bị thương ít được quan tâm kịp thời.
Tại một số khu vực như miền bắc bang Rajasthan hay miền đông bang Jharkhand, chính phủ đã phải lập một quỹ riêng nhằm thưởng cho những người dân giúp đỡ người bị nạn khi tham gia giao thông.
Nguồn: Bloomberg